Thứ Tư, 23/11/2016 | 12:30

Siêu âm 4D sẽ giúp mẹ nhìn thấy những cử động chân tay, vặn mình, mĩn cười, đôi mắt nhắm mở…của bé cưng một cách sống động và chân thực nhất ngay từ khi còn chưa chào đời. Tuy nhiên, mẹ bầu có biết việc này cần thực hiện vào tuần thai thứ mấy để mang lại hiệu quả cao nhất chưa? Những lợi ích thiết thực của việc siêu âm?

Siêu âm 4D vào thời điểm nào thích hợp?

Từ tuần thai thứ 24-30 là khoảng thời gian lý tưởng nhất để thực hiện siêu âm 4D

1/ Những lợi ích khi siêu âm 4D

Siêu âm 4D hay còn gọi là siêu âm 4 chiều trong đó có 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian. Không chỉ đơn thuần là những hình ảnh của thai nhi, siêu âm 4D giúp mẹ quan sát được không gian 3 chiều cùng với những cử động đáng yêu của bé như: Cười, vung tay, đạp chân, xoay mình, ngáp ngủ hay bé đang say sưa mút ngón tay…ngay khi còn trong bụng mẹ.

Những hình ảnh chuyển động của bé còn có thể ghi thành đĩa VCD, DVD cho mọi thành viên trong gia đình xem. Điều này tạo nên sợi dây liên kết tình cảm tuyệt vời giữa bé và người thân.

Không chỉ vậy, siêu âm 4D còn cho phép bác sĩ nhìn thấy rõ thai nhi một cách chi tiết hơn từ nhiều góc độ khác nhau cũng như các bộ phận bên trong. Từ đó dễ dàng kiểm tra và phát hiện ra những bất thường như dị tật di truyền, dị tật về não bộ, sứt môi… Đồng thời xác định vị trí nhau thai, vấn đề về cấu trúc tử cung, buồng trứng ở người mẹ.

2/ Thai bao nhiêu tuần nên siêu âm 4D?

Siêu âm thai thường bắt đầu từ sớm ngay khi phát hiện những triệu chứng của việc mang thai. Tiếp theo là những lần siêu âm định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như những bất thường khác có thể xảy qua trong quá trình thai nghén. Tuy nhiên, siêu âm 4D thường được thực hiện từ tuần thai thứ 24-30 của thai kỳ bởi lúc này những hình ảnh siêu âm sẽ có độ chính xác cao nhất và bé cũng nằm ở vị trí thuận lợi.

Giai đoạn trước 24 tuần thai có thể thai nhi không đủ chất béo để thể hiện đầy đủ các đặc điểm trên khuôn mặt khiến chất lượng hình ảnh không được rõ nét. Sau 30 tuần, đầu bé sẽ di chuyển xuống trong khung xương chậu vì vậy không thể nhìn thấy được khuôn mặt của bé.

Trường hợp thai nhi nằm hướng ra ngoài sẽ là điều kiện thuận lợi để thấy bé cưng một cách toàn diện. Nhưng nếu vị trí nằm khó quan sát bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu đi bộ nhẹ nhàng hoặc quay lại vào lần siêu âm sau khi thai nhi đã thay đổi vị trí tốt hơn nếu muốn nhìn toàn bộ cơ thể bé.

3/ Những điều cần lưu ý khi siêu âm thai

– Uống nhiều nước, nhịn tiểu trước khi siêu âm giúp bàng quang đầy lên và nâng tử cung cao hơn trong khung xương chậu, hình ảnh thu được trở nên rõ nét hơn.

– Vì để nhìn thấy con yêu và biết chắc bé có đang khỏe mạnh hay không mà nhiều mẹ bầu quyết định đi siêu âm thai nhiều lần. Mặc dù chưa có kết luận gì về việc thai nhi bị ảnh hưởng khi siêu âm nhưng vẫn nên hạn chế nếu không thật sự cần thiết. Ngoại trừ những lý do liên quan đến vấn đề sức khỏe.

– Mặc dù có tính chính xác cao nhưng đôi khi siêu âm 4D cũng mang lại kết quả không đúng vì vậy bầu không nên quá lo lắng.

– Siêu âm xác định giới tính hay lưu hình ảnh thành VCD, DVD thường mất nhiều thời gian nên khiến mẹ có cảm giác mệt mỏi, do trọng lượng thai nhi đè lên cơ thể khi nằm ngửa.

Sự khác nhau giữa các loại siêu âm

Trong thai kỳ, mẹ sẽ trải qua rất nhiều loại siêu âm khác nhau: Siêu âm 2D, 3D, 4D, siêu âm doppler. Vậy đâu là sự khác nhau giữa các loại siêu âm này?

Siêu âm 2D là loại siêu âm thông dụng và cổ điển nhất. Nếu thai kỳ hoàn toàn bình thường, có thể mẹ chỉ cần siêu âm 2D là đủ. Với loại hình siêu âm này, hình ảnh mà mẹ nhận được sẽ là hình trắng đen các mặt cắt nghiêng hay chính diện của thai nhi.

Siêu âm 3D và 4D gần giống nhau ở chỗ, chúng tạo ra những hình ảnh sống động có chiều sâu để mẹ và bác sỹ nhìn rõ từng góc cạnh của bé. Những hình ảnh này được ghép từ rất nhiều ảnh siêu âm 2 chiều và xử lý với một công nghệ hiện đại. Siêu âm 4D khác 3D ở chỗ có thể cho  mẹ và bác sỹ nhìn thấy chuyển động của bé.

Với siêu âm doppler, kỹ thuật viên hay bác sỹ sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay lướt trên da bụng của mẹ với sự trợ giúp của một loại gel chuyên dụng để ghi nhận nhịp tim của bé. Âm thanh tim đập sẽ được khuếch đại bằng một chiếc loa để mẹ và bác sỹ cùng lắng nghe.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook