Thứ Sáu, 08/07/2016 | 01:30

Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng sau khi tiêm chất làm đầy (filler) để làm đẹp môi tại một cơ sở Spa ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bệnh nhân tên là Nguyễn Thị Hà, 23 tuổi, quê Quảng Ninh, đang sống ở Hà Nội. Ngày 28/4, Nguyễn Thị Hà được tiêm filler vào môi dưới tại cơ sở Spa số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Nữ sinh có nguy cơ cắt toàn bộ môi dưới vì tiêm filler chui

Môi của cô gái khi được điều trị tại viện. Ảnh:

Người Lao động.

Thời gian đầu Hà khá ưng ý vì được tạo hình môi đẹp, nhưng cách đây gần 1 tháng, môi Hà bị biến chứng với biểu hiện sưng tấy, mưng mủ, chảy dịch. Khi đến khám tại Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba, Hà có biểu hiện sốt, đau nhiều ở môi dưới do chất làm đầy gây hoại tử.

Các bác sĩ chỉ định, chích, rạch phần áp xe ở môi để xử lý dịch mủ. Tuy nhiên, bệnh nhân Hà dị ứng với thuốc kháng sinh dòng beta lactam và phải thay thế bằng nhóm kháng sinh khác nên việc điều trị tiến triển chậm, không loại trừ khả năng bệnh nhân phải cắt toàn bộ môi dưới.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở Spa vừa nêu đã viết giấy cam kết với gia đình nạn nhân về việc sẽ lo toàn bộ chi phí điều trị trong khoảng thời gian từ 1 đến 6 tháng nếu môi Hà có vấn đề xấu.

Nữ sinh có nguy cơ cắt toàn bộ môi dưới vì tiêm filler chui

Giấy cam kết của chủ Spa. Ảnh:

FBNV.

Trước sự việc, chiều 6/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở Spa số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến nơi thì cơ sở đã khóa cửa.

Bà Trần Thị Nhị Hà – Trưởng phòng Quản lý Hành nghề tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, với việc thực hiện dịch vụ tiêm chất làm đầy filler cho thấy, cơ sở này hoạt động không phép. Bởi tại Spa, chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Còn với dịch vụ tiêm chất filler phải được thực hiện tại phòng khám được cấp phép và người thực hiện kỹ thuật này phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.

Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phương pháp tiêm filler là cách làm đẹp an toàn nếu đảm bảo tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định. Ngược lại, chúng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí tử vong.

Bác sĩ sẽ dùng một mũi tiêm siêu nhỏ để đưa filler vào những vị trí muốn cải thiện như sống mũi, chóp mũi, cạnh mũi, môi, mí mắt, viền mắt, ngực, mông…

“Chất làm đầy phải có thành phần acid hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải silicon lỏng – đã được cấm sử dụng vì những mối nguy hiểm mang lại. Hiện ở các cơ sở thẩm mỹ không uy tín, vì ham rẻ nên đã sử dụng chất cấm này gây nguy hiểm cho khách hàng, gây nên hậu quả lớn. Chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp như vậy”, PGS Tài Sơn nhấn mạnh.

Ông cũng khuyến cáo, chị em làm đẹp nên chọn một cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tốt nhất, phái đẹp không nên ham rẻ, tin những nguồn hàng không rõ nguồn gốc để rước họa vào thân.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook