Một số bài tập nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau và những triệu chứng bệnh, góp phần vào quá trình chữa trị và phòng chống hiệu quả.
Viêm đa khớp dạng thấp là 1 dạng bệnh mãn tính khiến 1 hoặc nhiều khớp bị viêm, đau trong cử động. Bệnh thường biểu hiện ở những vị trí đối xứng nhau như 2 đầu gối, 2 mu bàn chân, 2 ngón tay ở vị trí giống nhau…
Nguyên nhân của bệnh có thể là do virut, vi khuẩn, do di truyền, cơ địa hoặc những yếu tố môi trường, thời tiết…
1. Bài tập Isometric
Bài tập Isometric nên được tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Bài tập giúp tạo sự linh hoạt, tăng sức mạnh giữa các cơ.
Cách thực hiện: để 2 tay ngang ngực và áp 2 bàn tay vào nhau chặt nhất có thể. Giữ nguyên 5 giây rồi nghỉ 5 giây. Khi quen dần, bạn có thể tăng cường độ lên 10-15 giây 1 lần, giữa các lần thực hiện nghỉ 5 giây.
2. Đi bộ
Đi bộ giúp xương khớp hoạt động linh hoạt, là bài tập thích hợp với người bị viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể đi bộ chậm rồi nâng dần tốc độ. Đi bộ không những là hình thức luyện tập vừa phải, phù hợp với người viêm khớp mà nó còn tốt cho hệ tim mạch.
Bắt đầu ngày mới bằng 30 phút cho đến 1 tiếng còn hỗ trợ tích cực cho tinh thần thoải mái, thư giãn.
3. Aerobic nhẹ nhàng
Những vận động nhẹ như động tác aerobic cường độ vừa phải có thể đẩy lùi chứng viêm khớp nhẹ. Động tác aerobic này có thể làm tăng sức chịu đựng của xương, khiến các cơ và xương thêm chắc khỏe.
Người viêm khớp cần cẩn thận trong vận động. Những bài tập nên tùy theo tình trạng sức khỏe và có thể tăng dần lên đến cao nhất 60 phút/ngày.
4. Duỗi vai
Thực hiện: đứng thẳng lưng và áp sát vào tường hoặc mặt phẳng. Duỗi 2 tay dọc theo thân người, cùi chỏ và lòng bàn tay áp sát vào tường. Giữ nguyên trong vòng 5 giây rồi nghỉ. Thực hiện động tác này 10 lần.
5. Co duỗi ngón tay
Bài tập co duỗi ngón tay làm giảm tình trạng co rút, cứng khớp; giúp ngón tay cử động linh hoạt.
Thực hiện: đưa 2 tay song song ra trước mặt, xòe 5 ngón tay ra hết cỡ rồi nắm lại. Thực hiện 20 động tác/ lần, 2 lần/ngày.
6. Khuỷu tay
Thực hiện: đưa 2 tay song song ra trước mặt, ngửa bàn tay lên. Dùng 1 tay kéo tay còn lại về phía sau, hướng lòng bàn tay về phía sàn nhà. Giữ trong vòng 30 giây, sau đó đổi tay.
7. Cổ tay
Thực hiện: đặt phần từ khuỷu tay đến bàn tay lên 1 chiếc bàn, dùng tay còn lại cầm các ngón tay phải kéo nhẹ về đằng sau. Thực hiện từ từ nhẹ nhảng cho đến khi cảm thấy bắt đầu đau. Mỗi tay bạn nên thực hiện 10 lần, 2 lần/ngày.
Thu Ngân
Chưa có bình luận.