Hình ảnh cậu bé được 4 người lớn – bố mẹ cùng vợ/chồng mới của họ – vây quanh, tung hô trong ngày sinh nhật khiến tôi ngạc nhiên.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Bích Châu, bà mẹ Việt hai con hiện ở Melbourne, Australia, về cách ứng xử của người Tây trong việc chăm sóc con cái sau khi bố mẹ ly hôn.
Cậu con trai nhỏ của tôi đã vào lớp một và hay được các bạn mời đi dự sinh nhật hoặc tới nhà chơi vào cuối tuần. Vì vậy, bố mẹ cũng bận rộn hơn do phải tháp tùng cậu đi dự các buổi giao lưu bất tận. Nhưng cũng từ những buổi đưa đón đó, phụ huynh có thêm cơ hội để giao lưu, biết thêm về gia cảnh của nhau và ngày càng trở nên hiểu biết và thân thiết hơn.
Trong thế giới thu nhỏ ấy, với những cuộc giao lưu dù chớp nhoáng cũng để lộ gia cảnh của các nhà: có gia đình đầm ấm, yên vui, có những gia đình hôn nhân không êm ả, có bạn chỉ có bố hoặc mẹ chăm sóc . Nhưng những gì tận mắt chứng kiến ở họ khiến tôi muốn chia sẻ như một bằng chứng cụ thể về cách ứng xử của phương Tây trong việc chăm sóc con cái sau khi bố mẹ đã chia tay, hay còn gọi là văn hoá ứng xử sau hôn nhân.
Con trai chị Bích Châu (thứ hai từ phải sang) bên các bạn cùng lớp trong một buổi sinh nhật. |
Ví dụ đầu tiên là về hoàn cảnh của một cậu bé tôi gặp trong bữa tiệc sinh nhật bạn con. Thông thường, sinh nhật của trẻ thường được tổ chức ở trung tâm vui chơi hoặc ở nhà riêng, kéo dài tầm 2-3 tiếng. Vì các cháu còn nhỏ, khoảng 5-6 tuổi, nên luôn có bố mẹ đưa đón và ngồi kèm.
Thế nhưng có lần tôi chứng kiến một cậu bé khi đến tiệc thì tung tăng cùng mẹ, sau đó một lúc mẹ biến mất, để rồi bố lại xuất hiện, vui chơi cùng con và đón cậu về. Vài lần như vậy khiến tôi thắc mắc hỏi thăm thì con tôi kể: Bạn ấy đi từ nhà mẹ và sau đó bố sẽ đón về nhà bố. Nhà bố mới có em bé nên bạn ấy đến thăm bố và sẽ chơi với em bé vào một trong hai ngày cuối tuần. Vậy là tôi hiểu ra bố mẹ cậu đã chia tay, cậu sống với mẹ và cuối tuần về thăm bố. Lúc đầu, tôi có chút chạnh lòng thương cảm. Nhưng nhìn cậu bé lúc nào cũng vui vẻ, dù là bên bố hay bên mẹ, tôi lại thấy ấm lòng và ít nhiều mừng cho cậu, vì dẫu sao, trong hoàn cảnh hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ, cậu vẫn nhận được sự quan tâm chăm sóc từ cả hai.
Một lần khác, khi tôi đưa con tới dự sinh nhật bạn, như thường lệ, bố mẹ của cậu bé đó chạy lại đón khách, chào hỏi rất niềm nở. Mọi chuyện diễn ra như thường lệ, bọn trẻ chạy ùa lại chơi với nhau trong khu vui chơi. Trong khi các ông bố chạy tới chơi với lũ trẻ những trò cần được người lớn trợ giúp và theo dõi, các bà mẹ túm lại ăn bánh, uống trà và chuyện trò. Đến lúc cắt bánh sinh nhật, cặp vợ chồng đứng đón chúng tôi ở cửa bắt đầu tiến lại dãy bàn sinh nhật để bầy nến, bánh… Cả người lớn và trẻ con lục tục từ khu vui chơi sát đó kéo về để hát mừng và chứng kiến màn nghi lễ thổi nến, cắt bánh.
Đúng lúc ấy điều bất ngờ xảy ra. Thay vì cặp vợ chồng nọ ngồi lại bên nhau, người mẹ ngồi lại gần chiếc bánh, mắt hướng ra phía khu vui chơi chờ con, còn người đàn ông từ tốn lùi ra xa, giương máy ảnh hướng về phía vợ, ngắm nghía. Cùng lúc ấy, một người đàn ông trẻ hơn, từ khu trẻ con chơi, một tay bế thốc chủ nhân của lễ sinh nhật, chạy băng băng đến bàn nơi bà mẹ đang ngồi. Người đàn ông trẻ tuổi này đặt cậu bé xuống ghế, ngồi ngay ngắn giữa người mẹ và anh ta với ổ bánh sinh nhật nằm trước 3 người đang đợi cắt. Sau đó, họ cùng hướng dẫn cậu cắt bánh và chụm đầu chụp ảnh rất vui vẻ. Từ phía xa, người đàn ông trung niên bấm máy tanh tách chụp.
Điều ấy khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi tôi vẫn nghĩ, cặp đón mình ở cửa là bố mẹ cậu bé, còn người đàn ông chạy nô đùa theo đám trẻ ở khu vui chơi là một trong những phụ huynh đưa con đi sinh nhật bạn.
Sau diễn biến bất ngờ này, tôi không ngừng thắc mắc và để ý kỹ hơn các nhân vật tham gia sinh nhật. Sau khi xong màn chụp ảnh và thổi nến, mẹ cậu bé và người đàn ông trẻ tuổi hơn bắt đầu giúp cậu cắt bánh rồi chuyển cho các bé. Họ trông thật vui vẻ. Tự nhiên tôi lại có ý nghĩ hay chàng trai trẻ kia là em của bà mẹ, tức cậu của cháu bé, vì anh ta có vẻ trẻ tuổi hơn bà mẹ và dù vui vẻ cũng không thấy hai người tỏ ra thân mật gì với nhau. Trong khi đó, người đàn ông trung niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh liền tiến về phía người mẹ nọ, choàng tay qua vai và dịu dàng hôn lên tóc chị.
Khi buổi sinh nhật kết thúc, cậu bé chạy ra ôm hôn chia tay mẹ mình và người đàn ông lớn tuổi rồi chạy về phía người đàn ông trẻ. Khi ấy, người đã về thưa, tôi mới nghe ra cậu bé gọi anh ta là daddy (bố). Cùng lúc ấy, từ cuối dãy bàn tiệc, một phụ nữ trẻ đi về phía người đàn ông trẻ và cậu bé. Tôi nhận ra đây là người phụ nữ trong suốt buổi liên hoan đã ngồi rất ý tứ ở cuối dãy bàn, chỉ mỉm cười và lắng nghe chúng tôi trò chuyện với nhau về các con, chứ không hề góp chuyện cùng. Cặp trẻ tuổi ấy cùng nắm tay cậu bé, dắt chạy về phía xe.
Giờ thì tôi đã có thể lắp ghép được toàn bộ các mảng rời rạc trong câu chuyện: Bố mẹ cậu bé chính là người phụ nữ đứng tuổi và người đàn ông trẻ. Họ đã ly dị và hôm nay hai bố mẹ cùng bạn đời mới của mình tổ chức sinh nhật cho con trai. Nhớ lại hình ảnh bốn người lớn vây quanh một đứa trẻ, tung hô cậu trong ngày của mình, tôi mừng thầm cho cậu bé và nể phục cách hành xử của cha mẹ cậu. Họ từng một thời làm vợ làm chồng của nhau, nhưng giờ chỉ gắn kết với nhau bằng một cầu nối duy nhất, đó là đứa con chung.
Đó là một câu chuyện nhỏ có thật, tưởng chừng quá đỗi giản dị nhưng khiến tôi suy ngẫm mãi. Nó như bài học lớn về cách hành xử có trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn, nặng nề nhất – khi hôn nhân đổ vỡ.
Bích Châu
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.