Có mặt chồng, chị Thuần vừa cười vừa bảo bác giúp việc: “Từ giờ, cứ cuối tháng là bác gặp bố Na lĩnh lương nhé. Mẹ cháu chỉ đủ mua bỉm cho con thôi”.
“Nhiều lúc nghĩ cũng thấy chán khi phải tìm đủ chiêu để chồng chịu ‘xì tiền” ra. Nhưng một mình lo cho hai con nhỏ, sao kham được”, nữ nhân viên hành chính của một bệnh viện tại Hà Nội chia sẻ.
Chị Thuần cho biết, vợ chồng chị kết hôn gần 7 năm nhưng anh xã hầu như chưa từng chủ động góp tiền cho vợ. Anh chị đều là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội lập nghiệp, được bố mẹ hai bên cho ít tiền, cộng vay mượn thêm nên mua được một căn hộ nhỏ xíu. Từ lúc đó, chồng chị, vốn làm nhà nước và mở một công ty nhỏ, bảo vợ lấy lương để chi tiêu trong gia đình còn thu nhập của anh trả nợ ngân hàng.
“Thực ra, mình tiết kiệm được đồng nào cũng đưa hết để chồng trả cho nhanh, đỡ tiền lãi. Vậy nhưng, hai năm nay, dù hết nợ, anh ấy vẫn không đưa đồng nào, trong khi con một đứa đi học mầm non, đứa kia còn nhỏ phải thuê osin trông”, chị Thuần kể.
Chị càng ấm ức khi biết chồng có tiền rủng rỉnh tiêu, thi thoảng còn gửi cho bố mẹ đẻ và anh em. Sau nhiều lần yêu cầu chồng “góp gạo”, cả gay gắt lẫn ngọt nhạt, vẫn không thay đổi tình hình, chị Thuần phải dùng tới “kế”: “Biết tính anh ta sĩ, mình cứ nhè lúc có người khác để ‘moi’ các khoản có thể như: bảo bác giúp việc gặp chồng lấy lương; xúi con lớn ra nũng đòi bố đóng học, mua sữa; người thu tiền điện, internet đến mà chồng ở nhà là vợ giả bận không ra được; đám giỗ, đám cưới kệ anh ta mừng…”, chị kể.
Bà mẹ 33 tuổi cho biết, cách này nhiều lần có tác dụng bắt chồng mở ví nhưng nhiều khi cũng khiến vợ chồng nhìn nhau như… kẻ thù. “Để làm được thế mình cũng phải dày mặt ra và dẹp tự ái đi”, chị chia sẻ.
Ảnh minh họa: Patheos. |
Cũng thấm cảnh nhiều năm phải một tay cáng đáng mọi chi tiêu trong gia đình trong khi ông chồng lúc nào cũng ca bài “lương ít” và “hết rồi”, chị Phượng (Đại Mỗ, Hà Đông, Hà Nội) đã phải dùng biện pháp mạnh: Chồng không đưa lương, vợ khỏi nấu cơm.
Chị Phượng kể, đã rất nhiều lần chị bực với chồng vì tính chi li, bủn xỉn với vợ nhưng thấy anh cũng thương con, tính lại không bài bạc, trai gái, rượu chè gì nên cố lai lưng ra thu vén cho gia đình. “Một mình lo kinh tế cho cả nhà nên chẳng để ra được đồng nào. Lúc khỏe không nói, nhỡ làm sao… Mình quyết tâm phải thay đổi, tử tế không được thì áp dụng kiểu ‘Chí Phèo’, nếu anh ta còn không nghe nữa thì vợ chồng đứa nào lo cuộc sống đứa nấy”, chị Phượng kể.
Trước khi thực hiện, chị thông báo với chồng là mình không thể kham nổi mọi chi phí trong gia đình nên nếu chồng không đưa lương, vợ sẽ không nấu cơm, ăn nhờ ai được thì ăn, chi phí cho con sẽ cưa đôi, chị đóng học, anh lo tiền bỉm, sữa… “Mình nói sao làm y vậy. Tính anh ta keo nên không muốn ăn hàng, thấy vợ không nấu cơm (cũng chẳng đong gạo) cũng hoảng. Bố không mua sữa, bỉm, mình cho con ‘nhịn’ các món đó luôn. Được cái chồng vẫn biết thương con nên cuối cùng cũng rút ví”, chị Phượng kể.
Một người bạn có hoàn cảnh giống chị Phượng, được chị chia sẻ, cũng áp dụng cách này nhưng lại thất bại. “Có lẽ chồng cô ấy tệ hơn chồng mình hoặc do vợ không ‘nhẫn tâm’ như mình được. Khi vợ không nấu cơm thì anh ta ra hàng luôn, còn sữa bỉm con không có bố cũng mặc kệ, mẹ xót lại đành mua”, chị cho biết.
Bà mẹ một con cho rằng, không người phụ nữ nào muốn chồng nhìn mình như một “chủ nợ”. Nhưng khi sự tôn trọng, tình cảm đã vơi đi tỷ lệ thuận với sự vô trách nhiệm của chồng thì vợ cũng chẳng cần giữ hình ảnh nữa.
Cũng có ông chồng vô tâm và dửng dưng trước các khoản phải lo trong gia đình, nhưng thay vì buồn, khóc và trách móc như trước đây, chị Dương (Láng Hạ, Hà Nội) giờ tập trung chăm sóc cho mình và các con, đồng thời coi chồng như “bồ” với phương châm: vui vẻ là chính, “moi” được đồng nào cho con càng tốt.
Chị chia sẻ, nhiều người nghe chị kể có thể thấy tiêu cực nhưng thực sự cách đó lại tốt cho cả gia đình: Bản thân chị đỡ buồn phiền, tinh thần và thể chất đều cải thiện nên cũng ảnh hưởng tích cực hơn tới con cái; chồng chị thì rõ ràng chiều vợ con hơn, chưa chủ động đóng góp tài chính nhưng vui vẻ chịu chi với các khoản vợ gợi ý.
“Đằng nào cũng không thể thay đổi anh ta, bản thân mình chưa sẵn sàng ly hôn nên một mặt cứ nhẹ nhàng mà sống chung, mặt khác phải tìm cách tự cân đối thu chi để có khoản tiết kiệm. Giờ chồng thích làm gì cứ tự do, không trách, không hờn. Thi thoảng rủ đưa con đi chơi, vào siêu thị thì gợi ý con đang cần đôi giày, cái áo, thùng sữa, quyển sách… Khi bố mua cho con gì thì tích cực khen, bảo con cảm ơn rồi đi khoe khắp nơi”, chị nói.
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, cho biết, trong gần 20 năm làm công tác tư vấn, bà gặp không biết bao nhiêu phụ nữ loay hoay với bài toán “làm thế nào để chồng chịu góp tiền lo cho gia đình”. Và nhà tư vấn nhiều khi biết là “hạ sách” nhưng vẫn phải hướng dẫn chị em cách để giữ lại một phần thu nhập của mình hay khéo léo nhờ chồng mua bảo hiểm, an sinh cho con để phòng bị cho tương lai. “Thật sự, để một người đàn ông vốn không lo toan gì cho gia đình chịu ‘góp gạo’ là một bài toán khó giải, là cuộc đấu tranh căng thẳng”, bà Hoa nói.
Bà cho rằng, tài chính là một vấn đề quan trọng trong gia đình nhưng nhiều người lại không đề cập hoặc cố tình né khi kết hôn. Thói quen chi tiêu, ý thức về trách nhiệm tài chính trong gia đình… là những điều cần xây đắp từ sớm và thường sẽ khó thay đổi. Bởi vậy, chị em, ngay khi lập gia đình, thậm chí, trước khi kết hôn, cần chú ý tới và có cuộc nói chuyện thẳng thắn về vấn đề này.
Ông Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM thì cho rằng, có nhiều lý do khiến ông chồng “quên” góp gạo cho vợ nhưng tựu chung lại thường vì họ ỷ lại, có thể vì thấy vợ có thu nhập cao hoặc do người vợ quá chu toàn, tự thu vén mọi thứ, ngại yêu cầu chồng đóng góp.
Theo ông Sỹ, việc các bà vợ nghĩ cách buộc chồng phải “mở ví” lo cho gia đình là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu chỉ tạo ra những tình huống hay cái cớ để đàn ông buộc phải chi thì có vẻ mất đi cái gốc của tình cảm vợ chồng là sự chân thành với nhau. Và khi đó, gia đình rất dễ đổ vỡ. Theo ông, cách tốt hơn là hãy thẳng thắn bày tỏ rõ quan điểm với chồng, hỏi ông xã có thể đóng góp bao nhiêu cho gia đình và dù số tiền đó như thế nào cũng vui vẻ chấp nhận rồi “liệu cơm gắp mắm”. Mục đích của việc này là để người đàn ông phải nhận ra trách nhiệm của mình và tự nguyện có đóng góp hợp lý.
“Chẳng hạn, nếu chồng lương 50 triệu nhưng nói chỉ đóng 3 triệu, cứ gật đầu nói ‘vâng, em cũng có 3 triệu, vậy là vợ chồng mình một tháng 6 triệu’ rồi liệt kê từng khoản cần chi rõ ràng, cắt giảm những thứ có thể. Nếu trước đây mỗi tháng phải trả 2 triệu tiền điện, giờ chỉ chi 500 ngàn bằng cách cắt bớt điện phòng, bình nóng lạnh, điều hòa… Chi phí cho con cũng giảm, ít mua đồ mới, năng xin đồ cũ… Làm sao để ông chồng nhận ra, với khoản đóng góp như vậy thì gia đình sẽ chỉ được dùng như thế… “, ông Văn Thanh Sỹ gợi ý.
Theo nhà tâm lý, thông thường, đàn ông tử tế không ngại giao tiền cho vợ nhưng họ thích mọi thứ phải rõ ràng, rành mạch và vì vậy chị em hãy cho họ thấy rõ các khoản chi. Phụ nữ cũng đừng tự cố gắng xoay sở hay ngại ngần đòi hỏi trách nhiệm từ bạn đời. “Bạn làm mọi việc cũng vì lo cho con cái, gia đình nên càng cần phải mạnh mẽ, dám lên tiếng và dám hành động”, ông Sỹ nói.
Vương Linh
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.