Thứ Hai, 10/06/2024 | 10:58

Tuỳ thuộc vào phương pháp sinh thường hoặc sinh mổ có thể gây tác động tới hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh

Sinh sản là lẽ tự nhiên duy trì nòi giống của con người. Quá trình mang thai cơ thể người phụ nữ nặng nề, mệt mỏi hơn do những thay đổi về nội tiết tố. Đến khi lâm bồn một số sản phụ phải áp dụng phương pháp sinh mổ do không xuất hiện cơn co, cạn ối, ngôi cao… Việc xử trí trong quá trình sinh (sinh thường hoặc sinh mổ) do các bác sĩ quyết định căn cứ từng trường hợp của sản phụ để đảm bảo mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu khoa học được công bố mới đây còn cho thấy tuỳ thuộc vào phương pháp sinh thường hoặc sinh mổ có thể gây tác động tới hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh. Mặc dù những tác động này chỉ xảy ra trong ngắn hạn và có thể biến mất trong vòng 9 tháng sau đó tuy nhiên  cũng gây ra không ít phiền toái cho trẻ nhỏ.

Vi khuẩn đường ruột quyết định sức khỏe con người

Hệ vi sinh đường ruột là một hệ sinh thái thu nhỏ với hàng ngàn loài vi khuẩn khác nhau, trong đó có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vai trò của hệ vi khuẩn đường ruột tạo ra tính ổn định, khả năng đề kháng trước tác nhân gây bệnh. Hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh khi có số lượng khoảng hơn 500 loài sinh vật cùng tồn tại với tỉ lệ cân bằng giữa vi khuẩn có lợi (85%) và vi khuẩn gây bệnh (15%). Dù vẫn luôn tồn tại vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột tuy nhiên cơ thể vẫn được bảo vệ an toàn nhờ cơ chế điều hòa miễn dịch.

Trong những thập kỷ qua, các nhà khoa luôn đặt ra câu hỏi làm cách nào mà vi khuẩn đường ruột lại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và quyết định khi một ai đó đổ bệnh? làm thế nào con người có được những vi khuẩn nguyên thủy khi vừa mới sinh ra?  Để trả lời những vấn đề trên, một nghiên cứu mang tựa đề “Baby Biome” được công bố vào tháng 9/2019 trên Tạp chí Tự nhiên (Nature) cho biết: Cách mà chúng ta sinh ra đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tới 5.000 loài vi sinh vật khác nhau “định cư” trong ruột.

Sinh mổ và sinh thường tác động đến hệ vi sinh như thế nào

Một nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Wellcome Sanger (Vương quốc Anh), Đại học College London (UCL) và Đại học Birmingham đã phân tích ADN của vi khuẩn đường ruột từ 596 trẻ sơ sinh tại các bệnh viện tại Anh và kết luận rằng những em bé lọt lòng mẹ bằng phương pháp mổ tử cung lấy thai (CS) thường có vi khuẩn ruột khác với trẻ em sinh ra từ đường âm đạo.

Ông Nigel Field – một nhà sinh học phân tử công tác tại UCL và là đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ “Trẻ thường vô trùng khi chúng còn trong bụng mẹ. Thời điểm lọt lòng là khi hệ miễn dịch có một số lượng vi khuẩn khổng lồ xuất hiện và chúng đã định hình cho hệ miễn dịch cho cuộc sống tương lai”. Nghiên cứu này cho thấy trẻ sinh ra bằng CS thường có nhiều tác nhân nguy hiểm hơn và chúng có thể gây nhiễm trùng cho trẻ trong tương lai.

Ông Nigel lý giải những trẻ sinh ra bằng đường âm đạo được nhiễm vi khuẩn từ người mẹ và vi khuẩn này cũng được tìm thấy trong ruột của người mẹ. Tuy nhiên những trẻ sinh theo CS thì mô hình lây truyền từ mẹ sang con đã bị phá vỡ. Loại vi khuẩn thường tìm thấy ở trẻ con sinh bằng thủ thuật CS là loại vi khuẩn có liên kết với các thiết lập bệnh viện. Kết quả nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ các nghiên cứu trước đây rằng trẻ sinh ra bằng CS có nguy cơ hình thành các bệnh liên quan đến miễn dịch gây ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của chúng như chứng hen suyễn và những điều kiện dị ứng khác.

Tuy nhiên một giả thiết khác được đưa ra rằng, sản phụ sinh con bằng thủ thuật CS phải sử dụng kháng sinh cũng gây ảnh hưởng tới việc định hình vi khuẩn đường ruột của trẻ bởi con của những bà mẹ dùng thuốc kháng sinh trước khi sinh bằng đường âm đạo cũng hiển thị mức thấp của vi khuẩn bình thường nhưng vẫn cao hơn trẻ ra đời bằng CS.

Từ những phân tích khoa học trên cho thấy việc khám phá hệ vi sinh đường ruột của trẻ liên quan tới phương pháp sinh mổ mang lại những giá trị thiết thực cho các sản phụ. Do đó cần tuân thủ phương pháp sinh tự nhiên, trường hợp đẻ mổ chỉ nên áp dụng trong trường hợp cần thiết thay vì chọn giờ, chọn ngày đẹp để sinh bằng phương pháp CS.

Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi chỉ sau một thời gian nhất định quần thể vi khuẩn có trong trẻ sinh ra bằng CS cũng giống với trẻ sinh ra từ âm đạo do đó các sản phụ không nên quá lo lắng nếu họ phải lựa chọn thủ thuật CS (hình thức can thiệp cứu sống) vì còn rất nhiều cách để khôi phục quần thể vi khuẩn đường ruột cho trẻ.

Một nghiên cứu khác tại Đại học Tây Australia do bà Stinson chủ trì trú trọng nhiều hơn về vai trò của sữa mẹ trong việc phục hồi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh và tiếp tục xâu chuỗi lại các nhân tố khác nhau có tác động đến quần thể vi khuẩn đường ruột chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh. Các nghiên cứu trước đây đã xác định sự khác nhau trong quá trình phát triển vi khuẩn ruột dựa trên sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Được biết nghiên cứu của ông Townsend – PGS hóa học tại Đại học Vanderbilt (Tennessee, Mỹ) về quần thể vi khuẩn ruột của trẻ sơ sinh được tìm thấy trong sữa mẹ có thể khôi phục vi khuẩn ruột của trẻ CS chỉ trong vòng 6 tuần. Kết quả nghiên cứu khoa học trên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của hệ vi sinh đường ruột đối với sức khoẻ và khuyến cáo không nên đẻ theo phương pháp CS, không chọn ngày đẹp, giờ đẹp mổ đẻ để bảo vệ hệ vi sinh đường ruột và sức khoẻ tổng thể.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Cân bằng vi khuẩn đường ruột giúp phòng ngừa sự phát triển bệnh Alzheimer

Cải thiện vi sinh vật đường ruột giúp kiểm soát hội chứng ruột kích thích (IBS)

Rối loạn tiêu hóa: chế độ ăn, thực phẩm tốt cho sức khỏe đường ruột

Vai trò mức độ khí Hydrogen Sulfide trong ruột với cơ thể

FODMAP với sức khỏe đường ruột của chúng ta

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook