Thứ Tư, 28/10/2015 | 15:38

Ung thư tinh hoàn chiếm 5% ung thư đường sinh dục – tiết niệu, hay gặp ở nam giới lứa tuổi từ 25 – 35, thường xảy ra ở những trường hợp có tinh hoàn ẩn tiền sử quai bị,

Ung thư tinh hoàn chiếm 5% ung thư đường sinh dục – tiết niệu, hay gặp ở nam giới lứa tuổi từ 25 – 35, thường xảy ra ở những trường hợp có tinh hoàn ẩn tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn,… Đây là bệnh ung thư có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm và vẫn đảm bảo khả năng sinh sản.

Triệu chứng của ung thư tinh hoàn bao gồm: Có u nhỏ không đau ở vùng tinh hoàn, tinh hoàn to hơn bình thường, đau bên trong tinh hoàn, ngực và núm vú nam giới to hơn bình thường, có cảm giác nằng nặng ở bìu, gai sốt và hơi đau ở vú,… Nếu được phát hiện sớm thì đối với thể ung thư tinh hoàn thường gặp nhất là ung thư tuyến tinh tỷ lệ chữa khỏi có thể gần 100%. Nếu điều trị muộn, các tế bào ung thư có thể lan rộng ra các cơ quan khác.

Ung thư tinh hoàn: Điều trị sớm, hiệu quả cao

Ảnh minh họa

Dấu hiệu cần đi khám

Bất cứ khi nào có biểu hiện tức nặng tinh hoàn, đau ở tinh hoàn, sưng ở bìu, sờ có mảng cứng, sờ thấy u cục, tinh hoàn to ra hay nhỏ đi một cách bất thường,… thì cần đi khám ngay để điều trị sớm.

Để có thể phát hiện sớm ung thư tinh hoàn, cách tốt nhất là nên chú ý tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên như sau:

Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm, nước ấm làm giãn bìu, da vùng bìu đang mềm giúp dễ phát hiện bất thường ở tinh hoàn. Đặc biệt chú ý đến kích cỡ, độ lớn của tinh hoàn. Tinh hoàn bình thường của người trưởng thành chỉ to bằng ngón tay cái của người đó, không đau, mặt nhẵn. Dùng 2 tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn. Kiểm tra xem có u bướu gì bất thường không. Sờ nắn nhẹ tinh hoàn xem có thấy đau, có u nhỏ hay không nhẵn thì nên đi khám. Nên cảnh giác với những cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn. Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục cứng dù nhỏ cũng cần được thầy thuốc chuyên khoa tiết niệu và sinh dục khám.

Phương pháp điều trị

Nếu chẩn đoán xác định ung thư tinh hoàn, tùy mức độ bệnh các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Cách điều trị thông thường là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị bệnh, hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, để lại tinh hoàn lành, do đó vẫn đảm bảo khả năng tình dục và sinh sản.

Sau khi cắt bỏ tinh hoàn bị ung thư, một số người đã chọn giải pháp cấy tinh hoàn giả vào trong bìu để bộ phận sinh dục ngoài trông được tự nhiên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook