Thứ Bảy, 12/09/2015 | 16:17

Tin cho các Mẹ – Tỷ lệ chữa khỏi tiền ung thư cổ tử cung là 98%. Tuy nhiên khi bệnh đã tiến triển, chỉ 20% phụ nữ sống sót quá 5 năm

ung thu co tu cung: nhung dieu ban khong ngo! hinh 0

Nhiễm HPV dai dẳng gây ung thư CTC

Bạn biết gì về ung thư cổ tử cung và virus HPV? Rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi đọc những điều dưới đây, là kết quả của một số nghiên cứu y học mới nhất:

1. Phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển tử vong vì ưng thư cổ tử cung nhiều hơn so với các quốc gia đã phát triển.

2. Ung thư cổ tử cung là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất của phụ nữ tại Việt Nam với hơn 5.000 ca mỗi năm (Theo báo cáo Globocan 2012).

3. Virus HPV là nguyên nhân gây nên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

4. Có hơn 100 chủng HPV, nhưng chỉ có 14 chủng được xem là có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, trong số đó, chủng 16 và 18 là có nguy cơ cao nhất, là nguyên nhân dẫn đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

5. Có tới 4 trong số 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ và bất cứ ai đã có quan hệ tình dục, dù chỉ 1 lần, cũng có khả năng bị nhiễm virus này.

6. Việc nhiễm HPV hầu như không có triệu chứng, không gây hại gì và sẽ tự khỏi nhờ hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể; tuy nhiên, thường thì khi xuất hiện triệu chứng là lúc ung thư đã chuyển sang giai đoạn xâm lấn và rất khó điều trị, vì vậy việc xét nghiệm sớm để tìm ra nguy cơ của bệnh là rất quan trọng.

7. HPV có thể tồn tại trong cơ thể 10 năm hoặc lâu hơn trước khi ung thư cổ tử cung bắt đầu phát triển.

8. Phụ nữ nhiễm HPV 16 và 18 có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao hơn 35 lần so với người không nhiễm HPV.

9. Tỷ lệ chữa khỏi tiền ung thư cổ tử cung là 98%, tuy nhiên khi bệnh đã tiến triển thành ung thư và xâm lấn sang các bộ phận khác, chỉ 20% phụ nữ sống sót quá 5 năm.

10. Xét nghiệm PAP không thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu cho thấy cứ 3 phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường thì 1 người bị ung thư cổ tử cung.

Vậy có thể ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung không? Các chuyên gia cho rằng có thể ngừa được, bằng các biện pháp sau: Tốt nhất là tiêm vắc-xin dành cho những người trong độ tuổi phù hợp để ngăn ngừa căn bệnh phát triển. Với những phụ nữ có dấu hiệu của bệnh cần điều trị để làm chậm hoặc ngưng tiến triển bệnh trong giai đoạn đầu. Các biện pháp dự phòng có thể bao gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung bằng phương pháp xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, quan sát trực tiếp cổ tử cung và xét nghiệm HPV.

(nguồn: tài liệu Hội thảo “Sàng lọc ung thư cổ tử cung và vai trò của xét nghiệm HPV”. 22/4-23/4 tại TP.HCM và Hà Nội, do Roche Diagnostic tổ chức).

Nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính, điều trị ra sao ?

Ths BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết về các bước khám bệnh và điều trị trong quy trình khám sàng lọc ung thư CTC.

ung thu co tu cung: nhung dieu ban khong ngo! hinh 1

PV: Thưa bác sĩ, tại BV Từ Dũ, nếu sau khi xét nghiệm HPV và phát hiện người phụ nữ đã nhiễm HPV chủng có nguy cơ cao, thì hướng điều trị là gì ?

Ths BS Lê Quang Thanh: Những trường hợp sau khi xét nghiệm mà kết quả nhiễm virus những HPV chủng có nguy cơ cao gây ung thư CTV, thì theo quy trình điều trị, chúng tôi sẽ thực hiện:

Thứ nhất là PAP‘smear- xét nghiệm phết tế bào âm đạo cổ tử cung, kết hợp với kết quả xét nghiệm HPV, để tăng giá trị chẩn đoán. Rồi soi cổ tử cung, kiểm tra nhằm phát hiện những sang thương trên lâm sàng. Trong trường hợp có sang thương trên lâm sàng, thì chuyển đi làm sinh thiết. Nếu trong trường hợp sinh thiết, có tổn thương thì chúng tôi sẽ chữa trị, nếu không có tổn thương thì bệnh nhân tiếp tục theo chương trình sàng lọc tại bệnh viện, theo dõi định kỳ trong thời gian 1 năm.

PV: Mỗi năm bệnh viện Từ Dũ phát hiện bao nhiêu ca ung thư CTC mới mắc, thưa ông ?

Ths BS Lê Quang Thanh: Hàng năm chúng tôi phát hiện khoảng 600 trường hợp mới mắc.

PV: Vậy BV Từ Dũ đã làm những gì để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các phụ nữ về căn bệnh ung thư CTC, thưa bác sĩ?

Ths BS Lê Quang Thanh: Chúng tôi tuân thủ chương trình sàng lọc quốc gia về bệnh ung thư CTC, khuyến cáo tất cả các phụ nữ nên làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP). Chúng tôi tuyên truyền, phụ nữ theo đó đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm PAP định kỳ.

Gần đây, nguyên nhân gây ung thư CTC đã được xác định là do HPV, chúng tôi tuyên truyền để cho phụ nữ có ý thức ngừa lây nhiễm HPV, ví dụ quan hệ tình dục an toàn, giáo dục giới tính, và chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm chủng vắc-xin HPV. Nhưng dù có dùng vắc-xin ngừa HPV thì vẫn phải tuân thủ chương trình sàng lọc.

Việc tuyên truyền được tiến hành thường xuyên dưới nhiều hình thức, như: qua các hội thảo, qua các kênh truyền thông, báo chí, truyền hình… Rồi tổ chức các lớp tập huấn, các chương trình giáo dục tại cộng đồng: trong các trường học, khu công nghiệp…

Tại BV Từ Dũ có phòng tư vấn về bệnh ung thư CTC, về virus HPV, việc xét nghiệm, tiêm ngừa… vv.

BV Từ Dũ là BV chuyên khoa đầu ngành,được phân công đảm trách khu vực phía Nam. Chúng tôi có các chương trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cũng như là tuyên truyền, đào tạo cho các bệnh viện tuyến dưới. Ở các tỉnh có các trung tâm sức khỏe sinh sản, họ mở rộng tuyên truyền cho các đối tượng tại địa phương.

PV: Thưa bác sĩ, xin ông cho biết thêm về việc nghiên cứu và điều trị ung thư CTC tại BV Từ Dũ?

Ths BS Lê Quang Thanh: BV Từ Dũ thường xuyên phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TP HCM, Bệnh viện Ung bướu, các khoa sản, các bệnh viện sản trong thành phố để thực hiện các nghiên cứu, đặc biệt là về nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HPV nguy cơ cao, các yếu tố gây ung thư CTC, tỷ lệ mắc ung thư CTC, các phương pháp điều trị (xem phương pháp nào hiệu quả)…

Về trình độ chuyên môn, có thể nói các bệnh viện Việt Nam hiện nay trong dự phòng và điều trị ung thư CTC không thua kém gì nước ngoài, chúng ta có chăng chỉ là kém họ về dịch vụ chăm sóc, cơ sở vật chất, một phần bởi sự quá tải. Còn trình độ y bác sĩ, các phương pháp điều trị, máy móc thiết bị… thì tương đương với nước ngoài.

PV: Có nghiên cứu thống kê đưa ra kết quả là những người dùng thuốc tránh thai kéo dài có tỷ lệ mắc HPV cao hơn. Vậy thuốc tránh thai có phải làm tăng nguy cơ nhiễm HPV dẫn đến ung thư CTC không, thưa ông?

Ths BS Lê Quang Thanh: Theo tôi, dùng thuốc tránh thai kéo dài có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV, nhưng không thể định trách nhiệm cho thuốc tránh thai. Có thể là trong những nghiên cứu đó thì những đối tượng sử dụng thuốc tránh thai tăng quan hệ tình dục thoải mái hơn, nên làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV. Giả thuyết thứ 2 là thuốc tránh thai có eostrogen, khi dùng kéo dài thì làm cho vùng chuyển tiếp ở cổ tử cung người phụ nữ lộ ra bên ngoài nhiều hơn nên khả năng lây nhiễm nhiều hơn. Theo tôi bản thân thuốc tránh thai không trực tiếp gây ra ung thư CTC./.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook