Thứ Ba, 01/09/2015 | 16:10

Tạo môi trường sống độc lập cho trẻ, giúp con trưởng thành

Nuôi dạy con nên người, giúp con trưởng thành là điều khó khăn vất vả nhất của các bậc cha mẹ. Thế nhưng, nhiều người rất ngạc nhiên khi nghe những chia sẻ của những gia đình có con cái thành đạt, rằng họ không dùng bất kỳ hình phạt nào với con, nhưng các con đều ngoan, luôn cư xử tốt.

Phải chăng những quy tắc rất nhỏ trong cuộc sống sẽ là định hướng suy nghĩ đúng đắn cho con trẻ.

Không nên áp đặt con cái

GS Nguyễn Văn Huy – Con trai út của GS Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – đã chia sẻ những câu chuyện về nguyên tắc giáo dục trong gia đình: “Cha không bao giờ áp đặt tương lai cho con cái mà luôn để cho các con tự lựa chọn điều mình thích.

Ông chỉ khuyên chúng tôi độc lập suy nghĩ, làm việc gì cũng phải đào thật sâu thì mới có niềm say mê, từ đó mới thành quả có ích cho mình và cho xã hội…

Chẳng hạn khi lựa chọn ngành nghề, khi chúng tôi bắt đầu vào đại học hoặc chuẩn bị tốt nghiệp, bao giờ cụ cũng tạo điều kiện cho các con tự quyết định.

Khi chúng tôi hỏi bố nên theo nghề nào, bố tôi đều khuyên các con là nghề nào cũng quan trọng, đều có ý nghĩa với xã hội, nhưng cái quan trọng nhất là phải đào sâu tìm hiểu một cách sâu sắc mới có những say mê và cống hiến cho xã hội”.

Trong cuộc sống, mỗi gia đình có một cách giáo dục khác nhau, có những nguyên tắc riêng, nhưng tất cả đều dựa trên một nguyên tắc chung là sự yêu thương và chia sẻ, không áp đặt trong dạy dỗ con cái.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly – Con gái PGS Nguyễn Lân Trung, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) – trong câu chuyện kể về cha mình đã chia sẻ:

“Ba tôi không hạn chế tư duy của con cái. Ông luôn dành thời gian để trả lời con. Trong học tập hay cuộc sống, ba tôi luôn đưa ra lời khuyên để tôi có những quyết định đúng.

Chẳng hạn, khi còn học đại học, có lần có công ty mời đi làm thêm mấy ngày, tôi hơi băn khoăn vì sẽ phải nghỉ học 1 tuần nên có nói chuyện với ba. Ba tôi rất ủng hộ và khuyên:

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn con ạ, chỉ cần mình có ý thức nghiêm túc trong chuyện bài vở thì sẽ bổ sung kiến thức sau đó được thôi”. Được động viên như vậy, tôi yên tâm đi làm thêm để tích luỹ thêm kinh nghiệm”.

Luôn tôn trọng thiên hướng, sở thích của con trẻ

Giáo dục gia đình luôn đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành tính cách, đạo đức, tư chất cho con cái. Thực tế, những đứa trẻ sống trong một gia đình có quy tắc, có nề nếp, chúng sẽ có tính kỷ luật và sớm tự lập.

Theo đó, cha mẹ cũng nhàn hơn trong quá trình nuôi dạy con lớn lên. Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát.

Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác, giúp con trưởng thành.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly chia sẻ: “Tôi không bao giờ tạo áp lực cho con và luôn tôn trọng thiên hướng, sở thích của con trẻ. Bởi cũng giống như ba mẹ đã cố gắng không bao giờ tạo áp lực cho tôi.

Bản thân tôi cũng không bao giờ tự tạo áp lực cho mình. Đây cũng là một trong những điều giúp tôi đạt được kết quả. Hiện tại, con gái thứ hai của tôi mới 2 tuổi nhưng tôi để bé tự xúc ăn hay đi giày; tuy có hơi bẩn và lâu nhưng tôi vẫn chờ để những kỹ năng đó mỗi ngày thêm thành thục.

Với con trai đang học lớp 4, tôi không áp đặt bắt con học các lớp năng khiếu như đàn hát, Văn, Toán học thêm. Bé thích môn gì tôi tìm hiểu về các CLB đó và hỏi ý kiến con có muốn tham gia hay không?

Giờ học đến lớp 4 nhưng ngoài giờ trên lớp, bé Minh Anh chỉ đang tham gia thêm 1 buổi học cờ, 1 buổi đá bóng và 1 buổi vẽ. Đó là những buổi học hoàn toàn do bé lựa chọn. Bé tự đặt chuông đồng hồ để đến giờ tự đi”.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook