Bạn đã bao giờ bị thất tình chưa? Nếu có, chắc hẳn bạn đã từng thấy tim nhói đau đột ngột. Hội chứng này chỉ kéo dài ít phút nhưng có khi nó lại đưa đẩy bạn đến với hậu quả khôn lường.
Anh Vũ Thành yêu sâu sắc một cô bạn cùng trường trong 3 năm. Khi anh dự định kết hôn thì bố mẹ phản đối gay gắt với nhiều lý do, cô bạn gái chủ động chia tay. Anh tuyệt vọng vì cho rằng mình sống không còn ý nghĩa gì nữa. Với suy nghĩ đó, anh bỏ bê công việc, chán nản mọi thứ, không gặp bạn bè, giam mình trong bốn bức tường.
Đôi lúc nhớ người yêu quá, anh lang thang trên những con phố quen, xem lại kỷ vật cũ, trong giây phút ấy, bỗng dưng anh thấy tim mình nhói đau, trái tim như bị ai bóp ngạt thở, cảm giác không còn sức sống nữa. Hình ảnh cậu con trai thông minh, hoạt bát đã biến mất khiến bố mẹ anh lo lắng, cho anh đến khám bác sĩ, nhưng anh quát lên: “Tôi không bị bệnh gì cả” và bỏ về.
Ảnh minh họa |
Hội chứng ABS
Bác sĩ nói rằng mất người yêu là cú sốc khiến anh bị trầm cảm nặng nên khuyên người thân hãy để anh sống ở một nơi yên tĩnh để cân bằng lại tâm lý, chấp nhận chuyện xảy ra.
Theo các nhà nghiên cứu ở bệnh viện Mayo (Mỹ), thời gian có thể là liều thuốc để làm lành một vết thương lòng, nhưng những chấn thương tâm lý vẫn âm ỉ, dai dẳng, thúc đẩy các cơn rối loạn tim mạch cấp theo sau “hội chứng con tim tan nát”, với các triệu chứng tương tự như đau tim. May là hội chứng này không gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho con tim, nhưng có thể nguy hiểm khi bạn có vấn đề về tim mạch.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn trên các đối tượng thất tình, các nhà nghiên cứu ở Viện Rochester (New York) còn phát hiện khi trái tim của bệnh nhân phản ứng với tình huống stress, phần chóp của tâm thất trái – nơi khoang bơm chính bị thay đổi – căng ra có dạng hình cầu. Cảm giác đau nhói ở ngực và hụt hơi xảy đến khi dòng máu bị chậm lại do sự co thắt bên trong các mạch máu nhỏ nối với tim.
Mặc dù không rõ nguyên nhân, nhưng họ suy đoán có thể là do các nhân tố hormone như mức estrogen giảm chẳng hạn. Thuật ngữ y khoa gọi hiện tượng này là ABS (apical ballooning syndrome), hay còn gọi là bệnh tim do stress.
Ý định tự tử
Tâm trạng thất tình có nhiều triệu chứng của bệnh trầm cảm và ám ảnh. Họ nhận thức được mình đang làm sao, nhưng lại không cho rằng đó là bệnh và nghĩ rằng không ai giúp được mình thoát khỏi tình trạng này. Nếu người thân không phát hiện kịp thời họ dễ dàng tìm đến cái chết để giải tỏa tâm lý căng thẳng, tuyệt vọng và nhói tim.
Những ám ảnh về người yêu cũ thường đến vào buổi tối làm họ mất ngủ.
Có những người thất tình đã bỏ ăn, bỏ uống cho đến chết vì cơ thể suy kiệt. Người thất tình có thể được chữa trị bằng liệu pháp tâm lý trị liệu để giúp người ấy đỡ cảm thấy cô đơn và tìm được niềm hy vọng mới, điều chỉnh nhận thức và hành vi, giúp họ bình thường trở lại. Ngoài ra, người bệnh có thể uống những loại thuốc an thần trợ giấc ngủ hay thuốc trị bệnh trầm cảm và ám ảnh trong thời gian ngắn hạn.
Chưa có bình luận.