Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu nói những lời yêu thương bạn hãy “rót mật” vào tai trái người tình sẽ rất hiệu quả. Còn muốn nói những điều để “người ấy” nhớ mãi, bạn hãy thì thầm vào tai phải.
Muốn nói lời yêu thương, hãy nói vào tai trái
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều cho biết: bạn là chàng trai thổ lộ lời yêu thương nồng nàn với nàng, bạn nhớ là phải lựa thế để “rót mật” vào tai bên trái của nàng mới hiệu quả đấy. Còn nếu bạn là cô gái muốn thể hiện tình yêu tha thiết với chàng thì bạn cũng phải lựa chiều để thủ thỉ vào tai chàng nhé.
Kết quả nghiên cứu của các nhà sinh lý học Mỹ đã tiết lộ bí mật: dù là trai hay gái, tai trái vẫn rất thích nghe những lời yêu thương ngọt ngào hơn, nhất là khi nghe người tình nói đi rồi lại nhắc lại lại những lời yêu thương đó thì càng dễ động lòng. Các nhà khoa học cho rằng tai trái của con người do bán cầu não phải điều khiển, có ưu thế hơn về xử lý những thông tin về tình cảm.
Các nghiên cứu còn chứng minh phản ứng của tai trái với những kích thích âm thanh cũng mẫn cảm hơn, nhất là khi nghe các bản tình ca với tiết tấu và ca từ dành cho tình yêu, lãng mạn.
Muốn dặn dò, ra mệnh lệnh hãy nói vào tai phải
Trường hợp bạn muốn người yêu, hay cộng sự, hoặc cấp dưới… nghe và ghi nhớ lời nói quan trọng của mình thì tốt nhất là bạn ghé vào tai bên phải của họ mà dặn dò, ra mệnh lệnh. Bởi vì khi người ta nghe bằng tai phải thì sức nhớ chắc chắn và nhớ lâu hơn tai trái, do thông tin được nghe vào từ tai phải sẽ được phân tích xử lý ở bán cầu não trái vốn có ưu thế ghi nhớ tốt hơn. Bạn nhớ đấy kẻo nhầm thì có khi hỏng việc.
Tai nam giới thính hơn tai nữ giới
Một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ phát hiện ra rằng: tai của người bình thường khỏe mạnh có thể phân biệt hơn 40.000 loại âm thanh khác nhau. Tuy nhiên năng lực phân biệt này có liên quan đến giới tính và tuổi tác: tai của nam giới nhạy cảm và linh hoạt hơn tai phụ nữ, tai nam giới phân biệt được 60% loại âm thanh khác nhau, trong khi tai của nữ chỉ phân biệt được 28% đối với các âm thanh.
Nghiên cứu còn cho biết người trẻ tuổi nghe tốt hơn người tuổi càng cao: chẳng hạn để phân biệt tiếng đóng và mở cửa, 40% thiếu nhi lập tức nghe và phân biệt ra âm thanh này, trong khi chỉ 20% người trên 40 tuổi phân biệt được.
Tai to nói lên điều gì?
Nghiên cứu của một nhà khoa học Nga kết luận: năng lực sáng tạo của con người có quan hệ mật thiết với mức độ to nhỏ của tai. Các nhà khoa học đã phát hiện: độ to nhỏ của hai tai cũng luôn có sự khác biệt như chênh lệch 2-3mm về chiều dài, chiều rộng và bề dày nhưng có thể phán đoán vùng nào trong não của người đó phát triển nhất, hoặc để xem xét, phán đoán thiên bẩm của trẻ em về năng khiếu.
Nhà nghiên cứu người Nga Mustafan cho biết: người có tai phải đặc biệt dài có thể sẽ giành được thành tựu về toán, vật lý, còn người có tai trái to sẽ có sở trường về khoa học xã hội nhân văn. Người có đôi tai to, dài và quyến rũ nên cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Câu nói “tai to có phúc” không những là quan niệm của người ở châu Á mà còn là vốn sống ở một số nước châu Âu, như trong Anh ngữ cổ đại, từ tai to có nghĩa là “quý nhân”; tín đồ Phật giáo luôn tâm niệm rằng “phúc tướng” của Đức Phật Thích Ca là tai rủ đến vai.
Nghiên cứu thấy rằng người càng sống lâu thì tai càng to, dái tai càng dài, sệ, đó là do tính đặc thù phát triển của tai. Khác với tứ chi và các bộ phận khác của cơ thể luôn sinh trưởng theo thời gian, với tốc độ khác nhau nhưng khi đến độ tuổi nhất định, chúng dừng lại không phát triển tiếp, chỉ riêng tai vẫn tiếp tục sinh trưởng suốt đời cho đến lúc qui tiên. Điều đó giải thích người sống thọ thì tai càng to. Tuy nhiên đối với người có tai to bẩm sinh có trường thọ hay không thì khoa học chưa chứng minh được.
Vân tai không ai giống ai
Người ta đã phát hiện ra rằng, trên thế giới hầu như không có đôi tai nào giống nhau hoàn toàn, và tai phải, tai trái của một người cũng khác nhau. Giống như tay, môi, mắt, tai người cũng có vân. Ở Hoa Kỳ đã phát minh ra loại máy chụp ảnh chuyên dùng để lấy ảnh vân tai người, giúp cho cảnh sát phá án như vân tay. Như vậy vân tai là một trong những chứng cứ về một con người không lẫn hay giống người khác.
Ths.Phạm Phương Hồng
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.