Thứ Năm, 13/10/2016 | 13:00

Mong muốn có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, nhưng bạn đã nắm hết những điều cần biết khi mang thai? Dù đã tìm hiểu, áp dụng bao nhiêu điều, bầu cũng chớ quên 5 điều quan trọng, cốt lõi sau đây nhé!

Những điều cần biết khi mang thai: Bí quyết để có thai kỳ khỏe mạnh

Tham khảo ngay những điều cần biết khi mang thai sau đây để lần đầu làm mẹ của bạn không quá bỡ ngỡ, cũng như có đủ kiến thức cần cho một thai kỳ khỏe mạnh

1/ Cần tiêm phòng trước khi mang thai

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường, nguy cơ nhiễm bệnh vì thế mà tăng lên. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ có dự định mang thai nên tiêm phòng trước ít nhất 3 tháng để ngừa một số bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và bé như: Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, viêm màng não, cảm cúm…

2/ Khám thai định kỳ

Đây là một trong những điều cần biết khi mang thai cực quan trọng các mẹ cần lưu ý. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đi khám thai ít nhất 3 lần. Tốt nhất, với một thai kỳ bình thường, mẹ nên khám thai 7 lần.

Khám thai định kỳ giúp mẹ có thể theo sát sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm nguy cơ dị tật hay các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, có 3 mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua: Khám thai tuần 11-13 của thai kỳ để đo độ mờ da gáy, tuần 21-24 chẩn đoán khuyết tật bẩm sinh và giai đoạn tuần 30-32 của thai kỳ để “chốt” trước khi sinh.

3/ Những điều cần biết khi mang thai: Dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, những gì mẹ ăn trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu luôn là mối quan tâm hàng đầu. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bầu nên đảm bảo thực đơn đủ các nhóm sau:

– Nhóm tinh bột

Tinh bột có vai trò chính là cung cấp năng lượng, giúp duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, tốc độ chuyển hóa từ tinh bột sang mỡ rất nhanh. Bầu cần cẩn thận khi bổ sung nhóm này trong chế độ ăn. Các thực phẩm tốt cho bà bầu như bánh mì (loại làm từ bột mì thô), ngô, yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt…

– Nhóm chất đạm và chất béo

Nhóm chất có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi, tham gia vào quá trình tạo máu và hình thành nhau thai. Mỗi ngày mẹ bầu cần cung cấp ít nhất 70g protein và 40g chất béo. Lưu ý không nên dùng quá nhiều, bởi trong quá trình chuyển hóa đạm có thể sinh ra các chất không tốt cho mẹ và bé.

Không chỉ chứa nhiều sắt và các loại vitamin nhóm B, thịt bò còn là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho cơ thể. Cá cũng là một trong những thực phẩm chứa nhiều đạm, hơn nữa omega-3 trong cá cũng có tác động rất tốt đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên ăn cá ngừ, cá mập, cá thu lớn, cá kiếm… vì chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao, không tốt cho thai nhi.

– Nhóm vitamin và khoáng chất

Giàu vitamin, khoáng chất cũng như một lượng chất xơ phong phú, các loại rau củ quả là thành phần không thể thiếu trong thực đơn mỗi ngày của mẹ.

Những điều cần biết khi mang thai: Bí quyết để có thai kỳ khỏe mạnh

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, thực đơn dinh dưỡng của mẹ chắc chắn sẽ không thể thiếu rau xanh và trái cây

Một số loại rau xanh mẹ bầu không nên bỏ qua như: Rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ xanh, cải bẹ xanh có nhiều axit folic giúp hạn chế dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các loại trái cây có nhiều múi như cam, quýt, bưởi có hàm lượng lớn vitamin C giúp tăng sức đề kháng, giảm bớt sự khó chịu của những cơn ốm nghén.

4/ Chế độ làm việc và nghỉ ngơi

Mẹ bầu cần nhớ, khi mang thai không nên làm những việc nặng nhọc, không làm trong môi trường độc hại hay những việc làm phải đứng lâu, cúi nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Bà bầu cần duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và dành khoảng 30 phút cho giấc nghỉ trưa. Tránh thức quá khuya. Song song với ngủ nghỉ, bầu cũng nên vận động thường xuyên, vừa giúp tinh thần thoái mái vừa giúp lưu thông máu. Những bài tập thể dục hợp lý cho bà bầu: bơi lội, đi bộ, yoga…

5/ Tránh xa các chất kích thích

Không chỉ tránh xa ma túy, thuốc lá, các loại thức uống có nồng độ cồn như rượu, bia, ngay cả thức uống chứa cafein như trà, cà phê, nước ngọt bà bầu cũng nên hạn chế tối đa.

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác hại của ma túy, thuốc lá, hay rượu bia đối với sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe mẹ bầu. Cafein nếu tiêu thụ ở lượng vừa phải, dưới 200 mg caffein mỗi ngày, tương đương 1,5 cốc cà phê pha phin hoặc 2 cốc cà phê hòa tan. Nếu là một “tín đồ” của cà phê, bầu nên lưu ý giảm bớt lượng cà phê nạp vào một cách từ từ. Cắt giảm đột ngột ngược lại có thể làm bạn cảm thấy đau đầu, khó chịu, mất tập trung.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook