Vị trí nhau thai có thể thay đổi theo thời gian cũng như tình trạng sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu nên cẩn thận với một số trường hợp bánh nhau nằm sai vị trí, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và bé cưng trong bụng
Bắt đầu từ tuần thứ 11-12 của thai kỳ các bác sĩ đã có thể nhìn thấy được hình ảnh của bánh nhau. Tất cả những vấn đề bất thường về nhau đều có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé. Đặc biệt, mẹ cần hết sức lưu ý trong trường hợp nhau thai ở sai vị trí.
Nhau thai nằm sai vị trí có thể gây ra sảy thai, sinh non, suy thai hoặc thậm chí tử vong
Vị trí an toàn của nhau thai
Hình thành ngay từ khi trứng được thụ tinh, nhau thai là một trong những bộ phận quan trọng góp phần nuôi dưỡng bào thai. Tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ, vị trí nhau thai cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến và an toàn nhất vẫn là những trường hợp sau:
– Nhau bám mặt trước (vị trí ở phía trước thành tử cung)
– Nhau bám mặt sau
– Nhau bám ở phía trên thành tử cung
– Nhau bám ở bên phải hoặc bên trái tử cung
Nhau thai nằm sai chỗ: Cẩn thận không nguy!
Đối với những trường hợp nhau thai nằm sai vị trí thường tiềm ẩn nguy cơ như: Sinh non, sảy thai, thai chết lưu hoặc những biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe mẹ bầu. Khám thai định kỳ là điều cần thiết nhằm phát hiện sớm những bất thường khi mang thai, nhất là khi nhau thai nằm ở 3 vị trí sau:
1/ Nhau thai bám thấp
Khi trứng đã được thụ tinh tạo thành hợp tử bám vào tử cung và dần hình thành nên nhau thai. Tuy nhiên nếu hợp tử này không di chuyển và vẫn “cư trú” ở phía dưới tử cung thì sẽ có hiện tượng nhau thai bám thấp.
Nguyên nhân: Do tử cung của mẹ bị dị dạng hoặc có tiền sử nạo hút thai thì hiện tượng nhau thai bám thấp sẽ cao hơn so với người bình thường.
Nguy cơ có thể gặp phải khi bị nhau thai bám thấp:
– Cản trở đường đi của thai nhi khi mẹ chuyển dạ chuẩn bị sinh. Theo đó, khi cổ tử cung mở, nhau thai tràn ra ngoài làm cho mẹ bị mất máu nhiều, thậm chí có thể gây tử vong.
– Tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Vì vậy, đa phần những trường hợp nhau bám thấp thường được bác sĩ chỉ định sinh mổ hoặc nhập viện sớm để theo dõi.
Vị trí nhau thai có thể thay đổi theo thời gian. Nếu phát hiện sớm, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cũng như hạn chế các hoạt động mạnh, nhau thai sẽ trở lại vị trí bình thường. Thay vì quá lo lắng, mẹ nên đi khám thai đều đặn để biết nhau thai có thay đổi vị trí hay không.
2/ Nhau tiền đạo
Đây là một biến chứng khi mang thai, vị trí bánh nhau nằm ngay cổ tử cung án ngữ trước lối ra của thai nhi khi chuyển dạ.
Nguyên nhân: Hiện tại không có một nguyên nhân rõ ràng nào gây nên hiện tượng nhau tiền đạo. Tuy nhiên khi mẹ bầu có tiền sử nhau tiền đạo, sẹo mổ trên cổ tử cung, đa thai, hút thuốc lá sẽ có nguy cơ bị nhau tiền đạo cao hơn.
Nguy cơ khi bị nhau tiền đạo:
– Khi bị nhau tiền đạo, mẹ bầu có thể bị chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ, trong khi chuyển dạ và sau khi sinh. Đồng thời, nhau tiền đạo cũng gây nên tình trạng khó sinh, khó điều chỉnh ngôi thai. Thời gian chuyển dạ càng kéo dài càng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
– Mẹ bị nhau tiền đạo thường xuất huyết âm đạo gây mất máu nhiều, thậm chí là tử vong.
– Trẻ sinh ra dễ bị suy do thiếu máu, sinh non thiếu tháng vì có khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm do mẹ bị nhau tiền đạo.
Những vị trí bám bất thường của nhau thai
3/ Nhau cài răng lược
Là trường hợp nhau nằm ở vị trì bình thường nhưng lại bám vượt quá lớp niêm mạc tử cung, ăn sâu vào tử cung. Nhau thai bám rất chắc và có thể xuyên qua tử cung rồi lấn sang cả các bộ phận khác như ruột, bàng quang. Nhau cài răng lược không thể bong tróc ra sau khi sinh như bình thường.
Nguyên nhân: Vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng này, nhưng có thể liên quan đến nhau tiền đạo và sinh mổ trước đó. Đối với người bị nhau tiền đạo thì nhau cài răng lược chiếm từ 5-10%. Người sinh mổ có nguy cơ cao hơn từ 4-5 lần sao với người sinh thường.
Nguy cơ dễ gặp:
– Nhau cài răng lược có thể bám rất chắc vào tử cung, không bong tróc tự nhiên sau sinh, gây băng huyết, đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
– Mẹ bầu rất dễ sinh non khi bị nhau cài răng lược, trẻ sinh ra nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
– Tình huống nguy hiểm hơn là mẹ có thể bị xuất huyết trong khi tách nhau thai. Nếu xuất huyết nặng mẹ bầu có thể tử vong.
– Trong quá trình sinh, để tách nhau thai ra thì mẹ có thể sẽ bị tổn thương tử cung và các cơ quan bên trong.
Chưa có bình luận.