Thưởng tiền hay quà vật chất cho trẻ khi đạt điểm tốt là cách phản tác dụng, các nhà tâm lý giáo dục cảnh báo.
“Hơn 40 năm nghiên cứu cho thấy phần thưởng bên ngoài làm giảm động lực bên trong. Nói cách khác, học sinh sẽ ít có khả năng phát hiện ra niềm đam mê của mình với môn học nếu mục tiêu chỉ là đạt được điểm tốt để nhận được vài tờ tiền”, Amy McCready, chuyên gia giáo dục và người sáng lập trang Positive Parenting Solutions cho biết.
Nghiên cứu của Hiệp hội giáo dục quốc gia, Đại học Stanford thực hiện cho thấy rõ điều này. Các nhà nghiên cứu chia những trẻ tuổi mầm non thành hai nhóm: Một nhóm sẽ được nhận những ngôi sao vàng cho các hình vẽ và một nhóm không. Cả hai nhóm đều vẽ rất nhiệt tình trong lần đầu nhưng khi được yêu cầu vẽ lại – mà không có phần thưởng – nhóm có ngôi sao vàng vẽ vội vàng, chỉ trong nửa số thời gian so với trước. Có vẻ như những trẻ này không còn hứng thú với nhiệm vụ khi chúng không nhận được phần thưởng gì.
Ảnh minh họa: Drmommychronicles. |
Nhà tâm lý Amy nhấn mạnh, điều quan trọng nữa là cần nhận ra rằng thưởng cho điểm tốt sẽ chỉ nuôi dưỡng sự đòi hỏi của trẻ và bé sẽ luôn mặc cả kiểu: “Con làm thế thì được gì?”. Thay vì thế, bố mẹ nên hướng tới mục tiêu làm sao cho trẻ tập trung và nỗ lực hết sức vào việc mình làm chứ không phải là mình được thưởng thứ gì.
Thay vì thưởng vật chất, nhà tâm lý gợi ý kế hoạch 4 bước dưới đây để giúp trẻ học giỏi ở trường:
1. Nhấn mạnh hành động chứ không phải điểm số
Thay vì điểm cao nên chú ý tới các hành vi và thái độ sẽ giúp trẻ dễ đạt thành công. Khen ngợi con vì những cố gắng của bé khi bạn thấy con chăm học. Chẳng hạn, nếu con gái bạn đạt được điểm tốt môn hóa, hãy nhắc về mối liên hệ điểm số đó với sự nỗ lực bé đã bỏ ra. Bằng cách tập trung vào hành động hơn là điểm số, bạn sẽ nuôi dưỡng khát khao được thành công của trẻ và bé không phải phụ thuộc vào những phần thưởng bên ngoài (như tiền, đồ) để có động lực cố gắng.
2. Thực hành thói quen “khi – thì”
Để giúp con xây dựng các thói quen tốt, hãy áp dụng cách này để thể hiện sự mong đợi của bạn với những việc cần làm trong gia đình. “Khi con làm bài tập xong (mẹ sẽ kiểm tra) thì con có thể chơi trò chơi”. Hãy kiên định với điều này và trẻ sẽ nhận ra chẳng có điều gì cần tranh cãi về bài tập về nhà.
3. Trợ giúp nhưng không làm thay
Thật khó để ngó lơ khi con mình đang đánh vật với những bài khó. Nhưng đừng giúp con quá nhiều. Bạn nên nói với con những điều như: “Mẹ sẵn sàng giúp con làm bài tập trong khoảng 6 đến 8h tối (để trẻ biết lên kế hoạch mỗi tối và không kéo dài tới 10h) nhưng chỉ sau khi con đã thử đủ cách”.
4. Áp dụng “chính sách không lý do” một cách kiên định
Nếu con bạn hay quên hoặc luôn đòi mẹ làm hộ, đã đến lúc cần để bé tự chịu trách nhiệm. Nói với trẻ (từ lớp một trở lên) rằng con đã lớn và đủ tuổi để nhớ những thứ con cần khi đi học, chơi thể thao hay tham gia các hoạt động khác. Để con biết rằng từ nay, mẹ sẽ không thể quay về nhà mang vở bài tập, hộp cơm, đồ dùng học tập… nếu con quên và trẻ phải tự tìm giải pháp hay gánh hậu quả.
Vương Linh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.