Nhiều bà mẹ trẻ hốt hoảng khi thấy sữa lẫn máu nhưng nguyên nhân đôi khi do các viêm nhiễm, tác động ngoại lực mà bạn có thể phòng tránh.
Máu trong các chất dịch tiết của cơ thể đều biểu thị sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Với sữa mẹ khi có máu lẫn trong sữa cũng không nên chủ quan. Chị Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) tá hỏa khi phát hiện sữa dành cho con bú có lẫn máu. Ban đầu chỉ là những vết lờ mờ lẫn trong sữa nhưng sau 2-3 ngày các vết máu nhiều hơn, thậm chí có khu vực sữa chuyển thành màu hơi nâu đỏ. Khi mới có hiện tượng này, chị Thúy cũng không hề hay biết, đến khi sữa đổi màu mới tá hỏa đi khám.
Bà mẹ trẻ cần lưu ý tình trạng nứt cổ gà đầu vú.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chị Thúy bị vấn đề nứtcổ gà ở núm vú. Khi vắt sữa sai kỹ thuật, bé nắm bắt vú không đúng cách cũng gây ra tình trạng viêm nhiễm ở đầu núm vú. “Con tôi thường cắn vú mẹ nên vết thương cứ tái đi tái lại, tôi đang điều trị nhưng vẫn phải cố gắng vắt sữa bằng máy cho con, cho nên vết thương lâu lành hơn. Khi thấy hiện tượng như vậy, tôi tạm dừng cho con ăn sữa mẹ, cho cháu ăn sữa ngoài tạm thời để điều trị dứt điểm”, chị Thúy nói.
Còn trường hợp của chị Lan Anh có núm vú dẹt nên con của chị rất khó khăn khi ngậm núm vú. Mỗi lần như vậy, núm vú không lọt ra ngoài, bé bú không được sữa hoặc thậm chí ngậm không đúng núm dù cố gắng xoay trở. Thương con chị Lan Anh áp dụng một số bài tập núm vú để tránh tình trạng vú dẹt. Nhưng do quá trình tập luyện, va chạm ảnh hưởng đến các mao mạch lại gây đau nhức.
“Nhìn thấy máu trong sữa tôi cũng hốt hoảng, nhưng nguyên nhân là do các mô núm vú bị tác động mạnh khi tập dẫn đến mao mạch bị ảnh hưởng”, chị Lan Anh nói.
Bác sĩ nói gì?
Máu lẫn trong sữa là điều mà các bà mẹ cần lưu tâm. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nên tình trạng này không phải lúc nào cũng nguy hiểm như bạn nghĩ. Bác sĩ Lê Hà (Chuyên khoa Nhi Sơ Sinh) cho biết, máu lẫn trong sữa là do các nguyên nhân như núm vú bị nứt cổ gà, ứ máu ở phần mao mạch hay vỡ mao mạch.
“Nứt cổ gà là điều không còn lạ. Nhiều bà mẹ không chăm sóc kỹ phần núm vú, giữ vệ sinh kém nên có tình trạng viêm nhiễm. Hoặc cũng có thể do lượng máu ở vú và ống dẫn sữa tăng lên, bởi sự phát triển và tăng nhanh của tế bào tiết sữa. Nếu bị chảy máu ở trường hợp này cũng sẽ hết nhanh nếu kéo dài cần phải lưu ý và đi khám”, bác sĩ Hà Nói.
Mặt khác, các bài tập của chị em để chữa núm vú dẹt hay núm vú vào trong cũng là nguyên nhân gây nên máu rỉ ra. “Sự tác động ngoại lực bên ngoài lên núm vú dù mạnh hay nhẹ do tay hay máy vắt sữa đều có thể khiến cho các tế bào xung quanh vú bị tổn thương”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Với các bà mẹ gặp phải tình huống này phải hết sức bình tĩnh, không quá lo lắng. Nếu lượng máu lẫn vào sữa nhiều cần phải đi khám bác sĩ để nhận được tư vấn các giải pháp kịp thời. Còn nếu lượng máu lẫn vào ít, bạn vẫn có thể cho trẻ bú nhưng phải hết sức nhẹ nhàng. Bởi lượng máu nhỏ như vậy đi vào cơ thể trẻ sẽ không ảnh hưởng gì và được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Nhưng cần tránh
Ngoài ra, bạn cần tránh các động tác mạnh khi vắt sữa, dừng việc tập luyện núm vú khi có triệu chứng máu lẫn sữa. Nếu máu rỉ ra kèm dấu hiệu đau ở núm vúthì dừng việc hút sữa hay cho bé bú trong 1-2 ngày để đảm bảo núm vú hồi phục.
Các bà mẹ trẻ phải lưu ý việc vệ sinh núm vú. Sau khi cho trẻ bú cần dùng khăn sạch để lau xung quanh núm vú, dùng nước ấm và sạch rửa để không bị viêm nhiễm. Có thể dùng xà phòng sát khuẩn, có mùi nhẹ để rửa núm vú, không dùng kem có mùi hắc hay rượu để rửa. Mẹ nên đến bác sĩ nếu núm vú bị nứt vẫn còn đau đớn và chảy máu sau 24 giờ, hoặc nếu mẹ bị sốt, viêm, chảy mủ, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở và dẫn đến nhiễm trùng vú.
Vũ Minh
(Theo Congluan)
Chưa có bình luận.