Thứ Ba, 07/01/2020 | 20:52

Những tai biến “chết người” trong phẫu thuật thẩm mỹ

Ưu thế của phẫu thuật thẩm mỹ là có thể đáp ứng những ước muốn của con người về mặt thẩm mỹ, biến bạn từ một người hết sức bình thường thành một minh tinh màn bạc chỉ sau vài lần dao kéo. Bên cạnh những ưu điểm trên thì phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể gây ra các tai biến…

Phẫu thuật thẩm mỹ là tất cả các can thiệp dao kéo bên ngoài da hoặc bên trong tối thiểu nhằm khắc phục những nhược điểm nào đó về hình dáng của cơ thể. Ví dụ như chân ngắn thì có thể nối dài, ngực nhỏ thì có thể bơm thành ngực to hoặc to sẽ được thu bớt lại…

Cùng với nhiều công nghệ làm đẹp khác, phẫu thuật thẩm mỹ đã lên ngôi và nằm ở vị trí trang trọng nhất trong công nghiệp làm đẹp và y học.

Ưu thế của phẫu thuật thẩm mỹ là có thể đáp ứng những ước muốn của con người về mặt thẩm mỹ, biến bạn từ một người hết sức bình thường thành một minh tinh màn bạc chỉ sau vài lần dao kéo. Nó có thể phù phép mọi nhược điểm gãy góc của cơ thể bạn thành các điểm nhấn đến hoàn hảo. Nhưng trong cuộc sống, mọi thứ đều có hai mặt. Bên cạnh ưu điểm trên thì phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể gây ra các tai biến…

Một số tai biến có thể gặp khi làm thẩm mỹ

Bạn đừng cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ chỉ thực hiện các thao tác bên ngoài nên tác dụng phụ nhẹ bớt hoặc chỉ can thiệp vào các bộ phận khỏe mạnh nên ít biến chứng. Sự thực, phẫu thuật thẩm mỹ giống như bất kỳ một thủ thuật ngoại khoa nào khác, có đầy đủ các tai biến và biến chứng có thể có của một can thiệp phẫu thuật. Các tai biến đó có thể từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp…

Trong các tai biến của phẫu thuật thẩm mỹ, nguy hại nhất là các tai biến cấp tính vì các tai biến này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng cho bệnh nhân. Đầu bảng là sốc phản vệ. Sốc phản vệ là một phản ứng dễ gây tử vong nhất. Nếu như sốc phản vệ ở bệnh viện đã nguy hiểm thì sốc phản vệ ở các cơ sở thẩm mỹ (nhất là thẩm mỹ tư nhân) nguy hiểm bội phần. Vì đa phần các cơ sở này đều ít bác sĩ hồi sức cấp cứu, ít phương tiện cấp cứu, ít có kinh nghiệm xử lý vấn đề này. Sốc phản vệ tại cơ sở thẩm mỹ có nhiều nguyên nhân. Hàng đầu là sốc do dị ứng với thuốc gây mê. Thuốc gây mê là thuốc rất hay gây ra dị ứng. Các thuốc gây mê trong phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn giống với thuốc gây mê dùng trong phẫu thuật điều trị. Nguy cơ dị ứng bằng nhau và dễ xảy ra sự cố như nhau. Dị ứng thuốc gây mê là dị ứng nghiêm trọng, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không xử trí nhanh, kịp thời.

Lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ sẽ nhận những kết quả “đáng sợ”

Ngoài sốc do dị ứng, phẫu thuật thẩm mỹ còn có thể gây sốc do sự thay đổi các thể tích của cơ thể. Hút mỡ bụng đột ngột, thể tích quá nhiều, rút bớt mỡ mông một lượng quá lớn, bơm vào ngực một thể tích mỡ quá lớn…Tất cả những thay đổi thể tích này, nếu quá lớn và quá đột ngột, đều có thể gây ra sốc và tử vong vì nó làm thay đổi đột ngột phản ứng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch.

Sau biến cố sốc dị ứng, nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ có thể tử nạn vì chảy máu. Dù can thiệp thẩm mỹ không lớn và không phức tạp, nhưng đã đụng chạm dao kéo là sẽ làm đứt da, rách mạch máu. Máu sẽ bị chảy ra ngay khi đang phẫu thuật và sau mổ nếu kỹ thuật cầm máu không tốt. Nếu mất máu nhiều, người đi thẩm mỹ sẽ bị tử nạn.

Tiếp theo, một tai biến rất nặng sau đó là tắc mạch sau can thiệp. Tắc mạch có nguyên nhân là do cục máu đông hình thành tại vị trí can thiệp. Cũng có thể tắc mạch xảy ra do chất làm thẩm mỹ lọt vào máu, đi đến động mạch nhỏ và gây tắc ví dụ như silicon trong phẫu thuật nâng ngực. Nếu tắc mạch tại chỗ sẽ gây ra hoại tử. Nhưng nếu tắc mạch tại não và tim sẽ gây ra tử vong.

Ngoài các tai biến và biến chứng trên, người bệnh có thể mắc phải các biến chứng khác đi sau đó, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Các tai biến khác bao gồm nhiễm khuẩn, đau đớn, loét lâu liền, sưng phồng, có mủ, chảy nước. Một yếu tố nữa mà người đi thẩm mỹ cần hiểu và sẵn sàng đối mặt là biến chứng về thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ không mang lại một đáp số lâu dài về cái đẹp. Sau một thời gian, thường là 2 – 3 năm, mọi thứ về đúng vị trí cũ: da chùng nhão sẽ nhão như cũ, ngực chảy xệ sẽ xuống thấp như ban đầu, “bàn tọa” bự sẽ lại thi nhau bành trướng. Ngoài ra, sẹo lồi, sẹo co kéo, lệch vẹo, đào thải vật thể cấy ghép do kỹ thuật hoàn toàn có thể xảy ra.

Bạn có tin không, đã có những trường hợp bị ung thư vú do phẫu thuật đặt túi silicon nâng ngực. Chất silicon trong các túi độn thoát ra ngoài và gây viêm mạn tính tại vú, sau đó dẫn tới ung thư.

Các tai biến trên càng dễ xảy ra hơn nếu như bạn lựa chọn vào các cơ sở không đăng ký chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, các cơ sở chui, các cơ sở trá hình. Ngay cả cơ sở có bác sĩ làm nhưng không có giấy phép cũng là cơ sở rất không đáng tin. Khuyên bạn nên đến khoa thẩm mỹ của các bệnh viện để thực hiện nếu có ý muốn cải tạo dung nhan.

Trong bối cảnh các sở thẩm mỹ vườn mọc lên như “nấm sau mưa”, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “chuyên gia” phẫu thuật thẩm mỹ chỉ qua một vài tháng. Đã có rất nhiều nạn nhân hứng chịu hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ từ các cơ sở làm đẹp chui, không được cấp phép, đến khi quay đầu nhìn lại đã quá muộn.

Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”. Chúng tôi sẽ cung cấp “mặt trái” của vấn đề này trong chuỗi bài thảm họa ngành thẩm mỹ.

Yhocvn.net (Theo SKĐS)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ: THẢM HỌA NGÀNH THẨM MỸ

+ Tắc trách gây tội ác trong thẩm mỹ

+ Tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ, cách phòng tránh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook