Thứ Năm, 04/08/2016 | 11:46

GS.TS Nguyễn Bá Đức, PCT Hội Ung thư Việt Nam nói với Góc nhìn thẳng về mối lo Việt Nam đang tăng ung thư nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính từ việc “ăn gì cũng chết”.

15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư.

Điều lo ngại này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nêu rõ khi thuyết minh về chương trình giám sát chuyên đề an toàn thực phẩm sẽ thực hiện vào năm 2017.

Chúng ta sẽ đối diện ra sao với hiện trạng này?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet trao đổi với GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K về vấn đề này.

Ăn gì cũng chết, người Việt mắc ung thư nhanh nhất thế giới

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ông có lý giải thế nào về tốc độ tăng số người mắc bệnh ung thư đến chóng mặt ở Việt Nam như vậy?

GS.TS Nguyễn Bá Đức: Nói về ung thư thì có rất nhiều nguyên nhân. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, 80% nguyên nhân sinh ra ung thư là từ môi trường bên ngoài.

Ở Việt Nam, đúng là có hiện tượng tăng bệnh ung thư rất nhanh.

Những năm 1990, chúng tôi thấy, số lượng người mắc bệnh này còn rất thấp, khoảng 70.000 người trong một năm, nhưng đến năm 2010-2015, con số này mỗi năm đã là 150.000 người.

Dự báo đến năm 2020, tức 4-5 năm nữa thôi, sẽ có 200.000 người mắc ung thư mới mỗi năm. Cộng với số người đã mắc bệnh ung thư đang điều trị và số người đã khỏi bệnh ung thư rồi thì tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.

Nói Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới không hẳn là chính xác, mà có lẽ, phải nói là Việt Nam có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới thì đúng hơn.

Nếu chúng ta tác động vào các nguyên nhân sinh ung thư thì sẽ giảm được tỷ lệ mắc ung thư mới, trong đó, có vấn đề an toàn thực phẩm và thuốc lá.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa ông, tới 80% nguyên nhân gây ung thư là từ môi trường bên ngoài. Và vừa qua, những vụ việc thực phẩm bẩn độc liên tục bị phát hiện. Người dân có thể làm gì để thoát khỏi hiểm hoạ mắc ung thư hiển hiện hàng ngày như vậy?

GS.TS Nguyễn Bá Đức: Ưu tiên hàng đầu là phải làm sao phòng bệnh đã, giảm được tỷ lệ mắc.

Muốn vậy, phải ngăn chặn được tác nhân gây ung thư. Muốn chữa tốt thì phải làm sao phát hiện được bệnh sớm.

Thế thì, về việc ngăn chặn bệnh, các tác nhân sinh ung thư ở chúng ta đã được phát hiện nhiều, đặc biệt là thuốc lá. Vậy thì, phải làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Thứ hai là vấn đề an toàn thực phẩm, vừa qua đã làm nóng trong nhân dân và nghị trường Quốc hội. Phải nói là, thực phẩm của chúng ta không an toàn nhiều quá.

Ăn gì cũng chết, người Việt mắc ung thư nhanh nhất thế giới

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam trả lời chương trình Góc nhìn thẳng, báo VietNamNet (ảnh: VietNamNet)

Chúng ta thấy rằng, giờ đây, người dân còn nói, không biết ăn gì, ăn gì cũng chết. Có những câu nói hài hước, bi quan, thôi thì ăn thì chết về sau, không ăn thì sẽ chết ngay bây giờ, thôi thì… cứ ăn.

Đó là một thực trạng. Ta phải làm tốt hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều người cũng đã nói, người Việt Nam chúng ta đang đầu độc lẫn nhau.

Đạo đức xã hội đang có vấn đề nghiêm trọng, người ta không thấy được hiểm hoạ chung cho cộng đồng, trong đó, có chính bản thân mình mà chỉ thấy cái lợi trước mắt.

Xã hội phải lên tiếng mạnh hơn nữa, phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thay đổi được quan điểm vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sức khoẻ cộng đồng và nguy hại cho xã hội.

Nhà báo Phạm Huyền: Hiện nay, có các bộ liên quan đến lĩnh vực này như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên môi trường… Ông nghĩ sao về trách nhiệm của các bộ này khi để người dân phải sống bất an với các hiểm hoạ khôn lường như vậy?

GS.TS Nguyễn Bá Đức: Bộ Y tế là Bộ quản lý về sức khoẻ nhưng thường là phần ngọn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò rất quan trọng, vì vấn đề lương thực, thực phẩm độc hại phải được quản lý tốt hơn nữa. Còn khi lên tới bàn ăn rồi thì rất khó.

Hay Bộ Tài nguyên môi trường cũng vậy với tình trạng xả thải những chất gây ô nhiễm ra môi trường, cũng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa…

Song, phải kể đến Bộ Giáo dục và đào tạo nữa. Chúng ta phải giáo dục từ khi là một đứa trẻ con, biết tự trọng, biết tôn trọng luật pháp và giữ gìn sức khoẻ cộng đồng.

Cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chung thì tôi nghĩ, đó là Chính phủ. Tuy nhiên, vừa rồi ta nói đến chuyện người Việt Nam đang tự đầu độc lẫn nhau.

Thế thì, nếu các Bộ dù có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, từng gia đình phải có ý thức phòng bệnh giữ gìn cho tương lai, cho giống nói dân tộc thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể cho biết những tiến bộ cập nhật nhất của việc điều trị căn bệnh này trên thế giới cũng như ở nước ta?

GS.TS Nguyễn Bá Đức: Những tiến bộ y học ở Việt Nam có rất nhiều. Trước đây, phần lớn ung thư đều phát hiện ở giai đoạn muộn.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, phần lớn các ca bệnh ung thư đều phát hiện ở giai đoạn 3-4, tỷ lệ khỏi rất thấp.

Nhưng hiện nay, số người mắc ung thư được phát hiện sớm tăng cao. Ví dụ như ung thư vú, chúng tôi ước tính 70% chữa khỏi sau 5 năm. Đó là thành tựu rất ấn tượng.

Các loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, trực trạng, khoang miệng đã được phát hiện sớm và chữa được rất nhiều. Trước đây, nói đến ung thư là chết, là án tử hình.

Nhưng hiện nay, nhiều người sau khi chữa ung thư vẫn sống với gia đình nhiều năm. Có những người, vài chục năm sau khi chữa bệnh, đến khi già thì chết vì bệnh khác chứ không phải vì ung thư.

Đó là nhờ những tiến bộ y học trên thế giới đã được cập nhật ở Việt Nam.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook