Chủ Nhật, 20/12/2015 | 02:38

Sau 2 mối tình đổ vỡ, tôi quyết định lấy một người đàn ông đã bỏ vợ 6 năm. Trước khi cưới, tôi được nghe nhiều lời nói không tốt về anh.

Lúc đấy, tôi nghĩ chắc những người kia không ưa nên mới nói như vậy. Tôi nghĩ đã ly hôn 6 năm rồi chắc cũng không còn gì nữa, dù vợ cũ và con gái anh ở gần đó. Tôi không ngờ, trước khi chúng tôi cưới, hai người đó vẫn qua lại nhà nhau (anh sống cùng bố mẹ đẻ) khiến mọi người tưởng họ sẽ quay về với nhau. Cả hai chấm dứt được khoảng 2 tháng thì anh đến với tôi.

Về sống cùng, tôi mới nhận thấy bản chất con người thật của anh: đam mê cờ bạc, động tí là chửi vợ dù tôi và anh đều là công chức. Anh gia trưởng, hẹp hòi, hạch sách tiền mỗi tháng chi tiêu hết bao nhiêu. Anh cho phép mình chửi láo, làm sai, còn tôi thì không. Nếu trong lúc cãi nhau, tôi nhỡ mồm nói hơi bậy chút, anh sẵn sàng “mày, tao” và đánh tôi luôn. Mẹ chồng thì bênh con trai.

8 tháng sau khi cưới tôi mới có bầu, thời gian tôi mang bầu thấm đẫm nước mắt. Cuộc sống vợ chồng cứ 3 ngày vui, 7 ngày buồn. Tôi cũng cố gắng sống, hiểu tính chồng hơn và nhịn nhiều. Cuộc sống cứ thế trôi. Đã biết bao lần tôi muốn ra đi nhưng không làm được vì sĩ diện, vì dư luận, vì thương bố mẹ đẻ…

Đến giờ đã 4 năm, tôi 34 tuổi lại đang mang thai đứa thứ hai. Anh không cờ bạc như trước nữa nhưng chưa bao giờ vợ chồng nói chuyện với nhau được tử tế, lại thêm sống cùng bố mẹ chồng khó tính khó nết… Tôi nhịn nhiều vì biết ông bà 70, 80 tuổi cũng không còn sống được bao lâu nữa… Nhưng quả thật đến giờ, tôi không thể chịu đựng được nữa rồi, tôi muốn thoát ra khỏi cuộc sống này càng sớm càng tốt. Hãy cho tôi lời khuyên. (Thu)

Nỗi khổ khi lấy người đã ly hôn

Ảnh minh họa: Sheknows.

Trả lời:

Khi hành động, người ta thường bị chi phối bởi bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là hoàn cảnh, điều kiện, sự tác động đến người ta, còn gọi là sự khách quan. Bên trong là do tâm lý, tính cách, trải nghiệm cuộc sống và tư duy, còn gọi là chủ quan. Người nào sống biết chấp nhận khách quan và nương tựa vào khách quan làm cho hoàn cảnh, điều kiện, sự tác động trở thành tích cực thì đó là người biết dùng tâm lý chủ quan của mình bắt khách quan phục vụ cuộc sống. Trái lại, ai đó luôn đem tâm lý chủ quan của mình chống lại hiện thực mà không biết vận dụng thời cơ, thời điểm, phương pháp… thì sẽ thất bại. Người thất bại là người không tìm ra căn nguyên khách quan gây ra vấn đề mà chủ yếu là cứ làm theo ý mình, hoặc là do khách quan (người kia) gây ra đến độ không thể chấp nhận.

Câu chuyện của bạn xuất phát từ quyết định của bạn mà khi đấy “rất nhiều người nói không tốt về anh” , bạn không tìm hiểu kỹ những thông tin này để đến nay ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong thông tin bạn cung cấp có phần liên quan đến “không ngờ, trước khi các bạn cưới, hai người đó vẫn qua lại nhà nhau…” – những thông tin này có làm cho bạn bị sốc và ghen không? Đây là điểm xuất phát tiếp theo làm cho tâm lý bạn trở thành phức tạp hơn nữa. Bạn cần xác định lại thực trạng này vì nó liên quan tới cảm xúc tình cảm và chi phối tính cách của bạn.

“Về sống cùng, bạn mới nhận thấy bản chất con người thật của anh: đam mê cờ bạc, động tí là chửi vợ… anh gia trưởng, hẹp hòi, hạch sách tiền mỗi tháng chi tiêu hết bao nhiêu” thì đây thuộc về tính cách của anh ấy mà bạn gọi là bản chất. Vậy bạn có thể thay đổi được gì và đã tác động thế nào? Đây là vấn đề bạn cần tự trả lời vì nó liên quan đến sự chủ quan của bạn. Nếu biết anh ta hay “mày, tao” và đánh bạn thì bạn đã xử lý thế nào trước khi xảy ra, chứ không phải đến khi xảy ra hoặc sau đó.

Ngoài ra, mẹ chồng bênh con trai thì bạn đã làm gì để lấy được tình cảm về phía bạn? Những việc trao đổi với bạn ở đây để làm rõ xem sự cố gắng của bạn đến đâu, có hiệu quả không, bởi vì hiện nay bạn mang thai đứa thứ hai nên rất cần có sự hỗ trợ của chồng bạn và gia đình. Nếu thực sự đã nhiều lần bạn muốn ra đi nhưng vì sĩ diện, vì dư luận, vì thương bố mẹ đẻ… thì đây cũng là một động lực để bạn vượt qua nước mắt.

Hiện nay, anh không cờ bạc như trước nữa là một tiến bộ đáng kể. “Nhưng chưa bao giờ vợ chồng nói chuyện với nhau được tử tế” thì phải từ hai phía. Bạn đã làm tốt về phẩn mình chưa? Rồi thêm bố mẹ chồng khó tính khó nết… nhưng chỉ khó với bạn thì vì lý do gì?

Những phân tích trên cho thấy bạn chưa phải trong bi kịch để đến mức phải thoát ra mà chỉ do tâm lý ức chế lâu ngày không tìm được phương pháp giải tỏa. Cùng với việc mang bầu đã làm cho bạn “muốn thoát ra khỏi cuộc sống này càng sớm càng tốt”. Thế nhưng thoát ra bạn sẽ thế nào? Có thể lúc đó lại có những khó khăn mới mà thậm chí còn khó khăn hơn. Bạn hãy khéo léo, nhẹ nhàng và tìm cách giải tỏa tâm lý của bạn và giữ lấy hạnh phúc gia đình, bạn còn là công chức.

Chúc bạn vượt qua.

GS.TS. Vũ Gia Hiền

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook