Thứ Hai, 19/02/2018 | 04:40

Trong những ngày tết việc bị ốm đau luôn là điều khiến các bạn cần phải kiêng kỵ, vậy trong những ngày tết nên làm gì để không bị ốm đau, bệnh tật.

Các bệnh thường gặp trong ngày Tết

Theo thống kê, số ca cấp cứu trong những ngày Tết thường tăng 20 – 30% so với ngày thường. Đối tượng bị bệnh rất đa dạng, từ trẻ con tới người già, từ người bình thường đến người bệnh.

Dưới đây là những căn bệnh thường gặp trong ngày Tết theo trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương.

Bệnh về đường tiêu hóa – bệnh phổ biến nhất trong ngày Tết

Ngày Tết là lúc chúng ta nạp vào cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng, đồ uống có cồn… Đó là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy…

Bệnh hay gặp trong ngày Tết – đau bụng khó tiêu

Đau bụng, khó tiêu là bệnh thường gặp trong ngày Tết nhất. Bệnh thường xảy ra sau khi ăn uống quá nhiều thức ăn, sử dụng chất kích thích… Khi các vi khuẩn phân giải thức ăn trong ruột sẽ sản xuất ra nhiều khí, gây ra đầy hơi, trướng bụng. Tình trạng này càng dễ xảy ra và nặng hơn khi chất đạm, chất béo, bia rượu… được nạp nhiều vào cơ thể.

Táo bón – bệnh thường gặp trong dịp Tết

Ăn ít chất xơ, lười vận động là những cơ hội để bệnh táo bón tìm đến bạn vào dịp Tết. Bên cạnh đó, lạm dụng đồ uống có cồn, nước ngọt giải khát… càng khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ.

Táo bón kéo dài sẽ làm người bệnh cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên.

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy – bệnh nguy hiểm trong ngày Tết

Chế biến, bảo quản sai cách là nguyên nhân làm nảy sinh chất độc trong thức ăn, làm hại dạ dày. Cùng với đó, việc kết hợp các loại đồ ăn kỵ nhau cũng khiến đường tiêu hóa bị tổn thương.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thấy nôn nao, đau bụng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ nôn kèm theo tiêu chảy cấp, sốt cao và mất nước nhanh chóng. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh về gan – bệnh thường gặp trong ngày Tết

Thói quen ăn vặt nhiều, đa dạng các loại thực phẩm, uống nhiều bia rượu vào dịp Tết sẽ khiến bạn dễ mắc các về gan như: gan nhiễm mỡ và viêm gan do rượu.

Theo các bác sĩ, bất cứ ai uống nhiều rượu, dù chỉ trong 1 tuần nghỉ Tết cũng có thể bị gan nhiễm mỡ với tình trạng lá gan sưng lên vì chứa nhiều nước, mỡ. Bên cạnh đó, uống rượu nhiều và liên tục sẽ có thể khiến gan bị viêm. Biểu hiện của bệnh là chán ăn, nôn, sốt, đau bụng, vàng da, rối loạn tâm thần… Người bị viêm gan do rượu có thể tử vong nếu có tiền sử bệnh gan mật.

Bệnh về đường hô hấp – bệnh hay gặp trong dịp lễ Tết

Ngày tết nên làm gì để không bị ốm đau bệnh tật  


Viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm… là những bệnh về đường hô hấp thường gặp trong dịp Tết. Tiết trời ẩm, không khí lạnh sẽ khiến cơ thể có những dấu hiệu sốt, đau nhức người… Nếu cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì bạn nên đi gặp bác sĩ bởi bệnh này có thể dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang…

Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh trong dịp tết

Tết đến, khi thời tiết chuyển mùa Đông – Xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp tết.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp chính cần thực hiện:

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

{credit}
Nguồn: Phunutoday

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook