Thứ Bảy, 19/03/2016 | 14:02

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua sự thay đổi rất lớn nhằm mục đích giúp người mẹ thích ứng với một hài nhi đang dần hình thành và lớn lên trong bụng mình. Bắt đầu là những thay đổi về hoóc môn, nội tiết tố, sau đấy là thay đổi các kết cấu mô, cơ, xương. Dẫn đến những khó chịu và chứng bệnh mà nếu không biết rõ nguyên do có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và con. Dưới đây là một số khó chịu và chứng bệnh thường gặp trong thời gian mang thai và cách hạn chế, khắc phục.

1. Ốm nghén

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Ốm nghén hay thai nghén là một cảm giác khó chịu thường gặp ở phụ nữ mang thai. Biểu hiện của ốm nghén là mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, ói mửa. Tùy từng người, từng giai đoạn mang thai mà mức độ ốm nghén khác nhau. Việc mệt mỏi, buồn nôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng hay xảy ra vào buổi sáng khi thai phụ đang đói sau một giấc ngủ dài.

Nguyên nhân chính của ốm nghén là do lượng đường trong máu thấp, nội tiết tố tăng cao trong 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt là progesterone, kích thích hoạt động của dạ dày, đồng thời kích thích chức năng khứu giác, làm mũi thai phụ trở nên nhạy bén hơn với các mùi. Ốm nghén là một hiện tượng sinh lý, không phải là bệnh lý, thường xảy ra nhiều ở những tháng đầu thai kỳ, sau đó giảm dần và hết hẳn. Chính vì vậy, thai phụ không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con.

Tuy nhiên, tình trạng thai nghén nặng, nôn ói nhiều, làm cơ thể mất nước, thiếu hụt chất khoáng dẫn đến việc tụt huyết áp, gây nguy hiểm cho thai nhi. Nếu thai phụ bị nôn ói hơn 3 lần một ngày, liên tục trong 3 ngày thì phải tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ sản khoa hoặc nhập viện để được hỗ trợ giảm thai nghén.

Những cách giúp giảm ốm nghén:

+ Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng;

+ Vận động nhẹ nhàng, nghe nhạc có giai điệu thư thái, đọc sách, trò chuyện với mọi người để quên đi cơn thai nghén;

+ Ăn nhiều lần trong ngày. Nên ăn các món ăn có hàm lượng chất hydrat cacbon cao như cơm, khoai;

+ Tránh các món ăn chiên xào, cà phê, rượu;

+ Tránh hút thuốc hay ngửi khói thuốc lá vì dễ khiến buồn nôn;

+ Buổi sáng ngủ dậy, thai phụ có thể ăn một chiếc bánh quy, nhấm nháp một chút gừng để giảm cảm giác buồn nôn;

+ Uống đủ nước trong ngày, bổ sung nước hoa quả để tăng vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

2. Rạn da

Rạn da là một hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang bầu. Biểu hiện là trên da xuất hiện các đường rạn ở ngực, bụng, đùi, mông, đầu gối, tay. Nguyên nhân của rạn da thai kỳ là do trong thời gian mang thai, cơ thể thai phụ tăng cân nhanh khiến cấu trúc da bị phá vỡ.

Hiện tượng rạn da không gây nguy hiểm gì đến thai nhi nhưng lại làm mất thẩm mỹ và tạo cảm giác, tâm lý khó chịu cho thai phụ.

Các biện pháp để phòng tránh hiện tượng rạn ra thai kỳ:

+ Duy trì một chế độ dinh dưỡng và thực hành các bài tập thể dục phù hợp khi mang thai để kiểm soát cân nặng;

+ Uống đủ nước hằng ngày, tối thiểu là 2 lít bao gồm cả nước hoa quả;

+ Sử dụng một số sản phẩm từ tự nhiên như dầu dừa, dầu ô liu, lòng trắng trứng xoa đều khắp bụng, mát xa nhẹ nhàng trong suốt thai kỳ.

3. Choáng váng, ngất xỉu

Nguyên nhân của hiện tượng choáng váng, ngất xỉu là do trong quá trình mang thai, lượng máu ở tử cung thai phụ gia tăng làm cho lượng máu lên não bị thiếu hụt. Nếu thai phụ đứng quá lâu, hay đứng lên ngồi xuống đột ngột thì dễ bị chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu. Hiện tượng này cũng gia tăng và nghiêm trọng hơn trong những ngày thời tiết nóng bức. Việc bị choáng váng, ngất xỉu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu bụng thai phụ va đập vào vật dụng xung quanh. Vì thế, thai phụ cần đề phòng và phải có người trợ giúp trong những lúc cần đứng hoặc đi lại nhiều.

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Để phòng tránh, khắc phục hiện tượng này, thai phụ có thể áp dụng những cách sau:

+ Không nên đứng hoặc đi quá lâu;

+ Khi có cảm giác chóng mặt, choáng váng, hãy ngồi hoặc nằm xuống, hít thở sâu, giơ chân lên cao;

+ Tránh ngồi xuống hoặc đứng lên đột ngột;

+ Uống bổ sung viên sắt thai kỳ;

+ Khi thời tiết nóng bức, thai phụ nên giữ cho cơ thể mát mẻ, dễ chịu, nghỉ ngơi đầy đủ.

4. Chứng đau nhức nhẹ vùng vú

Trong thời kỳ mang thai, chị em phụ nữ thường có cảm giác tê nơi núm vú, khó chịu và thấy nặng ở vùng vú. Dấu hiệu này sẽ tăng dần từ khi mang bầu cho đến lúc gần sinh.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt là các nội tiết tố chuẩn bị cho tuyến vú tiết sữa, làm các ống dẫn sữa to dần ra.

Hiện tượng đau nhức nhẹ vùng vú không gây nguy hiểm gì cho thai nhi, nhưng nó gây cảm giác khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của thai phụ. Nếu hiện tượng đau nhiều, thai phụ nên đi khám để bác sỹ tư vấn dùng thuốc điều trị đúng cách.

Để hạn chế hiện tượng này, thai phụ có thể áp dụng những các sau:

+ Mát xa nhẹ nhàng vùng vú;

+ Vệ sinh thường xuyên, đúng cách núm vú bằng khăn mềm và nước ấm;

+ Chọn áo ngực mềm, thông thoáng và đúng kích cỡ.

5. Hiện tượng chuột rút

Chuột rút thai kỳ là cơn đau đột ngột ở bàn chân, bắp chân hoặc đùi. Hiện tượng này thường tăng dần ở những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân của chuột rút thai kỳ là lượng máu giàu ô xy lưu thông đến các bộ phận cơ thể giảm xuống do sự chèn ép của thai nhi cũng như do sự gia tăng trọng lương cơ thể mẹ khi mang thai.

Chuột rút không gây nguy hiểm gì cho thai nhi. Nếu bị chuột rút, thai phụ nên duỗi thẳng bàn chân, xoay tròn nhẹ nhàng khớp cổ chân, xoa bóp vùng chuột rút cho đến khi cơn đau giảm dần và mất hẳn.

Để phòng tránh hiện tượng chuột rút, thai phụ có thể áp dụng các cách sau:

+ Đi bộ, luyện tập nhẹ nhàng hàng ngày;

+ Ngâm chân nước ấm vào buổi tối trước khi ngủ;

+ Ăn uống đầy đủ dưỡng chất;

+ Tham khảo ý kiến bác sĩ để uống bổ sung các chất vi lượng trong thời gian mang thai.

6. Hiện tượng đau xương sườn

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Biểu hiện của đau xương sườn thai kỳ là đau nhói buốt ở lồng ngực, chủ yếu ở bên phải, ngay dưới vú. Hiện thượng này thường gặp ở ba tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là ở tư thế ngồi, gây cảm giác khó chịu cho thai phụ.

Nguyên nhân của đau xương sườn thai kỳ là do trong quá trình mang thai, tử cung của thai phụ to dần, nhô lên trên phần bụng, ép vào khu vực xương sườn. Ngoài ra, còn do sự phát triển, hoạt động của thai nhi, làm đầu và chân bé chạm vào khu vực xương sườn mẹ.

Hiện tượng này không gây nguy hiểm gì cho thai nhi, sẽ giảm dần và hết khi thai nhi quay đầu xuống chuẩn bị chào đời.

Để hạn chế đau xương sườn thai kỳ, thai phụ nên áp dụng các cách sau:

+ Mặc quần áo rộng;

+ Không ngồi lâu ở một tư thế;

+ Khi ngủ nên chọn tư thế thoải mái và dùng các loại gối dành riêng cho bà bầu.

7. Chứng đau lưng

Đau lưng là hiện tượng gây khó chịu ở phần thắt lưng, mông và lan xuống chân. Hiện tượng này thường xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ. Đau lưng xảy ra do thai phụ đứng quá lâu một tư thế, nâng một vật nặng hay thay đổi tư thế đột ngột khi đốt xương sống và hông ngược chiều nhau.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do nồng độ progesterone trong máu cao để làm mềm và giãn các dây chằng của xương chậu, giúp xương chậu nở rộng, phục vụ cho việc mang thai và sinh con. Việc progesterone tăng cao cũng làm cho dây chằng của xương sống giãn nở làm cho khớp xương và mông chịu thêm áp lực, gây nên hiện tượng đau mỏi.

Hiện tượng đau lưng không gây nguy hiểm gì cho thai nhi, nhưng nó gây cảm giác khó chịu và tâm lý không thoải mái cho thai phụ. Nếu triệu chứng đau lưng tăng lên, thai phụ nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

Để hạn chế đau, thai phụ nên thực hiện các cách sau:

+ Xoa bóp lưng nhẹ nhàng;

+ Tập thể dục để tăng lực cho xương sống;

+ Không đi giày cao gót;

+ Không nâng các vật nặng;

+ Uổng bổ sung đầy đủ viên sắt và can xi trong thai kỳ.

8. Bệnh giãn tĩnh mạch

Biểu hiện của hiện tượng này là các tĩnh mạch dưới da nổi hoặc sưng lên ở chân, hậu môn, cửa âm hộ.

Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch thai kỳ là do trong quá trình mang thai, thai nhi lớn dần, đè lên trực tràng, cản trở đường máu lưu thông về tim, làm máu ứ lại ở các tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn ra. Việc thai phụ đứng quá lâu cũng làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch thai kỳ. Hiện tượng này không gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của thai phụ.

Để hạn chế hiện tượng giãn tĩnh mạch thai kỳ, thai phụ có thể áp dụng các cách sau:

+ Duy trì chế độ tập thể dục nhẹ nhàng để lưu thông khí huyết;

+ Đi tất chân vào ban ngày;

+ Buổi tối nên ngâm chân nước muối rồi nằm xuống gác chân lên cao;

+ Không nên đứng hoặc đi bộ quá lâu.

9. Hiện tượng phù thai kỳ

Biểu hiện của hiện tượng này là do lượng nước trong các mô tăng lên quá nhiều, đặc biệt là ở các vùng tay, chân, mặt.

Nguyên nhân của hiện tượng phù thai kỳ là do sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ khi mang thai làm cho thận giữ muối lại và gây ứ đọng muối trong cơ thể. Thai phụ đứng quá lâu khi trời nóng cũng làm cho chất lỏng tụ lại ở cổ chân. Phù thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thai nhi. Thai phụ nên khám thai định kỳ để kiểm soát và đảm bảo quá trình phát triển của thai nhi an toàn.

Các cách để hạn chế hiện tượng phù thai kỳ:

+ Ban ngày, thai phụ nên đi tất chân;

+ Buổi tối, nên ngâm chân nước ấm và nằm gác chân lên cao;

+ Hạn chế đứng hoặc đi bộ nhiều.

10. Chứng ngạt mũi

Hiện tượng ngạt mũi thai kỳ có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào trong thời gian mang thai rồi giảm dần và mất hẳn sau sinh. Biểu hiện là thai phụ thấy tự nhiên nghẹt mũi, chảy dịch nhầy màu trắng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lượng estrogen trong cơ thể thai phụ tăng lên kích thích màng niêm mạc mũi, làm sưng tấy niêm mạc mũi, dẫn đến nghẹt mũi.

Hiện tượng này không gây nguy hiểm gì cho thai nhi, nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của thai phụ. Nếu bị nghẹt mũi, thai phụ nên xông mũi bằng tinh dầu tự nhiên vào buổi tối trước khi đi ngủ; khi ngủ nên kê đầu bằng gối cao cho dễ thở; rửa mũi bằng nước muối sạch pha loãng cùng nước ấm; trong mùa lạnh, nếu thai phụ dùng quạt sưởi thì nên đặt thêm máy tạo ẩm trong phòng ngủ để cân bằng độ ẩm. Nếu hiện tượng nghẹt mũi kéo dài, nặng thêm và dẫn đến viêm mũi thì thai phụ cần đến gặp bác sỹ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Để phòng tránh hiện tượng nghẹt mũi thai kỳ, thai phụ tham khảo các cách sau:

+ Luôn giữ ấm cơ thể;

+ Không tập thể dục ngoài trời lạnh;

+ Vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng hàng ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường;

+ Uống đủ nước mỗi ngày, tối thiểu là 2 lít bao gồm cả nước hoa quả;

+ Duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;

+ Tránh xa các chất kích thích như cà phê, khói thuốc lá.

11. Hiện tượng chảy máu chân răng

Chảy máu chân răng là hiện tượng thường gặp khi phụ nữ mang thai. Biểu hiện là chân răng chảy máu, phần nướu sưng tấy, ấn vào có thể ra máu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể của thai phụ. Chảy máu chân răng không gây nguy hiểm gì cho thai nhi nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đến thẩm mỹ của thai phụ và tạo cảm giác khó chịu cũng như tâm lý lo lắng cho thai phụ. Nếu tình trạng chảy máu chân răng răng kéo dài, thai phụ có thể bị viêm nha chu dẫn đến sâu răng, khi đấy thai phụ cần gặp bác sỹ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Các cách để phòng tránh các bệnh về răng thai kỳ:

+ Khám và chữa khỏi các bệnh về răng trước khi mang thai;

+ Khám răng định kỳ;

+ Vệ sinh răng hàng ngày sạch sẽ bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng;

+ Sử dụng thêm chỉ tơ nha khoa để lấy thức ăn thừa bám ở các khe răng;

+ Xúc miệng bằng nước muối loãng sau khi đánh răng;

+ Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để tăng cường sức khỏe cho răng.

12. Chứng mất ngủ

Mất ngủ thường diễn ra ở những tháng cuối thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến thai phụ bị mất ngủ như thay đổi hoóc môn thai kỳ; cơ thể mệt mỏi, căng thẳng; tiểu đêm nhiều; tư thế ngủ không thoải mái; hay sự hoạt động liên tục của thai nhi.

Mất ngủ ở mức độ nhẹ thì không gây nguy hiểm cho thai nhi. Nhưng nếu mất ngủ ở mức độ nặng, kéo dài làm cơ thể thai phụ căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức thì thai phụ nên đi khám để được bác sỹ tư vấn và điều trị kịp thời. Thai phụ không nên dùng thuốc ngủ vì dễ gây nguy hiểm cho thai nhi.

Để hạn chế chứng mất ngủ thai kỳ, thai phụ nên làm những việc như sau:

+ Giữ tinh thần thoải mái vui vẻ;

+ Ngâm chân nước ấm mỗi tối trước khi đi ngủ;

+ Ăn nhẹ, mát xa, tắm nước nóng, uống sữa nóng vào buổi tối nhưng phải trước 20h;

+ Chọn tư thế ngủ thích hợp nhất như nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông đến thai nhi được tốt hơn;

+ Vận động nhẹ nhàng, điều độ;

+ Ban ngày chỉ nên ngủ 1 tiếng buổi trưa và không nên ngủ các giấc ngủ ngắn khác để ban đêm ngủ sâu hơn.

13. Bệnh táo bón

Táo bón là bệnh phổ biến về đường tiêu hóa trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Bệnh táo bón có thể xuất hiện trước, trong và sau thời gian mang thai.

Nguyên nhân chính của bệnh táo bón thai kỳ là do nhu động ruột của thai phụ giảm dưới sự thay đổi của nội tiết tố progesterone trong thời kỳ mang thai. Progesterone làm giãn các cơ nằm trong vách ruột già, dẫn đến giảm co thắt để đẩy thức ăn dọc theo ruột. Vì vậy, nước bị tách khỏi phân ngay giai đoạn đầu xuống ruột già, làm cho phân bị khô cứng, gây nên hiện tượng táo bón. Ngoài ra, táo bón thai kỳ còn có thể do yếu tố tâm lý, chế độ sinh hoạt ít chất xơ. Táo bón cũng có nguyên nhân từ việc thai phụ uống bổ sung viên sắt, ít vận động trong thai kỳ hay do sự chèn ép của thai nhi.

Táo bón thai kỳ không gây nguy hiểm gì đến thai nhi nhưng lại gây khó chịu đến sinh hoạt hàng ngày của thai phụ. Nếu hiện tượng táo bón thai kỳ không giảm, thai phụ nên đi khám để được điều trị kịp thời và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc. Táo bón kéo dài sẽ dẫn đến bệnh trĩ thai kỳ.

Để hạn chế hiện tượng táo bón thai kỳ, thai phụ nên áp dụng các cách sau:

+ Giữ tâm lý thoải mái để các cơ quan trong cơ thể vận hành tốt, thực hiện đầy đủ các chức năng của mình;

+ Duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, với cácmón ăn chống táo bón,tăng ăn chất xơ từ ngũ cốc;

+ Uống đủ nước bao gồm cả nước hoa quả như cam, chanh;

+ Vận động cơ thể phù hợp;

+ Uống thêm vitamin C kèm sắt;

+ Tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn vào buổi sáng và sau các bữa ăn, vì lúc này đại tràng có nhu động mạnh nhất.

14. Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Biểu hiện của tiêu chảy thai kỳ là phân có nhiều nước và mềm.

Nguyên nhân của tiêu chảy thai kỳ thường là do bị nhiễm khuẩn hoặc siêu vi. Khi bị tiêu chảy, thai phụ phải uống đủ nước để bù vào lượng nước đã mất; không ăn các thực phẩm làm cho tình trạng tiêu chảy nặng thêm như sữa, thực phẩm giàu chất béo; và tăng cường ăn các thực phẩm giàu tinh bột như các loại khoai, ngũ cốc. Nếu tiêu chảy nhẹ, thai phụ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp thì sẽ tự khỏi trong vài ngày. Nếu tiêu chảy nặng như đi ngoài kèm nôn, đi ngoài phân lẫn máu thì thai phụ cần gặp bác sỹ để được điều trị kịp thời vì tiêu chảy nặng làm mất nước và năng lượng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Để phòng tránh, hạn chế tiêu chảy, thai phụ có thể áp dụng các cách sau:

+ Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm;

+ Tránh xa các thực phẩm dễ bị tiêu chảy thêm như sữa, thực phẩm giàu chất béo.

15. Bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Thông thường, hiện tượng này xuất hiện ở phụ nữ mang thai con lần đầu giai đoạn cuối thai kỳ; phụ nữ mang thai khi đã ngoài 35 tuổi; phụ nữ mang thai từ tuần thứ 20. Hiện tượng cao huyết áp thai kỳ sẽ tự mất khoảng 8 tuần sau sinh. Biểu hiện của tăng huyết áp thai kỳ là thai phụ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa kéo dài; đau vùng thượng vị của dạ dày; cổ chân, tay, mặt bị phù; thiếu máu; chỉ số huyết áp thông thường khoảng 140/90. Để đo huyết áp chính xác, thai phụ nên nghỉ ngơi từ 15 đến 30 phút trước khi đo, rồi đo 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 giờ, sau đấy lấy giá trị trung bình của hai lần đo.

Nguyên nhân của tăng huyết áp thai kỳ là do các tế bào của nhau thai sản sinh ra một chất khiến mạch máu co lại làm giảm lượng máu lưu thông trong cơ thể. Việc thận giữ muối lại để cân bằng lượng dịch trong cơ thể trong thai kỳ cũng là một nguyên nhân làm tăng huyết áp.

Cao huyết áp rất nguy hiểm đến thai nhi, vì lượng máu lưu thông đến tử cung giảm, không cung cấp đủ dưỡng khí cho thai nhi. Ở một số thai phụ, tăng huyết áp thai kỳ dẫn đến suy thai. Trong trường hợp này thai phụ cần được bác sỹ chỉ định cho sinh sớm hoặc mổ lấy thai. Nghiêm trọng hơn, tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến tiền sản giật, đây là hiện tượng vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Khi phát hiện bị huyết áp cao thai kỳ, thai phụ không nên lo lắng quá. Nếu mệt mỏi thì cần nghỉ ngơi, thư giãn, tĩnh dưỡng. Thai phụ nên khám thai định kỳ để được bác sỹ tư vấn và điều trị kịp thời.

Những khó chịu, chứng bệnh thường gặp khi mang thai và cách hạn chế, khắc phục

Các biện pháp hạn chế tăng huyết áp thai kỳ:

+ Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan;

+ Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, không ăn quá nhiều đường và chất béo;

+ Đi bộ, tập thể dục nhẹ hàng ngày.

16. Bệnh tiểu đường

Tiểu đường thai kỳ là loại bệnh tiểu đường chỉ xảy ra với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Thông thường, nó xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Biểu hiện của tiểu đường thai kỳ là thai phụ thường xuyên thấy khát nước, đi tiểu đêm nhiều, mệt mỏi, sút cân, bị nấm âm đạo.

Khi mang thai, nhu cầu đường của cơ thể người mẹ tăng vì mẹ cần nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên, đường không tự chuyển hóa vào máu mà cần sự hỗ trợ của insulin tiết ra từ thận để chuyển hóa. Nếu lượng insulin tiết ra không tương xứng với lượng đường cần dung nạp sẽ gây nên hiện tượng rối loạn dung nạp đường, dẫn đến tiểu đường. Cũng vì lý do này, phụ nữ có bệnh tiểu đường từ trước khi mang thai thì khi mang thai bệnh lại càng nặng thêm. Thai phụ bị tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi, trẻ sinh ra sẽ nặng hơn bình thường

Khi bị tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần theo dõi và đi khám định kỳ để kiểm soát lượng đường thừa trong máu, nếu cần thiết thì bổ sung thêm insulin nhằm hỗ trợ chuyển hóa lượng đường cần dung nạp.

Để phòng và tránh bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ nên áp dụng các cách sau:

+ Duy trì chế độ vận động nhẹ nhàng;

+ Có chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý. Ví dụ, ăn cá, đậu thay cho thịt; giảm khẩu phần tinh bột, và ăn các loại ngũ cốc không chế biến kỹ như gạo lức, mỳ đen…

17. Bệnh nấm âm đạo

Thai phụ có thể bị nhiễm nấm âm đạo ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ. Biểu hiện của bệnh nấm âm đạo là huyết trắng ra nhiều, sánh đặc, đóng thành mảng, gây ngứa rát âm đạo, cửa âm hộ, tầng sinh môn và hậu môn. Ngoài ra, khi đi vệ sinh xong thai phụ cũng có cảm giác ngứa xót.

Nguyên nhân của bệnh nấm âm đạo là do nấm tăng trưởng mà không bị các vi khuẩn có lợi khác trong đường ruột ngăn cản. Đồng thời, với phụ nữ mang thai, lượng đường máu đưa đến âm đạo tăng lên tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Nếu bị nấm âm đạo thai kỳ giai đoạn sắp sinh mà thai phụ không được điều trị dứt điểm thì nấm sẽ lây sang cho con trong trường hợp sinh thường. Biểu hiện của việc lây nấm cho con là khi sinh ra, ở vùng miệng trẻ sơ sinh xuất hiện những mảng nấm màu trắng. Lúc này trẻ cần được điều trị bằng thuốc chống nấm ngay. Do đó, khi bị nấm âm đạo thai kỳ, thai phụ nên đi khám để được bác sỹ tư vấn và điều trị kịp thời.

Các cách để tránh mắc phải bệnh nấm âm đạo thai kỳ:

+ Thai phụ nên vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín bên dưới;

+ Chọn quần lót đúng kích cỡ, chất liệu vải mềm mại, thông thoáng;

+ Hạn chế ăn nhiều đường;

+ Ăn các thực phẩm có chứa lợi khuẩn như sữa chua, đậu tương, bơ, pho-mát, rượu vang.

Trên đây là những khó chịu và chứng bệnh thường gặp với phụ nữ mang thai, tùy vào cơ địa từng người, từng mùa trong năm, khí hậu thời tiết các vùng miền mà biểu hiện sẽ khác nhau với từng người. Thai phụ nên tìm hiểu kỹ để đề phòng khả năng xảy ra với mình, đảm bảo một thai kỳ mạnh khỏe, sinh con khỏe mạnh, thông minh.

Thùy Lê

Nguồn: congioilam.com

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook