Cho dù xã hội hiện đại, tư duy về cái đẹp đã “thoáng” hơn xưa rất nhiều, nhưng việc có nên phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc vẫn là băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ.
Làm đẹp để tự tin, hạnh phúc hơn
Trước kia từng có một nhan sắc rất xinh tươi, rạng rỡ, thế rồi, từ khi lấy chồng, sinh lần lượt hai đứa con trong vòng 5 năm, giờ đây, ngoại hình của chị Phùng Như Hoa (ngụ Huỳnh Văn Nghệ, Tân Bình, TP.HCM) đã “xuống cấp” đáng kể.
Da mặt chị nám sạm, sần, vóc dáng xồ xề. Đáng nói nhất là vùng bụng, sau hai lần sinh mổ, trở nên chảy xệ, vừa rạn vừa nhăn nheo, kể cả lúc chị mặc quần áo khá rộng vẫn không giấu được vòng bụng quá khổ của mình. Để ngoại hình đi xuống đến mức ấy, không chỉ đổ lỗi cho những lần mang nặng đẻ đau, mà phải nói đến sự bỏ bê của chị Hoa đối với vẻ bề ngoài.
Có con rồi chị quan niệm đẹp hay xấu chẳng quan trọng nữa, chủ yếu vùi mặt vào lo chuyện nhà sao cho tươm tất, còn mình thì để mặc. Vài người bạn thân khuyên chị nên tập luyện hoặc can thiệp bằng dao kéo như hút mỡ, căng da… để đẹp hơn, tránh bị “chồng chê”, nhưng chị chỉ bĩu môi: “Ông xã mình chả quan tâm đâu, làm vợ chồng rồi, đẹp xấu quan trọng gì, chủ yếu là chăm lo con cái sao cho tốt thôi!”
Tương tự, chị Lê Thị Anh Thư, ngụ Thủ Đức, TP.HCM, đến tuổi trung niên cũng đánh mất vẻ đẹp thời con gái. Đôi mắt to tròn xinh xắn ngày xưa đã đầy những vết chân chim nơi đuôi, lớp mỡ và bọng chèn mí mắt khiến chị trông già hơn đến 5,6 tuổi. Thế nhưng ai khuyên đi nhấn mí, hút mỡ mắt cho trẻ ra là chị lắc đầu quầy quậy: “Thà xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo. Ai đời đi phẫu thuật thẩm mỹ, chồng biết chửi chết. Thà để vậy còn hơn!”.
Lấy chồng, sinh con, tất bật chuyện nhà, chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân, cùng với chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học, nhiều chị em phụ nữ đã đánh mất đi vẻ đẹp của thời con gái. Nhiều người trong số họ thay đổi đến mức, người thân, bạn bè lâu ngày gặp lại phải “phát hoảng”, ái ngại dùm. Không ít trong số đó, coi việc thay đổi, xuống cấp là “chuyện thường”, họ chẳng buồn tiếc nuối, cũng không chút nỗ lực để thay đổi bản thân mình.
Chính sự ỷ lại, bỏ quên chính mình, nhiều chị em đã suýt đánh mất hạnh phúc gia đình. Chị Nguyễn Diệu Hiền, (ngụ Phạm Văn Hai, TP.HCM) đã có một bài học “xương máu” về điều này. Chính vì chồng luôn tỏ ra không quan tâm đến ngoại hình, luôn trấn an “vợ lúc nào cũng đẹp” và không ủng hộ chị chỉnh sửa nhan sắc, chị đã “ngủ quên trên chiến thắng”.
Đến khi phát hiện chồng có bồ nhí là đồng nghiệp cùng cơ quan, chị lục lọi các tin nhắn, đoạn chat, nghe chồng nói chuyện với bạn thân, bảo mình là “nái sề bụng mỡ”, rồi “nhìn bộ dạng bà nái sề xuề xòa là chán chả buồn ôm”, chị mới hoàn toàn tỉnh ngộ.
Từ đó, chị quyết “nâng cấp” mình lên, đầu tư thời gian để chăm sóc sức khỏe, tập yoga mỗi ngày. Chị cũng theo bạn đi “tân trang” nhan sắc, lấy đi lớp mỡ thừa nơi mắt, đốt cháy mỡ bụng, cùng với việc thay đổi cách ăn mặc, trang điểm. Sau đận xào xáo ấy, chồng chị ngạc nhiên thấy ở vợ một con người khác, hấp dẫn hơn, giá trị hơn.
Từ đó, chị luôn chia sẻ với bạn bè, hóa ra cánh đàn ông ích kỉ lắm, mồm thì không khuyến khích vợ làm đẹp, nhưng vợ mà để xấu là bị ruồng rẫy ngay. Thế nên, chị em mình phải chủ động yêu thương, lo cho nhan sắc chính mình, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ.
Và trên thực tế, không ít chị em vượt qua được sự cản trở của chồng, gia đình, sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa những khiếm khuyết trên cơ thể, trở nên đẹp, tự tin hơn và khiến chồng vui, gia đình hạnh phúc hơn.
Nhan sắc: Nên tiểu phẫu, đại tu, nhưng đừng nghiện!
Tuy vẫn còn nhiều băn khoăn, nhưng có lẽ giờ đây, khá nhiều chị em đã trả lời được câu hỏi: Có nên phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn không?
Bằng chứng là các trung tâm thẩm mỹ mọc lên ngày càng nhiều, các dịch vụ làm đẹp từ bình dân đến hạng sang, từ tiểu phẫu đến đại tu nhan sắc nở rộ, móc không ít tiền từ túi chị em. Trái ngược với những người phụ nữ ngại dao kéo, vẫn coi phẫu thuật thẩm mỹ là cái gì đó “quá lố” lại có một bộ phận chị em mê tít các dịch vụ làm đẹp bằng dao kéo.
Chị Nguyễn Nhã Trân, nhân viên một ngân hàng lớn ở TP.HCM ban đầu không có ý định đi phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, sau lần đánh liều nâng mũi để “sửa tướng”, chị đã có một nhan sắc xinh đẹp hơn.
Từ đó, chị bước vào con đường làm đẹp nhờ dao kéo. Được đà tiến tới, chị tiếp tục cắt cánh mũi, đôi mắt mí lót cũng được chị đem ra nhấn mí cho to rõ hơn, rồi tiếp đến là nâng ngực để có vòng 1 như ý. Đến nay, khi các cuộc “đại phẫu” đã xong, chị vẫn tiếp tục hành trình “tiểu phẫu” với phun mí, phun mày, môi và còn chưa có ý định dừng lại.
Không ít chị em “sa chân” vào con đường nghiện làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ như chị Nhã Trân nói trên, từ những hot girl, chân dài giới showbiz cho đến các bà nội trợ thông thường. Một bác sĩ thẩm mỹ tại một bệnh viện thẩm mỹ có uy tín tại quận 1, TP.HCM đã chia sẻ, có chị em, trên người hầu như không còn điểm nào để phẫu thuật nữa, vẫn đến để bác sĩ tư vấn xem làm sao để đẹp hơn.
Bác sĩ khuyên nên dừng lại thì vùng vằng không chịu, tìm trung tâm khác để tiếp tục làm đẹp. Không ít chị em, trên cơ thể toàn bộ đều có sự can thiệp của dao kéo: Nâng mũi, độn cằm, tiêm botox, hút mỡ mắt, hút mỡ bụng, cánh tay, nâng ngực, làm hồng nhũ hoa, tân trang vùng kín… Có chị, đã làm đẹp lắm rồi, thế mà nằng nặc đòi tiếp tục lôi sụn mũi ra nâng lại cho đẹp hơn, thanh hơn, đầu mũi nhọn hơn, dẫn đến biến chứng, suýt hư cả chiếc mũi…
Niềm vui, sự tự tin sau mỗi lần phẫu thuật, thấy mình đẹp hơn là một chất xúc tác khiến chị em lại nảy sinh ham muốn khiến mình đẹp hơn nữa, hơn thế nữa, phải tìm cho ra điểm xấu khác để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện nhan sắc… Cứ thế mà trở thành nghiện lúc nào không hay.
Ranh giới giữa ham muốn làm đẹp và “nghiện” làm đẹp đôi khi cũng khá mong manh, và phẫu thuật thẩm mỹ như một con dao hai lưỡi, nó có thể khiến chị em trở nên đẹp đẽ, hoàn thiện hơn, nhưng nếu không biết điểm dừng, hoặc làm đẹp bất chấp an toàn, nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc, khiến chị em nhận kết cục xấu dù đã tiêu tốn biết bao tiền bạc và thời gian.
Theo các chuyên gia về sức khỏe và làm đẹp, có hai điểm mà chị em phụ nữ cần lưu ý trước khi phẫu thuật thẩm mỹ để tân trang nhan sắc.
Thứ nhất, là sự cân nhắc có thực sự cần thiết phải phẫu thuật thẩm mỹ hay không? Sự can thiệp bằng dao kéo vào cơ thể nên là lựa chọn sau cùng, một khi những biện pháp khác như chế độ dinh dưỡng, tập luyện… không đem lại tác dụng.
Cạnh đó, việc sử dụng dao kéo làm đẹp luôn để ngỏ những rủi ro không lường trước. Hiện, trên thị trường có rất nhiều cơ sở, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ quảng cáo những công nghệ đem lại những hiệu quả thần kì với hàng trăm mức giá khác nhau. Trên thực tế, không ít chị em đã “tiền mất tật mang”, thậm chí bị biến chứng khi đang phẫu thuật, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, để lại di chứng cả đời.
Thế nên, khi lựa chọn dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, chị em nên có sự tỉnh táo, lựa chọn nơi uy tín, được cấp phép đàng hoàng. Đặc biệt cần tránh những cơ sở, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ “chui” hoặc không có chức năng tiến hành các cuộc phẫu thuật, bởi một khi sự cố xảy ra trong quá trình phẫu thuật, không kịp thời tiến hành cấp cứu, xử lý một cách chuyên nghiệp, rất có thể cuộc làm đẹp của chị em sẽ đem đến tai họa khó lường, muốn làm để đẹp nhưng lại mất cả nhan sắc trời sinh…
–
- #biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ
- #ca phẫu thuật
- #Di chứng phẫu thuật
- #làm đẹp bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ
- #nghi án phẫu thuật
- #nghiện phẫu thuật thẩm mỹ
- #phẫu thuật miễn phí
TIN LIÊN QUAN
‘Mỹ nhân có đôi chân đẹp nhất xứ Hàn’ tụt hạng nhan sắc vì phẫu thuật thẩm mỹ
3 mỹ nhân Việt không phủ nhận phẫu thuật thẩm mỹ
5 biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ đáng sợ nhất năm 2015
Nguồn: SaoStar
Chưa có bình luận.