Thứ Tư, 02/09/2015 | 09:18

Tiền mãn kinh, mãn kinh và những điều cần biết

PGS TS Vương Tiến Hòa khuyến cáo mãn kinh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình dục; nếu thiếu hiểu biết, gia đình sẽ không hạnh phúc

Dù mới qua tuổi 40 nhưng chị Nguyễn Thị Ngân (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) rất sợ và cảm thấy không hứng thú mỗi khi gần chồng. Chị tâm sự: “Lúc nào trong người tôi cảm thấy khó chịu, tính nết thì thất thường. Người lúc nào cũng bốc hỏa. Cứ mỗi lần chồng đòi hỏi tôi lại càng khó chịu hơn, đau rát và mệt… Nếu không đồng ý, vợ chồng lại cãi nhau còn nếu “cho” thì rất… sợ”.
Phụ nữ trung niên cần hiểu biết về sức khỏe của mình để giữ gìn hạnh phúc

Nghe mọi người khuyên, chị Ngân cũng đến bệnh viện khám và bác sĩ nói chị đang trong giai đoạn tiền mãn kinh. Bác sĩ kê đơn thuốc cho chị uống, sau một thời gian cuộc sống vui vẻ và có cải thiện hơn.

Không chỉ riêng chị Ngân mà chị em phụ nữa đang ở độ tuổi này cũng gặp tình trạng tương tự. Đó là quy luật tự nhiên của đời người phụ nữ.

PGS. TS Vương Tiến Hòa, Giảng viên Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên gia cao cấp Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết: “Mãn kinh là khi người phụ nữ không hành kinh nữa sau lần hành kinh cuối cùng 12 tháng. Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh, có những dấu hiệu báo trước giai đoạn mãn kinh. Mãn kinh và tiền mãn kinh không phải là bệnh mà là một hội chứng thiếu hụt, giảm estrogen trong cơ thể”.

Mãn kinh do thiếu nhiều estrogen

Phân tích về nguyên nhân, PGS. TS Vương Tiến Hòa nói: “Đó là do buồng trứng giảm rồi ngừng hẳn và không đáp ứng với nội tiết của tuyến yên nữa. Các nang noãn tại buồng trứng giảm và không phát triển nữa nên không tiết estrogen nữa và biểu hiện các triệu chứng lâm sàng của hội chứng tiền mãn kinh rồi mãn kinh”.

Theo PGS. TS Vương Tiến Hòa, tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ Việt Nam từ 47 đến 52 tuổi, tuy nhiên có thể gặp sớm hơn và cũng có thể sau 52 tuổi. Mãn kinh sớm là hiện tượng mãn kinh trước tuổi 47. Mãn kinh muộn xảy ra sau 52 tuổi. Mãn kinh tự nhiên là qui luật của cuộc đời, nhưng cũng có trường hợp mãn kinh do điều trị ung thư bằng hóa chất hay tia xạ hoặc suy dinh dưỡng, kích thích buồng trứng quá nhiều trong điều trị hỗ trợ sinh sản hoặc bị cắt bỏ buồng trứng,hoặc chấn thương nặng nề về tinh thần.

PGS. TS Vương Tiến Hòa nói về những dấu hiếu để nhận biết: nếu chị em thấy hay bị chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm vào ban đêm, người lúc nóng lúc lạnh, chân tay buồn bã, tim đập nhanh từng lức, hay bị cảm giác hồi hộp, cáu gắt, thiếu tự tin… Đó có thể là những triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh.

Ngoài ra, còn có các biểu hiện như: Lông tóc thưa, cứng và dễ rụng, da nhăn, âm đạo khô, giảm ham muốn tình dục, đau khi sinh hoạt tình dục…

Những triệu chứng trên bắt đầu xuất hiện ở tuổi ngoài 40 với mức độ tăng dần. Càng thiếu nhiều estrogen, các triệu chứng trên càng nặng.

Tiền mãn kinh và mãn kinh không phải là bệnh mà là những biểu hiện và hội chứng do qui luật của vòng đời, tuy nhiên thiếu estrogen ở tiền mãn kinh và mãn kinh là nguy cơ có thể gây một số bệnh như tăng huyết áp, đột quị, béo phì, bệnh tim mạch, gẫy xương đặc biệt là gãy cổ xương đùi hay gãy 1/3 đầu dưới xương cẳng tay do bị loãng xương.
Nếu biết chăm sóc sức khỏe đúng cách, phụ nữ trung niên vẫn rất quyến rũ và tươi trẻ

Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình dục

Theo TS Hòa, người phụ nữ phải được trang bị kiến thức về tuổi mãn kinh, được khám phụ khoa và nội khoa để phát hiện có bệnh hay không, đồng thời được tư vấn cặn kẽ để được bổ sung hay sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng một cách hợp lý để không phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh, mãn kinh.

Phụ nữ nên tạo môi trường sống lành mạnh, thể dục liệu pháp phù hợp với lứa tuổi, sinh hoạt các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về sức khỏe người cao tuổi cũng như tình dục ở người cao tuổi.

Nếu có nhu cầu thì duy trì sinh hoạt tình dục tùy thuộc vào sức khỏe của cả hai người, có thể sử dụng thuốc bôi trơn sinh hoạt tình dục.

Nếu thấy khó chịu, cần đến bác sĩ chuyên khoa phụ sản và nội khoa để khám cẩn thận, làm các xét nghiệm cần thiết và được điều trị cụ thể. Hiện tại, có rất nhiều thực phẩm chức năng, chúng ta có thể sử dụng nhưng phải biết lựa chọn những loại tin cậy, đã được nghiên cứu lâm sàng và phù hợp với bản thân.

BS Vương Tiến Hòa khuyên: “Người phụ nữ cần cân đối chế độ ăn phù hợp để cân bằng các chất đạm, đường, mỡ. Nên ăn nhiều hoa quả, rau và nước sinh tố. Uống nhiều nước, ăn mềm, dễ tiêu, chia nhiều bữa, các thức ăn giàu calci như tôm, cua, cá. Đi bộ cũng là hình thức thể dục phù hợp nhất cho phụ nữ tuổi này.
Đậu nành là thực phẩm chứa Isoflavone, có tác dụng như nội tiết tố nữ

Các chị em cần tự tìm hiểu hoặc dự các buổi tư vấn về sức khỏe. Ngay từ tuổi 40 nên đi khám phụ khoa thường xuyên hơn và bổ sung dần nội tiết và calxi cũng như sử dụng các loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm thiểu estrogen nhưng hãy nhớ rằng: thường xuyên liên hệ với các chuyên gia phụ khoa kết hợp với nội khoa để được tư vấn và chỉ định sử dụng thuốc một cách thích hợp cũng như phát hiện sớm các bệnh ở người tiền mãn kinh và mãn kinh./.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Những điều bạn chưa biết về thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook