Chỉ 100g đường cũng đủ khiến các tế bào bạch cầu – chiến binh giúp cơ thể tiêu diệt mầm bệnh – giảm hiệu quả hoạt động tới 40%.
Tất cả chúng ta đều biết rằng ăn đường làm hỏng răng và gây béo phì. Nhưng vẫn còn những hiểm họa ít được nhắc tới mà những chất trắng ngọt ngào, đầy cám dỗ kia có thể gây ra cho cơ thể con người. Mới đây, Beneden, một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe tại Mỹ đã giúp xác định chính xác tác động của đường tới cơ thể chúng ta ra sao. Từ các vấn đề về gan, thận tới tình trạng hệ miễn dịch suy yếu, đường quả thực nguy hại hơn vẻ bề ngoài của nó rất nhiều.
Dưới đây là những ảnh hưởng của đường đối với sức khỏe phụ nữ:
Tác động tới não
Đường có vô số tác động xấu tới não. Hấp thụ quá nhiều đường có thể làm trầm trọng hóa cảm giác căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi bởi đường khiến mức năng lượng tăng vọt theo sau cũng như gây rối loạn các chất truyền dẫn thần kinh vốn có tác dụng điều hòa tâm trạng của chúng ta. Đường thậm chí còn có mối liên hệ với chứng bệnh mất trí nhớ, sa sút trí tuệ.
Đó là bởi vì quá nhiều đường khiến lượng đường trong máu tăng – đây lại là nhân tố chính trong việc con người mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường, trong khi đó, lại dẫn tới suy giảm trí nhớ.
Tác động tới răng
Một số vi khuẩn có hại tồn tại trong miệng cả người lớn lẫn trẻ em có thể tiêu thụ lượng đường mà chúng ta ăn. Kết quả là, hàm lượng axit mà chúng có thể sản sinh ra một cách bình thường sẽ tăng, phá hủy men răng. Khi lớp bảo vệ ngoài cùng này của răng bị hỏng, hàm lượng axit tăng có thể gây thủng răng (sâu răng). Kết quả là răng bị đau, tăng độ nhạy cảm và thậm chí bị hao hụt đi.
Tác động tới da
Phụ nữ vốn có hàm lượng collagen thấp trên da, nhưng đường lại càng làm tình hình trở nên tồi tệ. Quá nhiều đường trong máu có thể bám vào collagen trên da. Một khi đã bám dính, nó sẽ làm collagen trở nên giòn hơn, dễ vỡ hơn và khiến da của chúng ta không thể tự phục hồi. Kết quả là da dễ bị nhăn nheo hơn và thậm chí sinh mụn.
Là nguyên nhân gây bệnh béo phì
Đường chứa calo nhưng không có giá trị dinh dưỡng thực. Do đó, ăn quá nhiều đường có thể khiến cơ thể bạn bị “bội thực” bởi quá nhiều calo. Mỗi calo thêm vào, nhiều hơn lượng calo bạn có thể đốt cháy, sẽ khiến bạn tăng cân. Thừa cân rốt cuộc sẽ tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường vì nó tác động xấu tới mọi phần khác trên cơ thể.
Tác động tới mạch máu
Sự hiện diện của hàm lượng đường cao trong cơ thể khiến mạch máu co hẹp, dẫn tới chuỗi hệ quả xấu. Tim và các cơ quan khác bị gia tăng áp lực, khiến chúng “khao khát” được tiếp máu hơn bao giờ hết, rốt cuộc khiến huyết áp tăng (nguy cơ phổ biến ở phụ nữ mãn kinh). Đường huyết cao cùng những triệu chứng kèm theo thường là kết quả của béo phì và tiểu đường – 2 căn bệnh do tiêu thụ quá nhiều đường mà ra.
Tác động tới tim
Lượng đường lớn được đưa vào cơ thể có thể giảm mật độ cao hàm lượng lipoprotein (chất trong nhóm các protein kết hợp với các chất béo hay các lipid) trong khi lại làm gia tăng triglyceride (thành phần chính của mỡ cơ thể). Đường gây ra bệnh béo phì và đặt chúng ta trước nguy cơ cholesterol cao cũng như bệnh tim mạch.
Tác động tới gan
Khi gan không thể xử lý hết lượng fructose (đừng), nó buộc phải chuyển hóa fructose thành tế bào mỡ. Một số tế bào mỡ được gửi đi khắp cơ thể dưới dạng cholesterol và triglycerides, gây tăng cân, trong khi phần nhiều được trữ lại gan. Trường hợp xấu nhất, việc tích tụ mỡ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và béo phì.
Tác động tới thận
Tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng các vấn đề của cơ thể với đường huyết và dẫn tới béo phì – dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2. Ở Anh, cứ 1 trong số 16 người lại bị tiểu đường và trường hợp tồi tệ nhất, thận bị suy, không thể lọc chất thải khỏi máu một cách hiệu quả nữa.
Tác động tới hệ tiêu hóa
Các nghiên cứu cho thấy, dôi khi, đường không hoàn toàn tiêu hóa trong ruột non. Kết quả là, trước khi tiến tới ruột già, nó đã lên men. Đây chính là khởi nguồn của bệnh đầy hơi, trướng khí và làm tăng nặng triệu chứng của hội chứng ruột kích thích IBS – một rối loạn tiêu hóa chức năng.
Tác động tới cơ quan sinh dục
Hàm lượng đường cao trong máu tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm. Đó là do nấm sinh sôi nhờ đường. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Khi đường huyết tăng, nó gây ra tình trạng mất cân bằng và dẫn tới nhiễm trùng.
Tóm lại, mặc dù đường không thể bị đổ lỗi hoàn toàn trong việc tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhưng rõ ràng nó đóng vai trò rất lớn khi nạp đầy cơ thể chúng ta bằng năng lượng rỗng. Điều bạn cần làm chính là hạn chế tiêu thụ đường trong bữa ăn hàng ngày. Lượng đường khuyến nghị dành cho người trưởng thành mỗi ngày là 30g. Nhưng trên thực tế, con số này là 58,8g/ngày và 21.462g/năm.
(Nguồn: DailyMail)
Nguồn: Afamily
Chưa có bình luận.