Thứ Năm, 15/09/2016 | 15:31

Anh là một người tài giỏi. Mọi thất bại của anh chỉ đơn giản vì ra ngõ gặp phải mụ đàn bà ám vía…

Đức hằm hằm bước về nhà, khuôn mặt anh đằng đằng dằn dữ, đập bàn đá ghế, miệng càu nhàu: “Đúng là loại đàn bà như mụ Hoa thì chỉ đen đủi cho người khác, không có chồng là phải. Tại sao em cứ nhờ cô ta mua đồ ăn sáng nên anh vừa ra ngõ mới gặp mụ ta vào, phải vía nên đen thế”. Chị Ngọc thấy chồng như vậy là thầm hiểu rằng anh lại xui xẻo ở công sở.

Mọi thất bại đều tại đàn bà?

Ảnh minh họa

Đây không phải lần đầu tiên chị nghe thấy chồng than phiền về chuyện “ra ngõ gặp gái”. Khi mới lấy nhau, chị đã kinh ngạc, vỡ mộng về sự chua ngoa của chồng. Nhưng có nhắc nhở thì không khí gia đình chỉ thêm ngột ngạt, chị đành giả điếc không nghe. Lần nào việc không “trôi”, anh lại ca bài: “Sáng nay mình ra ngõ chân phải mà, thế mình gặp mụ đàn bà nào nhỉ… À, hình như mình gặp bà bán cá đi qua, tanh tưởi, tút mút”. Kệ anh mắng người này kẻ kia không quen biết nhưng nghe anh nói xấu Hoa thì chị không chịu nổi. Hoa là người đàn bà quá lứa, ngoại hình khiêm tốn nhưng lại rất thật tâm giúp đỡ khi chị nhờ vả.

Vậy mà không riêng chồng chị, nhiều người trong khu phố đều hay xì xầm: “Mụ Hoa đúng là nặng vía, sáng mà gặp mụ thì y như cả ngày hỏng hết việc”. Người đàn bà ấy đã cô đơn, tủi phận lại càng lầm lũi. Vài lần có người mai mối cho cô. Nhưng lần nào thiên hạ cũng xì xèo: “Lấy người đàn bà nặng vía đó thì ám cả đời”. Chồng Ngọc thì không bao giờ thích Hoa sang chơi. Thấy Hoa là mặt anh nặng nhẹ đi nơi khác. Khi Ngọc sinh con, hai bên gia đình đều ở xa, Hoa nhiệt tình sang giúp đỡ thì lại bị anh coi rẻ. Anh nói với Ngọc: Người đàn bà nặng vía đó động vào con mình nên nó mới hay khóc thế chứ!

Không chỉ mắng mụ này, mụ kia, anh còn “đề phòng” cả với chuyện ra ngõ gặp… vợ. Có lần anh hẹn khách hàng lớn. Ngay tối hôm trước, trong bữa cơm anh đã dặn vợ con: “Mai anh có cuộc hẹn quan trọng, thắng vụ này thì cho hai mẹ đi du lịch một chuyến. Sáng mai anh sẽ ra khỏi nhà lúc 7h3 phút, em nhớ đi chợ muộn hơn tránh đừng để anh thấy ở cổng nhé, gặp gái không may. Sáng mai cu Bi dậy sớm, ra cổng đứng, để bước chân ra, ba gặp con là điềm may”.

Lần đó anh trúng thật, cả nhà được bữa vui vẻ. Từ đó lần nào phải làm việc quan trọng là anh lại bảo cu Bi ra ngõ đứng đợi trước. Suôn sẻ thì anh hồ hởi: “Đúng là con trai yêu của bố”. Lần nào xui xẻo anh đổ lỗi: “Cu Bi đứng đó nhưng lại tại cái mụ bán mắm cũng vừa đi qua bên kia đường”.

Có lần thì anh nói: “Cu Bi đừng chơi nhiều với con bé Mi bên hàng xóm nữa nhé. Sáng nay ba vừa dắt xe, cu Bi đứng cổng. Nhìn thấy cu Bi, con bé Mi từ lầu nhà nó chạy ra, xô vào xe ba, thế là thành ra ra ngõ gặp nó còn gì. Ám kinh khủng!”. Có lúc anh còn thì thầm hay tại ba con bé Mi ghen với nhà mình nên xui con ra chặn ngõ. Vì thế mối quan hệ láng giềng ngày càng lạnh lùng. Ngọc thì càng cảm thấy chồng u mê, yếu đuối, vô tình, xem thường cả vợ…

Đôi khi kể lể với bạn bè thì Ngọc còn bị quạt lại: “Ngày cưới, tao bảo mi phải lấy áo mình choàng đè lên áo chồng, khi vào phòng tân hôn phải lừa để đạp lên bóng nó thì không nghe”. Ngọc chỉ biết lắc đầu, không hiểu sao chồng lại tin mê muội, bạn bè khuyên mình cũng bằng niềm tin ngây ngô…

Chuyện xưa bao giờ mới cũ

Trên các diễn đàn thì chủ đề “ra ngõ gặp gái”, đạp bóng chồng được thảo luận khá nhiều. Người thì vốn không tin nhưng ngẫu nhiên có lần gặp xui vì chạm ngõ gặp đàn bà thế là cứ lấn cấn nửa tin nửa không. Người tin thì cũng không giải thích được vì sao chỉ biết rằng các cụ đã quan niệm thế nên niềm tin được “nối dõi”. Người thì một mực khẳng định là đó là quan niệm phi lý, ác ý với phụ nữ. Cũng chưa có một căn cứ khoa học nào tin cậy khẳng định điều đó là đúng, chưa một ai chứng minh “các cụ” nói thế là đúng.

Theo nhiều người thì chuyện đổ lỗi cho phụ nữ xuất phát từ việc kiêng vía và quan điểm “trọng nam khinh nữ” thời phong kiến. Đàn ông ba hồn, bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Vía đàn bà nặng hơn, hướng âm nên không vượng, tạo cảm giác u ám, không sáng. Phụ nữ bấy giờ bị cho rằng không thể quyết định việc gì, nhất nhất phải theo nam giới và cơ thể phụ nữ không sạch như nam giới. Do đó gặp đàn bà thì khởi đầu không tốt, không sáng.

Bên cạnh đó, tâm lý người Việt lại nghĩ tới chữ “dớp” nghĩa là điềm báo đầu là dấu hiệu chung cho cả quá trình. Chuyện gặp gái đầu ngõ liên quan tới may rủi. Còn chuyện đạp bóng chồng như sự liên tưởng từ giữ được bóng sẽ giữ được người thật. Vì đàn bà luôn bị xem là yếu thế hơn chồng nên mới “vụng trộm” bắt tù thần sắc chồng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Minh (Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người) thì “Người tin vào may rủi là do lười suy nghĩ, muốn ăn sẵn…”. Quan niệm xui may, ám vía khi gặp một người đàn bà, bà bầu cũng chỉ là quan niệm cá nhân không có cơ sở khoa học. Theo ông Minh thì “tập hợp các ngẫu nhiên sẽ thành tất nhiên”. Bởi vậy chuyện người đàn bà tên Hoa ở trên bị nhiều người cho là vía xui xẻo có thể do nhiều người gặp cô vào đúng khi họ thất bại. Chính vì cái vẻ ngoài không sáng của cô khiến người đối diện kém vui và tạo thành thành kiến.

Quan niệm ra ngõ gặp gái, gặp bà bầu, đạp bóng chồng… chứng tỏ tâm lý con người đổ lỗi cho đối tượng ngoài bản thân mình và tìm một dấu hiệu tạm hướng dẫn. Niềm tin được nhân lên khi họ ngẫu nhiên thấy câu nói đó đúng. Nhưng thực chất, chính vì tin nên khi gặp gái hay bà bầu thì họ đã tự làm ức chế tinh thần, tự gây sự bất an cho mình. Khi gặp cậu bé trai ngoài ngõ thì tự ta đã cho là điềm lành mà vui vẻ, phấn chấn, tự tin nên công việc trôi chảy.

Nhiều người không tin lắm nhưng vì quan niệm “có kiêng có lành” nên cứ nương theo. Song cũng không ít người kêu ca rằng ra ngõ gặp trai mà vẫn xui, đạp bóng chồng rồi mà vẫn bị nhừ đòn. Thử tưởng tượng, bây giờ ai đó mạnh dạn thay đổi lời “ra ngõ gặp trai” thì vài chục năm nữa con cháu chúng ta nghĩ gì? Thử nghĩ xem, thời chế độ mẫu hệ, đàn ông có đạp bóng vợ?

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook