Hiện tượng thai nhi bị thiếu oxy đa phần do mẹ có tiền sử bệnh thiếu máu, đau tim, cao huyết áp, hen suyễn… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thai nhi có thể gặp phải nguy hiểm: sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng, chậm phát triển…
Không giống trẻ sơ sinh, em bé trong bụng mẹ không hề dùng miệng hoặc mũi để thở. Thông qua nhau thai, bé cưng nhận chất dinh dưỡng cũng như oxy từ mẹ. Khi mẹ hít thở, oxy trong không khí sẽ qua hệ thống tuần hoàn của mẹ đi vào nhau thai, dây rốn và truyền đến thai nhi. Vì vậy, khi nói thai nhi bị thiếu oxy không có nghĩa bé đang gặp khó khăn trong vấn đề thở. Ngược lại, đây là biểu hiện cho thấy mẹ bầu đang gặp vấn đề sức khỏe: khó thở, thở yếu hoặc vấn đề về dây rốn, nhau thai.
Không thở bằng mũi hay miệng, thai nhi nhận ô-xy từ mẹ thông qua nhau thai
Những điều mẹ bầu cần biết: Dấu hiệu thai nhi bị thiếu oxy
1/ Sự thay đổi khi thai động
Bắt đầu từ tuần thứ 18-20 mẹ bầu đã có thể cảm nhận được những chuyển động của thai nhi. Tình trạng thai động mạnh hay yếu, nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mỗi bé. Đối với những bé có tính cách “yên tĩnh” thì bé động khá nhẹ nhàng, trong khi đó bé có tính “hiếu động” sẽ có những cử động mạnh mẽ hơn và số lần cũng nhiều hơn.
Trong thời gian mang thai mẹ bầu cần quan sát để ý đến cử động của thai nhi, thai máy. Nếu thai nhi động dưới 10 lần/12 giờ hoặc vượt quá 40 lần/12 giờ thì đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang bị thiếu oxy trong tử cung.
2/ Nhịp tim thai bất thường
Thông thường nhịp tim của thai nhi đập khoảng 120-160 lần/phút nhưng nếu vượt quá 160 lần/phút có thể thai nhi đang bị thiếu oxy ở giai đoạn đầu. Nhưng nếu cử động của bé giảm hoặc ngừng hẳn, tim thai thấp hơn 120 lần/phút có khả năng thai nhi thiếu oxy ở giai đoạn muộn.
3/ Sự phát triển của thai nhi ngừng hẳn
Trong trường hợp thai nhi bị thiếu oxy thì sự sinh trưởng và phát triển của bé sẽ chậm lại thậm chí là ngừng hẳn. Đối với một thai kỳ khỏe mạnh, sau tuần thai thứ 28 thì mỗi tuần thai nhi sẽ tăng trưởng khoảng 1mm. Như vậy thông qua các cuộc kiểm tra trong vòng 2 tuần nếu thai nhi không phát triển có khả năng bé đang rơi vào trạng thái thiếu oxy nghiêm trọng.
Thai nhi bị thiếu oxy vì đâu?
1/ Nguyên nhân từ mẹ
Oxy cung cấp cho thai nhi được truyền từ cơ thể của người mẹ, nếu oxy trong máu mẹ không đủ sẽ khiến thai nhi bị thiếu oxy. Cơ thể mẹ không được khỏe mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này, có thể do mẹ mắc một trong những bệnh sau:
– Mẹ bị cao huyết áp trong thai kỳ, viêm thận mãn tính sẽ làm cho các động mạch nhỏ không đủ oxy.
– Mẹ mắc bệnh về tim mạch, phổi, tình trạng thiếu máu nặng cũng khiến các tế bào hồng cầu không có đủ lượng oxy cần thiết.
– Hen suyễn là căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ những chỉ định điều trị từ bác sĩ, mẹ bầu phải chú ý tránh tiếp xúc với các nguồn có khả năng kích phát cơn hen như: Khói thuốc lá, lông động vật, khói bếp than hay thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cua biển, tôm, các loại hải sản khác.
Những mẹ bầu bị hen suyễn có nguy cơ thai nhi bị thiếu oxy là rất cao
2/ Nguyên nhân từ thai nhi
Trong thời gian mang thai có những trường hợp chức năng hệ thống mạch máu, tim mạch của thai nhi gặp trở ngại. Hoặc mắc các bệnh bẩm sinh, nhóm máu của mẹ và bé không hợp, thai bị viêm nhiễm bên trong tử cung…Những bất thường này đều có thể dẫn đến tình trạng thai nhi bị thiếu oxy.
3/ Nguyên nhân do dây rốn
Dây rốn là con đường duy nhất truyền oxy cũng như các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi. Nhưng nếu dây rốn gặp vấn đề bất thường nào đó cũng khiến cho bé bị thiếu oxy.
Những điều bà bầu cần biết: Khắc phục hiện tượng thiếu oxy ở thai nhi
1/ Bổ sung oxy cho thai nhi
Khi phát hiện thai nhi thiếu oxy, tốt nhất mẹ nên đến bệnh viện để được thăm khám và bổ sung oxy cho bé bằng các loại máy chuyên môn. Đây là cách hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh của mẹ như tim, phổi…cũng như làm tăng nồng độ oxy trong máu để truyền đến thai nhi.
2/ Khám thai định kỳ
Thiếu oxy là nguyên nhân hàng đầu khiến thai chết lưu. Vì vậy mẹ cần khám thai định kỳ để kiểm tra tim thai, chức năng dây rốn…để biết chắc thai nhi vẫn đang phát triển tốt.
3/ Duy trì tư thế nằm ngủ nghiêng sang trái
Để phòng tránh nguy cơ thiếu oxy ở thai nhi, mẹ bầu cần duy trì tư thế nằm nghiêng sang bên trái. Đây là cách hiệu quả để tăng cường máu cung cấp cho thai nhi trong tử cung, làm giảm nguy cơ bé bị thiếu oxy.
Chưa có bình luận.