Khi trên da xuất hiện những thay đổi màu sắc sẽ gây ra lo ngại nhưng có nhiều bệnh là lành tính.
Tàn nhang
Tàn nhang (còn gọi là tàn hương) là những chấm màu nâu sẫm, tròn bầu dục hoặc đa giác bằng hạt kê hạt tấm, rải rác hoặc tập trung thành một đám lớn hơn màu sẫm hơn. Hay nổi nhiều nhất ở vùng da hở cổ ngực, má, mũi, lưng bàn tay. Chịu ảnh hưởng rõ rệt của ánh nắng. Càng ra nắng càng tăng sẫm màu. Mùa đông nhạt màu hơn. Không gây cảm giác đau, ngứa gì.
Thường bắt đầu bị tàn nhang vào tuổi đang lớn dậy thì đến khi đứng tuổi có xu hướng giảm dần, có thể tự nhiên khỏi.
Nhiều tác giả coi tàn nhang là những bớt sắc tố bẩm sinh có tính gia đình di truyền nhưng xuất hiện muộn lành tính giống như những nốt ruồi nhỏ phẳng. Thường có liên quan tới thể địa dễ cảm ứng với ánh sáng, dễ bắt nắng (tăng cảm quang).
Tàn nhang hoàn toàn lành tính trừ trường hợp có kết hợp khô da, dày sừng rải rác trong chứng khô da nhiễm sắc (hiếm gặp). Vì vậy, bệnh nhân không nên lo lắng quá mức về phương diện thẩm mỹ mà đi tẩy hoặc bôi thuốc tùy tiện dễ gây viêm da, nhiễm trùng.
Người bệnh nên đến khám và điều trị ở các phòng khám chuyên khoa Da liễu. Các phương pháp chữa sạm da có kết quả nhưng cũng chỉ tương đối, tạm thời.
Nên áp dụng các biện pháp bảo vệ da, chống ánh nắng: bôi kem chống nắng (Sunplay, Spectraban ) đội mũ rộng vành, dùng khăn che mặt… đặc biệt không nên rửa mặt bằng xà phòng, xát chanh hay phèn chua lên da mặt, không nên lạm dụng các mỹ phẩm. Sữa rửa mặt và kem có chất thơm dễ gây bắt nắng tăng sẫm màu.
Bớt nhiễm sắc (Naevus pigmentaies)
Có một số em bé từ khi lọt lòng đã mang trên người những đám da sẫm màu (nâu, xanh, đậm hoặc nhạt). Ta thường gọi là vết bớt, vết đẹn. Bớt màu đen có thể kèm theo nhiều lông. Thực ra đây là một rối loạn sắc tố da từ trong bào thai, chưa rõ nguyên nhân.
Các bớt sắc tố đơn thuần hoặc có lông cư trú hay lan tỏa một vùng đều không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, không gây cảm giác chủ quan đau, ngứa gì.
Trừ một số trường hợp ở phần da hở (cổ, mặt, bàn tay) có thể ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới thẩm mỹ, từ đó gây tâm lý bi quan, lo lắng, mặc cảm cho người bệnh. Đại đa số các bớt sắc tố kể cả loại có lông đều hoàn toàn lành tính.
Nếu bớt chỉ có kích thước nhỏ, ở vùng da kín, không cần xử trí. Nếu vì thẩm mỹ theo yêu cầu bệnh nhân thì thầy thuốc chuyên khoa có thể giải quyết bằng phẫu thuật thẩm mỹ, chiếu tia laser, phẫu thuật vá da…. Tuy nhiên, các kỹ thuật này phức tạp, tốn kém, hiện chưa có điều kiện thực hiện rộng rãi ở nước ta.
Không nên tự động bôi acid, kiến khoang hoặc các chất hóa học tẩy màu khác, đề phòng bỏng da, nhiễm khuẩn. Không nên cạo lông trên đám bớt vì càng cạo lông thì lông càng mọc nhanh, cứng, gây đau khi va chạm. Tốt nhất là nên đi khám ở một cơ sở chuyên khoa Da liễu đáng tin cậy để được chẩn đoán, tiên lượng và cho những lời khuyên chính xác.
Bệnh bạch biến
Bạch biến (Vitiligo) là một bệnh ngoài da khá phổ biến, xuất hiện sớm hoặc muộn sau khi ra đời. Khác với bệnh bạch tạng (Albinos) hiếm hơn, có tính chất bẩm sinh, xuất hiện ngay từ khi lọt lòng kèm theo nhiều khuyết tật khác về ngũ quan, tâm thần kinh, miễn dịch.
Bạch biến chỉ nổi thành từng đám, vết hoặc đám màu da trắng bạch, hoàn toàn mất sắc tố da (melemin) vì ở các vùng đó vắng tế bào sinh sắc tố (meslanocytes) hoặc có nhưng đã ngừng hoạt động. Các đám bạch biến có ranh giới rõ rệt, viền da lành xung quanh sẫm màu hơn. Da trên đám bạch biến vẫn bình thường không bị teo, cảm giác trên da không biến đổi không đau ngứa, không tê dại. Lông trên đám bạch biến cũng bị bạc màu.
Tổn thương bạch biến có thể khu trú hoặc rải rác, đối xứng. Hình tròn, bầu dục hoặc nhiều cạnh nham nhở như bản đồ. Tiến triển rất bình thường xu hướng ngày càng lan rộng hoặc nổi thêm đám mới, nhưng cũng nhiều khi ổn định lâu dài hoặc tự nhiên khỏi. Bệnh nhân càng trẻ, thời gian bị bệnh càng ngắn có nhiều khi vọng khỏi bệnh hơn. Ngược lại càng lớn tuổi, bị bệnh càng lâu, triển vọng kết quả điều trị càng kém đi.
Bệnh không lây cho người xung quanh, không gây cảm giác đau ngứa khó chịu gì, không ảnh hưởng sức khỏe, không gây biến chứng về nội tạng. Nhưng bệnh có thể gây ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý khiến bệnh nhân lo lắng day dứt mặc cảm về phương diện thẩm mỹ nhất là khi tổn thương lộ rõ ở các vùng hở (cổ, mặt, bàn tay) và ở những bệnh nhân đang lứa tuổi sắp lập gia đình.
Nguyên nhân sinh bệnh còn là điều bí hiểm, mặc dù những thập kỷ gần đây, đã có nhiều tiến bộ về bệnh lý giải phẫu, tổ chức, hóa sinh, nội tiết, thần kinh, di truyền học… chỉ mới biết rằng bạch biến là do một khuyết tật gây rối loạn chức phận của các tế bào tạo sắc tố da ở vùng bị bệnh.
Có thể liên quan đến nhiều yếu tố: xúc động, căng thẳng thần kinh, rối loạn giao cảm, rối loạn thần kinh rễ tủy sống ở vùng tương đương. Một số trường hợp có liên quan đến chức phận tuyến giáp trạng, thượng thận, tuyến yên, tuyến sinh dục, gan, tụy… Hiện nay phần lớn các tác giả đang tập trung nghiên cứu theo hướng liên quan tới di truyền và tự miễn dịch.
Vì nguyên nhân bệnh sinh chưa rõ nên điều trị còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thất thường.
Phổ biến nhất là phương pháp dùng các chế phẩm có tác dụng tăng cảm ứng với ánh sáng toàn thân hoặc tại chỗ như chế phẩm có psoralen (meladinin, melagenin). Bôi tại chỗ các chất cảm quang có thể làm cho đám bạch biến bị đỏ da, bỏng rát. Có thể kết hợp thuốc ức chế miễn dịch như corticoid.
Cấy tế bào sắc tố vào vùng da bạch biến là một phương pháp hiện đại nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn kém, nên chưa được áp dụng rộng rãi. Hiện nay, chế phẩm có tacrolimus cũng thấy có tác dụng khi bôi.
Theo phương pháp cổ truyền về nam y thì dung cồn hạt đậu miêu bôi lên tổn thương kết hợp uống hạt đậu miêu có tác dụng cảm quang như chế phẩm proralen.
Thầy thuốc chỉ có một lời khuyên chung nhất với bệnh nhân là xác định an tâm điều trị lâu dài, tránh quá lo lắng bi quan về bệnh, dễ làm nguy cơ bột phát. Đã bị bệnh cần phát hiện điều trị sớm ở thầy thuốc chuyên khoa.
Nốt ruồi
Nốt ruồi là một loạn sản sắc tố da khu trú, có tính chất bẩm sinh. Theo y học thuộc vài nhóm các neavi sắc tố. Biểu hiện trên da bằng những sần, cục nhỏ tròn, ranh giới rõ, gờ cao, màu nâu sẫm hoặc đen. Có nốt ở giữa có sợi lông, có nốt xung quanh có quầng bạc màu. Có thể gặp nốt ruồi ở mọi vùng da trên cơ thể. Số lượng ít hoặc nhiều, kích thước to hay nhỏ tùy từng người. Thường xuất hiện từ bé nhưng có khi lớn lên mới xuất hiện. Nốt ruồi không có cảm giác đau ngứa gì, cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe toàn thân (trừ khi có biến chứng).
Điều đặc biệt là ở nốt ruồi tập trung nhiều sắc tố melanin (hắc sắc tố). Trong vùng nốt ruồi có nhiều đám tế bào sắc tố gọi là tế bào neavi có nhiều tiềm năng chuyển thành tế bào ung thư gây u hắc tố.
Nhưng không nên quá lo lắng. Tuyệt đại đa số những nốt ruồi nhỏ, phẳng, màu đen vừa phải thường lành tính. Một trong những nguyên nhân làm nốt ruồi có thể hư biến thành u hắc tố là kích thích chấn thương, nhất là đang trong tuổi dậy thì. Do đó bệnh nhân không nên tự động cạy, cắt, nạo nhờ người khác đánh tẩy bằng vôi, acid, pin đèn, đắp lá..là rất nguy hiểm.
Nốt ruồi càng to càng đen, tiềm năng hư biến càng nhiều. Nốt ruồi ở vị trí dễ bị va chạm cọ xát như lòng bàn tay, bàn chân, quanh miệng, quanh mắt thắt lưng càng cần được đặc biệt chú ý. Tất cả các nốt ruồi khác nhỏ, lẻ tẻ chỉ cần giữ gìn theo dõi, tránh mọi kích thích, tránh bôi thuốc linh tinh.
Đừng nhầm nốt ruồi với tàn nhang cũng là những vết loạn sắc tố, màu nâu sẫm, nổi lấm tấm nhiều nhất ở cổ, mặt mùa hè nặng hơn màu đông không đau ngứa gì, hoàn toàn lành tính.
Nếu một nốt ruồi nào đó tự nhiên sẫm màu hơn, mọng lên, có viền viêm đỏ quanh chân đau ngứa rấm rứt, hoặc nổi thêm một số nốt bên cạnh, nổi hạch ở vùng tương xứng cần kịp thời đi khám bệnh, vì đó là triệu chứng báo hiệu biến chuyển xấu.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai.
Chưa có bình luận.