Thứ Ba, 10/11/2015 | 18:26

Đưa tờ phiếu thu tiền học của con tháng này cho chồng, chị Lan hạ giọng: “Mai là hết hạn nộp rồi mà em chưa có lương, anh…”. Chồng chị chẳng liếc tờ giấy lấy một cái, đáp gọn: “Anh không có tiền. Em tự lo đi”.

Những ông chồng quên góp 'gạo'

Ảnh minh họa: Gm.tv.

Có chồng mà chẳng được sẻ chia chút nào về gánh nặng kinh tế, chị Lan (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) nhiều lúc cảm thấy quá tải và tủi thân vô cùng. Chị cho biết, từ khi kết hôn đến giờ, chị chưa bao giờ được chồng chủ động đưa tiền. Một vài lần quá túng bấn, chị hỏi “xin” thì được anh quẳng cho vài ba trăm kèm vài câu nhắc nhở kiểu như: “Còn có ngần đấy thôi nhá”.

Theo lời chị Lan, khi mới lấy nhau, vợ chồng chị ở chung với bố mẹ và các em chồng nên chị không dám hỏi lương anh vì nghĩ tiền đó chồng đã đưa cho mẹ để góp chi phí sinh hoạt chung. Đến khi vợ chồng đã ra ở riêng, anh cũng chẳng bao giờ “góp” tiền với vợ. Mỗi lần chị hỏi tới thì nhận được câu trả lời qua quýt: “Anh có bao nhiêu việc phải chi, có mỗi mấy thứ lặt vặt mà em cứ kêu”.

“Lấy nhau đã 5 năm mà mình còn không biết mỗi tháng chồng có bao nhiêu tiền. Từ khi có con, bao nhiêu chi phí đội lên mà anh ấy cũng chẳng đỡ đồng nào, nhiều khi bấn quá, mình phải vay mượn, thấy tủi hổ vô cùng”, chị Lan kể. Chị còn tâm sự, nhiều lúc chị đã nghĩ đến chuyện ly hôn vì thấy có chồng mà chẳng khác gì làm mẹ đơn thân, nhưng thương con thiếu cha, chị lại cố.

Cùng chung cảnh ngộ này, chị Diệu (Thường Tín, Hà Nội) thấy tình cảm của mình với chồng ngày càng nguội lạnh, sau 3 năm chung sống mà liên tục cãi nhau về chuyện tiền nong.

Chị Diệu cho biết, khi mới cưới nhau, biết chồng vừa hùn vốn mở công ty riêng, chi nhiều hơn thu nên chị không đòi hỏi anh phải đóng góp gì. Thời gian sau đó, thấy công việc của chồng đã thuận lợi, mình cũng vừa có bầu, chị đề nghị anh mỗi tháng đưa cho vợ một khoản để lên kế hoạch chi tiêu, tích lũy, nhưng anh lảng tránh. Khi đi sinh, chị cũng phải rút tiền mình tiết kiệm được đưa cho chồng, vì anh bảo anh chưa chạy được tiền.

“Thật ra, lương của mình không phải là không đủ lo cho con, nhưng cứ một mình cặm cụi, thấy tủi thân và mệt mỏi lắm. Mà cuộc sống có phải lúc nào cũng phẳng lặng đâu, nhỡ mình hay con cái bị bệnh thì sao, rồi còn phải cóp tiền mua nhà nữa chứ, sao ở thuê mãi được”, chị Diệu bức xúc bày tỏ.

Chị cho biết, suốt gần 3 năm qua, chị đã thử dùng nhiều cách, từ thủ thỉ ngọt nhạt, đến giận dỗi, rồi chiến tranh lạnh nhưng chồng chẳng thay đổi. Anh còn lý luận “Sao em cứ tính thiệt hơn với chồng thế nhỉ”. Lâu dần, chị cảm thấy buồn nản, chẳng muốn nhắc chuyện này nữa và tự thay đổi mình bằng cách “giờ cái gì cần chi cho con thì chi thôi, còn lại thì tiết kiệm phòng thân. Gia đình mà mỗi thằng bo bo lo cho riêng mình thì chả ra làm sao, nhưng ‘người ta’ đã vậy, mình không làm thế, nhỡ sau này có chuyện gì thì biết trông vào đâu”.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết, rất nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí đổ vỡ vì những hục hặc về tài chính, trong đó chủ yếu do một trong hai người không chia sẻ hoặc không trung thực về vấn đề này.

Theo nhà tư vấn, chuyện các bà vợ bức xúc vì chồng không góp “gạo” cũng khá phổ biến. Nhiều phụ nữ khi mới kết hôn vì ngại đề cập đến tiền nong hoặc có thu nhập cao nên không đòi hỏi sự đóng góp của chồng, dẫn đến hình thành thói quen “quên” đóng quỹ của ông xã. Dần dà, các ông chồng thấy vợ có thể tự lo chi tiêu, nên quên luôn trách nhiệm san sẻ gánh nặng tài chính. Cũng có một số nam giới ngại giao tiền cho vợ vì thấy bà xã hay “vung tay quá trán” hoặc đơn giản vì đó là nếp sống, thói quen của gia đình mình trước đây.

Bà Hà cho rằng, tốt nhất, từ trước khi kết hôn, các đôi nên bàn bạc và thống nhất với nhau về việc đóng góp và sử dụng tiền bạc thế nào và ngay từ tháng đầu tiên sau đám cưới, cần tạo một ngân sách chung. Nếu không làm được điều này, tiền ai nấy tiêu hoặc mạnh ai nấy sống thì khó đồng lòng để chung lưng đấu cật.

Người xưa từng ví “đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái hom”, người phụ nữ thường có thiên chức vun vén cho gia đình nên khi có tiền, họ thường chi để lo cho cuộc sống chung. Còn đàn ông, đa số không chi li cặn kẽ, lại có quá nhiều thú vui mời gọi, nên không hiếm trường hợp khi có tiền, mà không phải chăm lo cho gia đình, lại sinh tật.

Chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) như chết lặng khi phát hiện chồng có bồ và còn mua hẳn cho “vợ bé” một căn hộ cách nhà mình có 2 km, trong khi anh ta chưa từng đưa cho chị đồng nào, dù chỉ là tiền đi chợ. Chị cay đắng kể, lấy nhau xong, sau vài lần giục chồng đưa tiền sinh hoạt hằng tháng mà anh toàn kêu là không có, chị cũng tự ái chẳng hỏi han gì nữa. Chị tự xoay sở lo cho hai cô con gái, lúc nào khó khăn, bí bách quá thì nhờ nhà ngoại giúp đỡ. Biết chồng có “quỹ riêng”, chị hỏi tới thì được anh đáp gọn “còn phải để đấy mà xoay vốn làm ăn chứ”. Và chị đã tự an ủi “thôi thì mình lo việc nhỏ, chồng lo việc lớn” cho tới khi phát hiện anh đem tiền cung phụng cho bồ nhí.

Thực tế, chuyên gia tâm lý cho rằng, để thay đổi người chồng quên góp “gạo” không đơn giản và không thể một sớm một chiều là thực hiện được.

Trước tiên, chị em cần khéo léo tìm hiểu lý do chồng như vậy để tìm cách khắc phục. Người vợ hãy nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn yêu cầu chồng đóng góp tài chính để lo toan cho gia đình, kêu gọi trách nhiệm của người cha đối với con cái, và tuyệt đối tránh phê phán, chỉ trích. Cũng hãy chứng tỏ để ông chồng thấy mình là người phụ nữ biết vun vén và quản lý chi tiêu để các ông tin tưởng. Việc cả hai cùng có ngân sách chung, thẳng thắn và trung thực với nhau về tài chính sẽ tạo thành niềm tin, trách nhiệm giữa vợ chồng và giúp họ gắn kết với nhau hơn.

Tâm sự trên một diễn đàn phụ nữ, chị Cúc (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm khiến ông chồng quá “vô tư” của mình tham gia gánh vác kinh tế: Thay vì tỏ thái độ bất cần vì mình tự lo được mọi việc, chị thường xuyên to nhỏ với ông xã là có quá nhiều thứ phải chi mà ngân sách gia đình eo hẹp. “Phải nói sao để chồng thấy mình lo lắng thực sự cho gia đình chứ không phải là trách móc chồng. Sau đó thì chi tiêu thật tằn tiện, chồng hỏi thì bảo ‘Em làm gì có tiền. Anh mà không ra tay thì sau này chắc mẹ con em chết đói mất”, chị Cúc bày chiêu.

Còn chị Châu (Mỹ Đình, Hà Nội) thì dùng kế khác để ông chồng biết san sẻ nỗi lo cơm áo: Suốt một thời gian dài, ngày nào chị cũng ghi tất cả các khoản chi vào một cuốn sổ, từ 3000 đồng tiền gửi xe đến cả triệu đóng tiền học cho con. Cuối tháng, chị cộng lại, đưa cho anh xem và nói thẳng: “Anh xem, tiền lương của em một tháng phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải các khoản. Em còn không dám uống cốc nước dọc đường bao giờ. Nếu cứ thế này chắc em không sống nổi. Hơn nữa, vợ chồng mình không có khoản nào dự trữ, nhỡ xảy ra việc gì, biết chạy ở đâu. Em chỉ mong anh cùng chia sẻ gánh nặng với em. Còn nếu anh không làm được, cứ nói rõ để em biết đường…”.

“Đã là một gia đình thì hai người như một, cùng chung các mối lo, chia sẻ khó khăn. Khi đã cố gắng khắc phục mà ông chồng vẫn không biết chung tay chia sẻ thì chị em đành phải chấp nhận và tìm cách tự cứu mình thôi. Mình cũng từng nghĩ đến giải pháp chia tay nếu chồng không thay đổi, nhưng may quá…”, chị Châu bộc bạch trên diễn đàn.

Vương Linh

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Nguồn: vnexpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook