Uống thêm một chén rượu, thêm một cốc bia đồng nghĩa với việc bạn sẽ đứng trước nhiều nguy cơ về bệnh tật. Một trong số bệnh nguy hiểm dễ cướp đi sinh mạng của người nghiệm rượu, bia đó chính là bệnh liên quan tới chức năng của gan.
Đừng đem sinh mạng đặt lên bàn nhậu
Với công việc là nhân viên kinh doanh, anh Nguyễn Minh Đức, ở Hà Nội, thường xuyên tiếp đãi khách hàng. 7 hôm đi làm thì có tới 6 hôm anh trở về nhà trong tình trạng say. Trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe tổng quát, anh giật mình khi được bác sĩ thông báo gan nhiễm mỡ. Bác sĩ cảnh báo nếu anh còn tiếp tục uống rượu bia với tần xuất cao như vậy thì rất dễ đối mặt với nguy cơ xơ gan.
Nghiện rượu bia dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh minh họa
Cùng cảnh ngộ với anh Đức là trường hợp của anh Lê Văn Quý, đang là chủ kinh doanh của quán cháo lòng tiết canh tại Cầu Giấy. Do là chủ quán, cứ mỗi lần khách vào ăn sáng mà thấy vui là anh lại mời khách đôi ba chén. Lâu thành quen, ngày nào không có rượu là anh bứt rứt khó chịu. Rồi một ngày bỗng dưng anh thấy mệt mỏi, chán ăn, da vàng, bụng chướng. Tới bệnh viện khám tổng quát, bác sĩ cho biết gan của anh đã bị xơ do lạm dụng rượu trong thời gian dài.
Khi lá gan bị rượu, bia “tấn công”
“Lạm dụng bia rượu là con đường dẫn chúng ta tới bệnh tật nhanh chóng”, đó là lời khẳng định của TS. Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), có tới 10% người mắc bệnh gan ở Việt Nam có liên quan tới rượu, bia.
Trao đổi với TS. Đinh Quý Lan, ông cho hay: “Lạm dụng bia rượu là một vấn nạn đối với tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Tình trạng nghiện bia rượu gây nên những hậu quả nghiêm trọng về gan như: tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, có thể dẫn tới ung thư gan. Trong thời gian công tác, tôi đã tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nhân ngộ độc rượu khiến cho chức năng gan suy giảm, khó phục hồi”.
TS. Đinh Quý Lan
Sau khi uống rượu 1 tiếng, cơ thể sẽ hấp thu toàn bộ lượng rượu đưa vào cơ thể (80% tại ruột non và 20% tại dạ dày). Sau quá trình rượu hấp thụ tại dạ dày và ruột non, rượu sẽ được chuyển hóa 90% tại gan và một lượng nhỏ bài tiết qua đường nước tiểu, lỗ chân lông.
Theo lý giải của TS. Đinh Quý Lan vị thì: “Uống bia, rượu kéo dài dễ khiến cho cơ thể bị nhiễm độc, tế bào gan bị tổn thương và dễ bị tiêu diệt. Khi rượu được dung nạp vào cơ thể, các chất cồn được chuyển hóa thành axetaldehyt. Lúc này, cơ thể sẽ phải chuyển hóa axetaldehyt thành axetal đào thải ra ngoài. Nhưng khi lượng rượu, bia dung nạp vào cơ thể với tấn xuất liên tục trong thời gian dài thì gan không còn đủ khả năng chuyển hóa axetaldehyt thành axetal để đào thải ra bên ngoài. Khi đó, nồng độ axetaldehyt ở trong máu sẽ cao sẽ gây ngộ độc cho với cơ thể. Tình trạng ngộ độc axetaldehyt kéo dài khiến cho tế bào gan bị phá hủy. Trên 90% người nghiện rượu thường bị gan nhiễm mỡ, dẫn tới viêm gan và xơ gan”, TS. Đinh Quý Lan nói.
Thông thường, người bị nghiện rượu bia thường có diễn biến xấu về gan, thậm chí là ung thư gan. Ung thư gan là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam.
“Lý do là người Việt thường không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Khi bệnh nặng thể hiện ra bên ngoài rồi mới vội vàng tới bệnh viện khám. Những trường hợp mắc ung thư gan do lạm dụng bia rượu thường có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao”, TS. Đinh Quý Lan cho biết.
Ngọc Minh
Chưa có bình luận.