Dù vợ chồng có cãi nhau thế nào bạn cũng đừng bao giờ nên nói các câu như: anh thật ngu ngốc, anh giống hệt bố/mẹ anh, ly hôn đi…
Trong quan hệ vợ chồng hoặc yêu đương, những căng thẳng có thể leo thang chỉ vì một câu nói tưởng như đơn giản, nhỏ nhặt. Có những điều thực sự không nên nói ra trong lúc nóng giận.
Mọi chuyện kết thúc rồi!
Bạn cãi nhau với chồng về một vấn đề nghiêm trọng. Anh ta đã hứa giải quyết nhưng lại không làm. Bạn nghĩ “Nếu không thể giải quyết chút chuyện nhỏ nhặt này thì mối quan hệ này còn gì để hy vọng nữa?”. Rồi bạn nói với chồng mình: “Đủ rồi đó” và dọa ly hôn.
Mặc dù đe dọa là một cách gây sự chú ý rất tốt. Chồng bạn sẽ làm mọi thứ để cứu vãn hòa bình. Nhưng thực sự trong lòng anh ta sẽ không thấy thoải mái. Tệ hơn, nó sẽ làm bạn khó giải quyết những cuộc cãi vã hàng ngày hơn. Chẳng lẽ cứ khi nào cãi nhau là bạn đòi đệ đơn ly dị?
Anh/cô thật ngu ngốc
Những lời lăng mạ kiểu như vậy xuất hiện gần như vô tận giữa các cặp vợ chồng. “Anh/cô thật xấu xí, béo… là một người cha/mẹ tồi”. Thật khó có thể tin rằng khi nói ra những điều này các bạn vẫn còn có thể yêu nhau.
Bạn có thể làm chồng/ vợ mình tổn thương sở dĩ bởi vì bạn hiểu họ rất rõ. Bạn có thể chì chiết và khiến đối phương mất đi tự trọng nhưng nó thường để lại những hậu quả hết sức tai hại. Thay vào đó, hãy đặt mình vào vị trí của người bạn đời và tự hỏi mình có thực sự hoàn hảo, có thực sự không bao giờ mắc sai lầm không? Làm được thế bạn sẽ khoan dung được cho lỗi lầm của người khác.
Ước gì tôi vẫn còn độc thân
Đôi lúc, người bạn đời gây cho bạn một cảm giác mất tự do, không có được bình yên và tự hỏi vì sao mình lại đồng ý kết hôn? Những câu nói kiểu như trên đôi lúc khiến chồng/ vợ bạn tưởng rằng bạn có ý này thật dù nó chỉ là một giây phút bạn mất đi bình tĩnh. Sẽ rất khó khăn để rút lại lời nói và đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo ban đầu.
Mọi người thường tự hỏi rằng cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu rẽ theo một hướng khác. Bạn thường có suy nghĩ này khi cảm thấy bản thân bị đối xử không công bằng. Nhưng nếu bình tĩnh suy nghĩ lại bạn sẽ thấy rằng những phản ứng dữ dội đó thực ra không đáng.
Ảnh: Huffingtonpost. |
Anh/ cô thật giống bố anh/ cô
Tùy từng trường hợp, biến thể của câu nói này có thể là: “Anh/cô cứ như là mẹ tôi vậy”. Chúng ta thường thích nghĩ rằng mình là một cá nhân riêng biệt hơn là bản sao của một ai đó. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thừa nhận rằng khi trở nên lớn tuổi, mình càng có nhiều nét giống với cha mẹ mình. Điều đó có thể làm chúng ta cảm thấy khó chịu. Nếu có điều gì đó khó nói ra, hãy cố gắng vận dụng sự hài hước. Nó sẽ không khiến cho người nghe có cảm giác bị xúc phạm hay bị chế nhạo. Đừng cố gắng tạo ra sự căng thẳng không cần thiết, nhất là khi đụng chạm đến cha mẹ của người khác.
Sao anh/cô không được như anh ta/cô ấy nhỉ
Có những người bạn gặp nơi công sở, các phòng tập gym hay cổng trường. Sau vài cuộc nói chuyện ngắn, bạn bắt đầu mong được gặp họ. Khi tiếp xúc với những người hấp dẫn khác, bạn sẽ có xu hướng so sánh. Đó có thể là việc khiến chồng/vợ bạn cảm thấy ghen tị.
Thay vì liên tục so sánh hãy tỏ ra trung thực và thẳng thắn. Khi chồng/vợ bạn hỏi chuyện về một người đồng nghiệp, một người bạn đặc biệt nào khác, hãy trả lời thành thực mọi câu hỏi của họ.
Không có gì cả
Một số cặp vợ chồng tránh tranh cãi bằng việc im lặng, không nhắc đến những mâu thuẫn và thay đổi chủ đề. Chính việc né tránh tranh cãi này dẫn đến việc nhiều cặp vợ chồng luôn ở trong tình trạng chiến tranh lạnh, thực sự không thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau.
Hãy đối mặt thẳng thắn với những cuộc tranh cãi nhỏ. Nó sẽ không có hại gì cho mối quan hệ của bạn. Thậm chí nó còn có thể giúp bạn mài giũa kỹ năng giao tiếp, lắng nghe chẳng hạn. Vấn đề quan trọng không phải là những chướng ngại mà là giải quyết chúng thế nào.
Bảo Nhiên (Theo Dailyo)
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.