Thứ Ba, 15/05/2018 | 11:55

Ba đứa trẻ sinh ra đã có tật, lại bị cha mẹ bỏ rơi, anh Nhân cùng vợ đứng ra chăm sóc hơn 14 năm qua.

Căn nhà ngói cổ xưa, rách toác của bà Nguyễn Thị Gái (67 tuổi) nằm sâu hút cuối con đường đất nhỏ ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Mấy năm nay, bà Gái rất yên tâm khi có con rể là anh Nguyễn Văn Nhân (hiện 35 tuổi) thay mình chăm sóc ba cháu nội bị tật bẩm sinh, cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Nhìn chàng rể cả ngày hết tắm rửa, cho ăn, đưa các cháu đi học rồi phụ mẹ vợ làm việc nhà, bà Gái vô cùng biết ơn và thấy cuộc đời mình thật may mắn.

Bà cho biết, ngày trước, ông đi bộ đội và bị nhiễm chất độc da cam. Dù năm người con đều khỏe mạnh, bình thường nhưng đến đời các cháu nội lại bị ảnh hưởng. Hồ (29 tuổi) sinh ra chỉ biết ăn nằm một chỗ, miệng cười cả ngày, mọi sinh hoạt phải có người hỗ trợ. Thoại, Duy 18 tuổi và 17 tuổi đều bị dị tật ở chân, đi lại khó khăn. Thương các cháu bị bố mẹ ly hôn rồi bỏ mặc, vợ chồng bà đưa về chăm sóc, lo từng miếng ăn, giấc ngủ.

Ông mất, bà đau bệnh liên miên, mọi chi phí trong nhà, việc chăm sóc 3 cháu đều do một tay chị Hạnh (con út, hiện 39 tuổi) đảm đương. Vì gánh nặng gia đình này mà chị phải bỏ dở việc học, hy sinh hạnh phúc riêng. “Tôi lấy chồng thì cháu và mẹ ai lo”, chị tâm sự.

Người chồng Sài Gòn 7 năm hoãn sinh con để nuôi 3 cháu vợ dị tật

Số tiền 1,5 triệu xã hỗ trợ bà Gái và Hồ thuộc diện tật nguyền không đủ nuôi 4 bà cháu, vì thế chị Hạnh và chồng phải nỗ lực để kiếm thêm. Ảnh: NVCC.

Anh Nhân là con trai một. Năm 2000, anh vào Sài Gòn đi làm công nhân may và gặp chị Hạnh làm cùng công ty. Nghe chuyện của chị đồng nghiệp, anh rất cảm kích. Chàng trai trẻ cùng một vài người nữa lên kế hoạch sẽ thay phiên nhau đến giúp chị Hạnh chăm sóc người thân. 

Tới nơi, nhìn căn nhà xiêu vẹo, bà Gái bị bệnh phải vào viện tháng hai lần, anh em Hồ nằm vắt vẻo trên giường, một mình chị Hạnh hết vào viện với mẹ rồi về với các cháu, anh Nhân nghĩ phải làm gì đó giúp chị.

“Tôi là đàn ông, lo cho mình còn chưa xong. Vậy mà, chị ấy là phụ nữ mà phải lo cho 4 người, lại nay đau mai bệnh”, anh Nhân nói. Từ đó, chàng trai quê Quảng Ngãi cứ tan làm lại ghé nhà chị đồng nghiệp phụ chăm anh em Hồ. Những ngày cuối tuần thì ở hẳn để tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đưa ba cháu đi chơi.

Tình yêu của họ cũng bắt đầu từ đó. Biết con trai kém người yêu 4 tuổi, mẹ anh Nhân một mực phản đối. Chị Hạnh không muốn bạn trai và mẹ bất đồng nên nhiều lần nói lời chia tay. “Làm bạn với anh em Hồ quen rồi, tôi không thể rời xa được”, anh Nhân kể và âm thầm dọn đồ đến nhà bạn gái ở hẳn cho tiện chăm sóc các cháu.

Người chồng Sài Gòn 7 năm hoãn sinh con để nuôi 3 cháu vợ dị tật

Từ lúc quen nhau, anh Nhân đã dành 14 năm cuộc đời để chăm sóc 3 cháu của chị Hạnh. Anh xem Hồ, Thoại và Duy như con mình và chỉ mong tương lai các em sẽ tươi sáng hơn. Ảnh: Phan Thân.

Năm 2010, sau 7 năm yêu nhau, chị Hạnh được mẹ anh Nhân chấp nhận bởi tính tình thật thà, chịu thương chịu khó và hết lòng vì gia đình. Đám cưới của họ diễn ra. Mẹ anh Nhân động viên con trai trân trọng vợ và ở hẳn nhà ngoại để giúp đỡ, cho các cháu một tương lai tốt, dù bà đang sống một mình ở quê. “Từ ngày có thằng Nhân, đi đâu tui cũng yên tâm. Nó chăm thằng Hồ kỹ hơn cả tôi”, nhìn con rể bằng ánh mắt trìu mến, bà Gái nói. 

Hơn 7 năm hôn nhân, anh Nhân chủ động khuyên vợ tạm hoãn việc có em bé để tập trung chăm Hồ, lo cho Thoại và Duy học xong đại học rồi tính.

“Thu nhập của vợ chồng tôi còn thấp lắm, nếu sinh con thì làm sao lo nổi cho mấy đứa nhỏ. Tôi đã dở dang việc học, thì Thoại và Duy phải tươi sáng hơn”, anh tâm sự. Nhiều lần anh lảng sang chuyện khác khi mẹ gọi điện giục sinh con. 

Người chồng Sài Gòn 7 năm hoãn sinh con để nuôi 3 cháu vợ dị tật

Thoại và Duy hiện học lớp 10 và 11. Anh Nhân dự tính khi hai đứa học xong, có công việc thì hai vợ chồng sẽ lên kế hoạch sinh con và về quê chăm sóc mẹ đẻ. Ảnh: Phan Thân.

Hơn hai năm nay, sức khỏe của Hồ yếu hơn, anh Nhân quyết định tìm việc bán thời gian để linh hoạt hơn. Một cơ sở làm than đá trong xã gọi anh đến làm mỗi khi có hàng. Những người hàng xóm khi góp bao gạo, khi cân thịt, có người là ít tiền giúp vợ chồng chị Hạnh chăm lo cho những đứa cháu không lành lặn.

Để vợ đi làm không bận tâm với việc nhà, sáng nào anh Nhân cũng dậy sớm, vệ sinh cá nhân cho Hồ, chở Duy và Thái đi học rồi mới về đến chỗ làm. Trưa, anh lại tất bất với việc tắm rửa, cho Hồ ăn rồi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. 

Nhìn chồng và các cháu bên nhau, chị Hạnh cảm kích vô cùng. “Nếu không có anh ấy, không biết bây giờ tôi đã ra sao. Anh ấy không chỉ là người chồng, mà còn là người cha của mấy đứa nhỏ, là ân nhân của gia đình tôi. Tôi nợ anh ấy rất nhiều”, chị nói.

Phan Thân

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook