Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:14

Hội chứng tiền đình không phải là một bệnh mà là hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, các biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như ù tai, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi…

Hội chứng tiền  đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hệ thống tiền đình ngoại biên chủ yếu dựa vào vị trí giải phẫu. Tiền đình ngoại biên khi có tổn thương ở khu vực tai trong, nhân và dây thần kinh tiền đình. Tổn thương tiền đình trung ương khi tổn tại các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não.

Việc kiểm soát tư thế rất phức tạp, được thực hiện dựa trên sự toàn vẹn của ba hệ thống:

– Hệ thống giác quan: có chức năng mang đến những thông tin liên quan đến vị trí của đầu và của cơ thể trong không gian đó là hệ thống tiền đình, hệ thống cảm giác bản thể, hệ thống thị giác.

– Hệ thống thần kinh trung ương: tích hợp, phân tích các thông tin đến từ các giác quan.

– Hệ thống thực hiện: hệ thống vận động điều khiển hoạt động của các cơ cổ, của thân và các chi nhằm điều hoà các tư thế.

– Các triệu chứng chung:

Chóng mặt: là triệu chứng hay gặp nhất của hội chứng tiền đình. Người bệnh có cảm giác các đồ vật xung quanh họ quay tròn, thường cảm giác quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu. Kèm theo là các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã…

Rối loạn thăng bằng: có nhiều mức độ khác nhau, rối loạn nặng khi bệnh nhân không thể đứng được, dấu hiệu này thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên. Rối loạn nhẹ hoặc vừa với các triệu chứng như đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía, bước đi loạng choạng…

Khi thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu rung giật nhãn cầu (nystagmus): đó là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục, có nhịp, khá đều đặn và liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau (một nhanh và một chậm).

Ngoài ra tuỳ, theo vị trí tổn thương có thể gặp các triệu chứng như ù tai, giảm thính lực, điếc, liệt nửa người, rối loạn nuốt, hội chứng tiểu não…

Nguyên nhân gây hội chứng tiền đình

Hội chứng tiền đình ngoại biên: Bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, viêm dây WIII do thuốc (ví dụ như nhóm kháng sinh Aminosid), chấn thương (vỡ xương đá), cơn chóng mặt tư thế lành tính, u góc cầu tiểu não (u dây WIII), viêm dây tiền đình do virus.

Hội chứng tiền đình trung ương: thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, xơ cứng dải rác, áp xe não…

Để chẩn đoán bệnh ngoài các triệu chứng lâm sàng cần kết hợp với một số xét nghiệm khác:

– Các xét nghiệm cơ bản như chức năng thận, chức năng gan, xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

– Chụp X quang cột sống cổ.

– Siêu âm Doppler động mạch cảnh, đốt sống để xác định các mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

– Chụp CLVT sọ não, CHT sọ não tìm các tổn thương như u góc cầu tiểu não, áp xe não…

– Ghi biểu đồ điện của rung giật nhãn cầu.

– Nghiệm pháp quay.

– Ghi điện thế khêu gợi thính giác.

Điều trị hội chứng tiền đình

Việc điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau, quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp, xảy ra bất ngờ để phòng tránh tai nạn cho người bệnh. Khi bệnh nhân có cơn chóng mặt cần đặt người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh và kết hợp thuốc. Về lâu dài để phòng ngừa tái phát, người bệnh cần được điều trị và theo dõi tại bác sĩ kết hợp với điều trị phục hồi chức năng do chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn. Mục đích của các bài tập là nhằm tăng cường vận động cơ thể, tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương và bù trừ sự mất cân bằng chức năng của hệ thần kinh tiền đình. Ngoài ra, người bệnh cần tránh lo âu quá mức  và tin tưởng, hợp tác điều trị dưới sự chỉ định của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu thì bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng hơn.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook