Thứ Sáu, 18/03/2016 | 09:01

Thai giáo tháng thứ nhất

Tốc độ phát triển của thai nhi trong tháng đầu tiên rất nhanh, đây là thời kỳ bắt đầu phát triển các cơ quan, là giai đoạn mang tính quyết định trong quá trình phát triển của thai nhi. Đây cũng chính là giai đọan thai nhi rất dễ bị ảnh hưởng từ các nhân tố gây dị tật bên ngoài.

Thai giáo khi mang thai tháng đầu tiên chủ yếu là thai giáo môi trường. Giai đoạn này thai giáo âm nhạc chưa thể phát huy tác dụng vì thai nhi chưa thể nghe được. Nội dung thai giáo tháng này bao gồm một số nội dung sau:

1. Kịp thời phát hiện việc mang thai

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ thường không có dấu hiệu gì rõ ràng. Rất nhiều thai phụ không thấy hiện tượng gì của mang thai, nhiều thai phụ cảm thấy người mệt mỏi, có thể hơi sốt, đau bụng dưới và có thể chưa biết mình đã mang thai.

Chính vì vậy, sau khi kết hôn, phụ nữ phải đặc biệt chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, phải thường xuyên đo nhiệt độ gốc. Nếu sớm phát hiện đã mang thai, cần chủ động trong việc chuẩn bị không gian sống lý tưởng cho thai nhi trong bụng.

2. Chuẩn bị tâm lý

Việc giữ tâm trạng vui vẻ trong quá trình mang thai có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề thai giáo. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ thường xảy ra hiện tượng thai nghén, ở mỗi người khác nhau thì mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thai nghén là một biểu hiện rất bình thường trong quá trình mang thai, thai phụ cần thích nghi với hiện tượng này, bởi nó có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của thai nhi. Để giữ được tâm trạng luôn luôn vui vẻ, thai phụ cần:

+ Xác định phản ứng thai nghén không phải là bệnh để có thể cùng vượt qua thời gian thai nghén nhẹ nhàng và khoa học.

+ Đối với những thai phụ mang thai lần đầu, nhất định phải bỏ qua tâm trạng lo lắng khi mang thai. Những lo lắng này có thể đến từ suy nghĩ về thời gian mang thai kéo dài những 9 tháng 10 ngày, sự đau đớn trong sinh đẻ, hay lo lắng về giới tính của con.

+ Trong giai đoạn này, người chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, người chồng tâm lý, hiểu biết sẽ giúp vợ vượt qua những ngày tháng khó khăn này một cách nhẹ nhàng.

3. Thay đổi thói quen ăn uống

Có thể do ảnh hưởng của quá trình thai nghén mà thai phụ bị rối loạn tạm thời về chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, thai phụ phải chú ý ăn uống đủ chất để đứa con trong bụng phát triển khoẻ mạnh. Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, thai nhi lớn rất nhanh và cần một lượng dinh dưỡng rất lớn từ cơ thể người mẹ để phát triển.

Khi lập thực đơn thai phụ cần chú ý dinh dưỡng toàn diện gồm: protein, chất béo, cacbonhydrat, khoáng chất, vitamin và nước. Canxi và sắt là hai khoáng chất rất quan trọng trong quá trình mang thai nên thai phụ cần bổ sung hai khoáng chất này nhiều hơn người bình thường.

Ngoài ra, thai phụ cũng cần phải uống đủ nước tối thiểu là 2 lít nước/ ngày. Có thể bổ sung nước bằng nhiều cách như nước lọc, nước hoa quả, nước canh, nước sữa…

Khi biết mình mang thai, thai phụ phải có ý thức rằng việc ăn uống không chỉ vì nhu cầu của bản thân mà còn vì sự phát triển của đứa con trong bụng. Thai phụ cần thay đổi thói quen ăn uống và duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học trong suốt quá trình mang thai.

4. Vận động hợp lý

Vận động vừa tốt cho thai phụ vừa tốt cho thai nhi. Nhưng tuỳ vào thể trạng của từng người mà chọn cho mình hình thức vận động phù hợp. Trong số các hình thức tập thể dục thì đi bộ là một trong những hình thức tốt nhất thai phụ nên lựa chọn. Đi bộ sẽ nâng cao chức năng của hệ thần kinh, hệ hô hấp, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất, làm cho cơ chân, cơ thành bụng, cơ lồng ngực, cơ tim hoạt động tốt hơn, cung cấp đủ oxy cho thai nhi trong bụng mẹ phát triển. Thai phụ nên đi nhẹ nhàng, chọn quãng đường ngắn, có nhiều cây cối, hoa cỏ, ít tiếng ồn, không khí trong lành để đi.

5. Cẩn thận khi tắm rửa

Những tuần đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn phát triển của hệ thần kinh trung ương, thai nhi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao của cơ thể mẹ. Vì vậy từ khi mang thai ở tháng thứ nhất, thai phụ không được tắm nước nóng. Nhiệt độ tắm lý tưởng là 35 đến 37oC và tắm dưới vòi hoa sen.

Khi tắm thai phụ không được xoa quá mạnh ở bụng và vùng lân cận mà có thể gây sảy thai. Sữa tắm và xà phòng tắm của thai phụ không nên sử dụng sản phẩm có thành phần hoá học tổng hợp mà nên sử dụng các chế phẩm có thành phần từ thiên nhiên.

6. Quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ

Giấc ngủ của thai phụ trong quá trình mang thai là yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Thai phụ nên ngủ đủ giấc, đêm ngủ khoảng 8 đến 9 tiếng, trưa ngủ khoảng 1 tiếng. Ngủ sớm, dậy sớm, không thức đêm.

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, cơ thể thai phụ chưa có nhiều biến đổi nên thai phụ có thể tuỳ ý chọn tư thế ngủ phù hợp. Tuy nhiên, đến những tháng giữa và cuối thai kỳ, thai phụ nên chọn tư thế ngủ tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi, chẳng hạn như nằm nghiêng người sang bên phải. Khi ngủ, thai phụ có thể dùng thêm gối ôm, gối tựa lưng để hỗ trợ nhằm đem lại chất lượng giấc ngủ tốt nhất cho mình.

7. Thư giãn bằng cách nghe nhạc

Nghe nhạc là một trong những liệu pháp tốt để giảm bớt và loại bỏ áp lực, lo lắng cho người phụ nữ khi mang thai. Thai phụ có thể nghe bất kỳ loại nhạc nào mình thích, trừ nhạc rock, nhưng dòng nhạc được khuyến khích là nhạc Baroque. Thai phụ nên nghe nhạc hàng ngày hoặc ít nhất 2 lần một tuần, mỗi lần 60 phút. Khi nghe nên ngồi ở tư thế thoải mái, thả tâm hồn tự do bay bổng theo giai điệu nhạc du dương. Bằng cách ấy những áp lực sẽ dần dần tan biến.

8. Vai trò quan trọng của người chồng

Trong thời gian mang thai, do sự biến đổi về hình thức, tâm trạng nên tâm tính của thai phụ có thể bị xáo trộn, thay đổi. Lúc này, người chồng hãy yêu thương, bảo vệ, quan tâm chăm sóc, thông cảm cho vợ trong mọi mặt sinh hoạt hằng ngày. Những việc người chồng cần làm là:

+ Đưa vợ đi khám thai định kỳ.

+ Đi bộ cùng vợ

+ Luôn tạo không khí vui vẻ để giữ tâm trạng tốt nhất cho vợ.

+ Chú ý không nên hút thuốc lá để giữ vệ sinh môi trường tốt cho thai nhi.

+ Kiêng quan hệ tình dục để tránh làm tổn thương đến vợ và thai nhi.

9. Ngoài ra, thai phụ nên lưu ý những vấn đề sau:

+ Hạn chế tới những nơi đông người, tránh tiếp xúc với vật nuôi vì có thể lây các bệnh truyền nhiễm;

+ Tránh ở gần các nguồn sóng điện vì ô nhiễm sóng điện từ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi;

+ Tránh uống thuốc bởi dễ gây dị tật cho thai nhi, nếu uống phải có sự tư vấn của bác sĩ;

+ Không được uống rượu, bia, hút thuốc lá hay dùng các loại chất kích thích khác vì những chất này cũng dễ gây dị tật ở thai nhi;

+ Không nên đi giày cao gót, vận động mạnh vì dễ sảy thai;

+ Nên tiêm chủng vắc xin sởi trước khi mang thai bởi nếu giai đoạn này thai phụ mắc bệnh sởi dễ gây ra dị tật cho thai nhi ở mắt, tai, tay, chân và tim;

+ Không nên quan hệ tình dục vì dễ bị sảy thai.

Lê Tâm

Nguồn: congioilam.com

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook