Thứ Ba, 17/10/2017 | 15:22

Với những phương pháp ngăn ngừa dị tật ở thai nhi dưới đây, hy vọng sẽ giúp các bà mẹ trẻ có một thai kỳ khỏe mạnh và những đứa trẻ ra đời lành lặn, không khuyết tật.

Mang thai là khoảng thời gian đáng nhớ cùng những kỷ niệm ngọt ngào và khoảnh khắc rung động của tình mẫu tử khi người mẹ cảm nhân được từng sự thay đổi của thai nhi. Song, bên cạnh niềm vui cũng là những lo lắng, trăn trở, mong mỏi của các bà mẹ, của gia đình để em bé ra đời được lành lặn, khỏe mạnh, không bị khiếm khuyết nào…

Phương pháp ngăn ngừa dị tật ở thai nhi

Trước khi mang thai: Bổ sung Acid Folic

Nguyên nhân:

Nhiều khuyết tật thai nhi xảy ra rất sớm ở đầu thai kỳ (có thể là trước khi người phụ nữ biết mình mang thai) như: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, não úng thủy, nứt đốt sống… (khiếm khuyết có nguồn gốc từ dị tật ống thần kinh thai nhi).

Phương pháp:

Để ngăn ngừa 93% nguy cơ các dị tật này, các chuyên gia sức khỏe đã khuyến cáo phụ nữ nên bổ sung Acid Folic ngay từ khi dự định mang thai, để bảo đảm nồng độ Acid Folic trong máu đạt đến mức cần thiết ngay tại thời điểm thụ thai.

+ Bổ sung Acid Folic hàng ngày trước khi mang thai 3 tháng.

+ Liều lượng thuốc, cách dùng theo sự chỉ định của bác sỹ.

Bổ sung Acid Folic trước khi mang thai 3 tháng để hạn chế 93% dị tật ống thần kinh thai nhi

Trong khi mang thai

Tiêm chủng đúng mũi và đủ mũi cần thiết

Nguyên nhân:

Các mũi tiêm chủng trong thai kỳ như: uốn ván, viêm gan B, rubella….rất cần thiết cho người mẹ và thai nhi.

Phương pháp:

+ Dùng đúng, đủ loại vaccin cần thiết cho thai phụ để đảm bảo an toàn cho cả người mẹ và thai nhi.

+ Tiêm chủng ở những địa điểm của quận, huyện, thành phố (vacxin cần được bảo quản đúng quy định).

+ Lưu ý về lịch tiêm chủng trước và khi mang thai.

Tiêm chủng đúng mũi và đủ mũi cần thiết cho thai phụ trong thai kỳ

Khám sức khỏe đều đặn theo định kỳ

Nguyên nhân

Thăm khám trong quá trình mang thai là yếu tố đặc biệt quan trọng để bác sĩ kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ, bổ sung những dinh dưỡng thiếu hụt, các loại thuốc (nếu cần) cho phù hợp với từng thời điểm và sự phát triển của thai kỳ.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho chúng ta những lời khuyên tốt nhất trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi.

Phương pháp:

+ Khám sức khỏe định kỳ trong suốt thời gian mang thai.

+ Lịch kiểm tra, tái khám theo từng thời điểm: có thể hàng tuần, hàng tháng, hàng quý…

Phòng ngừa nhiễm khuẩn

Nguyên nhân:

Một vài bệnh nhiễm khuẩn nếu mắc phải trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng nguy hại cho thai nhi, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phần phụ như viêm nhiễm, huyết trắng..

Phương pháp:

+ Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.

+ Vệ sinh nơi ở, làm việc thoáng đãng, không để vi khuẩn gây bệnh phát sinh…

Giữ đường huyết ở mức kiểm soát

Nguyên nhân:

Kiềm soát đường huyết không tốt trong thai kỳ làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi và những vấn đề sức khỏe, gây một vài biến chứng trầm trọng cho phụ nữ.

Phương pháp:

Cần theo dõi, kiểm soát đường huyết để ngăn ngừa khuyết tật thai nhi và những biến chứng xấu khác.

Kiểm soát đường huyết để ngăn ngừa khuyết tật thai nhi

Không dùng thức uống chứa cồn

Nguyên nhân:

Khi người mẹ uống rượu, bia, rượu trong máu thai phụ sẽ truyền dẫn đến thai nhi qua dây rốn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.

Do ảnh hưởng từ nồng độ cồn có trong rượu em bé sinh ra có thể bị hội chứng rối loạn ảnh hưởng do rượu trên bào thai.

Phương pháp:

+ Các thai phụ không được uống rượu khi mang thai.

Không hút thuốc

Nguyên nhân:

Hút thuốc dẫn đến nguy cơ sinh non, khuyết tật sứt môi, hở vòm miệng, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, việc hít khói thuốc bị động (ảnh hưởng khói thuốc từ người khác) thì thai nhi cũng gặp một số nguy cơ về sức khỏe.

Thai phụ không được hút thuốc để tránh sinh non, sứt môi, hở vòm miệng…

Phương pháp:

+ Thai phụ cần bỏ thuốc trước 6 tháng khi có ý định mang thai (nếu có hút thuốc).

+ Những người trong gia đình nếu hút thuốc cần ra ngoài ban công, hành lang…để đảm bảo không khí trong phòng không có khói thuốc.

+ Thai phụ cần tránh những nơi đông người, có khói thuốc.

Không dùng thuốc có chất gây nghiện

Nguyên nhân:

Thai phụ dùng thuốc có chất gây nghiện có thể bị sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc thai nhi có thể gặp các khuyết tật khi sinh.

Đặc biệt, thai phụ nghiện cocain có thể sinh con bị khuyết tật ở: tay, chân, hệ tiết niệu và tim.

Phương pháp:

+ Thai phụ tuyệt đối không được sử dụng chất gây nghiện, cocain…để bảo vệ sức khỏe của thai nhi.

+ Trường hợp các thai phụ nghiện cocain cần cai nghiện 1 năm trước khi mang thai.

Tránh xa các chỗ đông người

Nguyên nhân:

Chỗ đông người là nơi phát sinh nhiều dịch bệnh khó kiểm soát. Đây là nơi có khả năng lây nhiễm rất cao.

Phương pháp:

Tránh xa các đám đông. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để phòng nhưng bệnh cảm cúm thông thường và một số các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Cúm là một trong những bệnh gây ra khá nhiều các trường hợp khuyết tật ở trẻ vì vậy khuyên các bà mẹ mang thai nên cẩn thận phòng tránh.

 

Hóa chất được cho là nguyên nhân chính dẫn đến dị dạng thai nhi.

Khám sức khỏe trước khi mang thai

Theo lời khuyên của các bác sĩ, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên thực hiện các bài khám sức khỏe trước khi mang thai. Điều này đúng với thực tế rằng sức khỏe người mẹ trước khi mang thai có vai trò quyết định đối với sức khỏe của bản thân và thai nhi trong thai kỳ. Khám sức khỏe trước khi mang thai cũng có ý nghĩa quan trọng đối với những người có bệnh mãn tính trước đó.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên thực hiện các bài khám sức khỏe trước khi mang thai

Tránh tiếp xúc hóa chất

Hóa chất được cho là nguyên nhân chính dẫn đến dị dạng thai nhi. Mẹ bầu cần tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, bao gồm các hóa chất sử dụng hằng ngày. Trong trường hợp công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với các chất này, phụ nữ phải luôn mang găng tay, khẩu trang, thậm chí mặt nạ lọc khí chống độc.

Ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe thai nhi. Bà bầu có thể tìm hiểu và áp dụng một số chế độ cho người mang thai nhưng vẫn đảm bảo nguồn thức ăn phong phú, lành mạnh và hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến công nghiệp. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể trong suốt thai kỳ.

Phát hiện HPV sớm

Mặc dù HPV không gây dị tật thai nhi nhưng có thể khiến các mẹ bầu sinh non, trẻ sinh non lại dễ bị các khuyết tật nghiêm trọng về phổi và não. 50% người có quan hệ tình dục nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời.

Không tự dùng thuốc

Khi có thai, mỗi viên thuốc bạn sử dụng đều phải cẩn thận, được sự đồng ý của các bác sĩ sản khoa và các chuyên gia. Thậm chí, đối với những loại thuốc trị cảm thông thường hoặc thuốc không cần bán theo toa, bạn cũng phải hỏi ý kiến bác sĩ xem chúng có hại thai nhi hay không.

Đánh giá yếu tố di truyền

Nếu vợ, chồng hoặc gia đình hai bên có tiền sử bất kỳ dị tật bẩm sinh nào, đứa con của bạn cũng có nguy cơ bị khuyết tật. Vì thế, bạn nên tìm đến các chuyên gia để đánh giá yếu tố di truyền. Nhìn kết quả đánh giá di truyền, các bác sĩ có thể chẩn đoán nguy cơ dị tật của con bạn với chồng và đưa ra lời khuyên liệu hai người có nên có em bé hay không.

Thư giãn

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong quá trình mang thai, tình trạng căng thẳng trầm trọng của người mẹ sẽ gây dị tật cho thai nhi. Căng thẳng cũng làm tăng khả năng sẩy thai, sinh non và vô sinh. Có nhiều cách để xả tress, tăng cường sức khỏe cho bà bầu như thường xuyên tập thể dục, yoga.

Lời kết

Sức khỏe trẻ sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc của cha mẹ từ khi chúng chưa lọt lòng. Vì vậy, gia đình và thai phụ cần được trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo em bé ra đời khỏe mạnh, không khuyết tật.

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng là bổ sung Acid Folic trước khi mang thai để ngăn chặn các bệnh về khuyết tật ống thần kinh như: sứt môi, hở hàm ếch, não úng thủy…

Ngoài ra, thai phụ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thăm khám sức khỏe theo định kỳ, tiêm chủng theo lịch, hạn chế sinh con sau tuổi 40….để đảm bảo em bé ra đời được khỏe mạnh, không bị dị tật.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook