Thứ Sáu, 25/11/2016 | 00:30

37% người trẻ Nhật Bản nghĩ rằng họ sẽ phải làm việc đến chết để trang trải chi phí cuộc sống, theo một báo cáo mới đây. 

Chưa đầy 40% người trẻ Nhật Bản nhìn thấy tươi lai tương sáng và con đường sự nghiệp rộng mở, khiến họ trở thành quốc gia bi quan nhất trong số 18 nước được tổ chức ManpowerGroup khảo sát. Họ thậm chí còn bi quan hơn cả Hy Lạp, quốc gia hứng chịu suy thoái nặng nề những năm gần đây, tờ Bloomberg cho hay.

Những cải cách kinh tế của chính quyền hiện tại vẫn chưa giúp giới trẻ lạc quan hơn, khi mà quốc gia này đang phải gánh trên vai chi phí chăm sóc nhóm người cao tuổi tăng nhanh nhất thế giới, đồng thời nợ công lại thuộc nhóm lớn nhất. Hơn 1/3 số lao động Nhật Bản đang phải làm những công việc lương thấp nhàm chán.

Dù có hệ thống an sinh xã hội và lương hưu tốt, rất nhiều bạn trẻ mới ngoài 20 tuổi ở Nhật Bản đã bắt đầu tính đến cuộc sống khi nghỉ hưu cũng như lo tiết kiệm cho tương lai. Mức thu nhập thấp hoặc không đủ chi tiêu khiến nhiều người phải hoãn kết hôn, mua nhà và sinh con. Khoảng 37% nhóm người trẻ này nghĩ rằng họ sẽ phải làm việc đến chết để trang trải chi phí cuộc sống, theo báo cáo của ManpowerGroup. 

Anh Kohei Ito, 24, tuổi, mới tốt nghiệp và làm việc trong một trung tâm thể hình, cho rằng hệ thống lương hưu hiện nay là không bền vững, mà chưa thấy có dấu hiệu sẽ cải cách trong tương lai gần. Anh đã nghĩ đến việc sẽ chuyển ra nước ngoài, và kiếm sống nhờ việc dạy thể thao cho trẻ em ở các nước phát triển. 

Tại sao Nhật Bản giàu nhưng thanh niên vẫn sợ thiếu tiền cưới vợ

Ảnh: beritaku.net

Một khảo sát mới đây trên những người lao động tại Trung tâm Năng suất Nhật Bản thì cho thấy giới trẻ nước này không còn thích tự khởi nghiệp như trước. 

“Giới trẻ Nhật, nếu có thể, thích làm ở một tập đoàn lớn. Nếu bạn xin được việc vào một tập đoàn lớn khi còn trẻ thì cuộc sống sẽ ổn định hơn”, anh Daisuke Oya, 23 tuổi, nhân viên một nhà máy làm bìa các tông, cho biết. 

Chuyên gia Randall Jones của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng tư tưởng an toàn và bi quan này là “mối lo ngại rất lớn” ở Nhật Bản, khi giới trẻ chỉ muốn vào làm tại những công ty lớn hoặc chính phủ. Sự bi quan này sẽ khiến giảm sút sáng tạo và năng suất công việc.

Cũng như nhiều người trẻ tuổi khác, anh Oya chỉ có một giấc mơ giản dị là có một công việc ổn định để kiếm đủ tiền cưới vợ và sinh con. Anh từng làm cho một nhà máy sản xuất kim loại, nhưng giờ làm việc và thu nhập bấp bênh khiến anh phải chuyển việc tới nhà máy bìa các tông hiện nay. 

“Bạn gái từng bảo tôi rằng nếu tôi chỉ làm được thế này, chúng tôi không thể kết hôn, không thể có con. Nói thực lòng, tôi khá sốc khi nghĩ về điều đó”, anh Oya kể.

Những cuộc thảo luận như trên phổ biến trong nhiều cặp đôi trẻ ở Nhật. Nghiên cứu của Viện Meiji Yasuda năm nay cho thấy tỷ lệ muốn kết hôn ở thanh niên nước này đã giảm mạnh trong vòng 3 năm qua, xuống mức 39% với nam giới và 59% với nữ giới, mà phần nhiều trong đó nêu nguyên nhân là thu nhập thấp. 

Giáo sư Hiroaki Miyamoto từ Đại học Tokyo nhận định nguồn gốc sâu xa của những trăn trở trên là tính hai mặt của thị trường lao động Nhật: vừa giữ cho mức lương thấp vừa làm gia tăng bấp bênh về công việc. Nó cũng hạn chế cơ hội được nâng cao tay nghề của người lao động, về lâu dài làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong khi đó, nhiều khả năng giới trẻ Nhật trong tương lai phải chịu khoản nợ công khổng lồ, đồng thời phải đóng góp ngân sách lớn để trợ cấp cho tầng lớp người già đông đảo, càng khiến họ bi quan hơn về cuộc sống.

Báo cáo của UBS năm 2015 cho thấy tiêu dùng nội địa Nhật đang chững lại còn tỷ lệ tiết kiệm lại tăng mạnh, nhất là nhóm tuổi lao động 25 đến 34 tuổi. Nói cách khác, sự tăng trưởng tiêu dùng trong một thập kỷ qua tại Nhật Bản chủ yếu đến từ những người trung niên và tầng lớp già.

T. An

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook