Thứ Tư, 17/02/2016 | 11:30

Chưa kịp tìm hiểu, chưa chuẩn bị kĩ càng cho cuộc sống gia đình, họ-những người trẻ thành vợ chồng chẳng có gì ngoài hành trang là sự si mê lẫn nhau.

Đến khi khó khăn, sợi dây tình cảm gắn kết hai vợ chồng không đủ mạnh để giúp họ vượt qua hoàn cảnh và “ly hôn xanh” là kết cục không tránh khỏi.

Chỉ yêu thôi, liệu có đủ?

Mới “góp gạo thổi cơm chung” được hơn nửa năm, Thanh Loan và Thành Nhân (Quận 3, Tp.HCM) đã dắt nhau ra tòa ly dị với lí do không hợp. Loan kể, vừa mới hết tuần trăng mật nhưng cô đã có ý định chia tay chồng vì những thói quen sinh hoạt cá nhân bừa bãi của Nhân. Đi làm về, Nhân cứ bạ đâu quăng đồ đó rồi gác chân ngồi lướt web, chẳng giúp đỡ vợ được gì. “Kinh khủng” hơn, ba ngày Nhân mới tắm một lần, trong khi Loan thì không chịu được bẩn. Từ chuyện vệ sinh thân thể rồi chuyện phân chia làm việc nhà, hai vợ chồng son cứ “mặt nặng mày nhẹ” suốt ngày không ai chịu ai.

Trong khi đó, Nhân cũng có lí do “thuyết phục” không kém: “Cô ấy chỉ nấu ăn những món mình thích còn không quan tâm xem chồng muốn gì. Nhà bố mẹ chồng cách có 30 phút đi xe nhưng mấy tuần không chịu về, mỗi lần bảo gọi điện hỏi thăm thì tỏ vẻ khó chịu. Đã là vợ thì phải lo việc nội trợ, đằng này cô ấy cứ rạch ròi phân chia. Chừng đó việc nhỏ không làm được thì sau này có con làm sao cô ấy lo nổi?”

Cán bộ hoà giải khuyên họ nên suy nghĩ lại, vì đó không phải là những lí do quá lớn để ly hôn nhưng cả Loan và Nhân đều nhất quyết chia tay.

Ly hôn xanh: Làm sao để tránh?

Ảnh minh họa

Còn chuyện tình của Minh Thư và Sĩ Hùng (Bình Chánh, Tp.HCM) lại kết thúc bởi những lí do khác. Thư là sinh viên một trường Đại học có tiếng ở Tp.HCM, trong một lần đi dã ngoại, Thư trúng “tiếng sét ái tình” với Hùng, đang là nhân viên pha chế một quán cà phê. Ngay từ khi biết chuyện, bố mẹ cô đã hết sức phản đối, phần vì Thư chưa ra trường, phần vì Hùng không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng càng bị cấm đoán, đôi trẻ lại càng quấn quýt nhau hơn. Để bố mẹ đồng ý, Thư còn quyết định có thai để đẩy hai nhà vào “sự đã rồi”. Hai người thuê nhà sống với nhau, tự đi đăng ký kết hôn và tuyên bố “sẽ tự nuôi nhau, không cần bố mẹ phải lo lắng”.

Nhưng giấc mơ tình yêu chỉ kéo dài được nửa năm, Thư phải bỏ học để sinh con. Đồng lương của Hùng chỉ đủ trang trải tiền nhà, tiền ăn uống, trong khi còn biết bao nhiêu chi phí để trang trải. Tình yêu màu hồng tan biến và hai người cứ nhìn thấy nhau là cãi cọ, chửi mắng nhau thậm tệ. Cuối cùng, Thư quyết định ly hôn, một mình ôm con về xin bố mẹ tha thứ.

Khác hoàn toàn với Thư, Tuyết Nhung sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ làm ăn buôn bán, tiền tiêu chẳng hết. Mới 19 tuổi, cô lấy chồng, cũng là một thiếu gia có tiếng. Hai vợ chồng được bố mẹ mua cho căn hộ chung cư cao cấp không thiếu thứ gì. Nhưng lấy vợ được một năm, chồng Nhung lại quay về với các cuộc nhậu nhẹt, đàn đúm thâu đêm ở nhà hàng, quán bar. Giận dỗi, Nhung bỏ về nhà bố mẹ đẻ, cũng là lúc cô phát hiện mình mang bầu. Hai tháng mà chồng cô cũng không thèm đến để xin lỗi, đón vợ về. Hôn nhân vừa bắt đầu đã có dấu hiệu tan rã.

Thừa tình yêu, thiếu kỹ năng

Ly hôn xanh là khái niệm chỉ những cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn, kết thúc nhanh sau đám cưới khi cả vợ lẫn chồng còn đang rất trẻ.

Theo TS tâm lý Đinh Đoàn, tỉ lệ “ly hôn xanh” tăng nhanh trong những năm qua. Điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn.

Còn theo các chuyên gia tâm lý khác, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ, thứ nhất là do đến với nhau quá vội vã, mới chỉ rung động, có xúc cảm chứ chưa phải tình yêu.. Thứ hai là cái tôi cá nhân quá lớn, mỗi khi mâu thuẫn, không ai chịu đặt mình vào vị trí người khác để hiểu và thương nên chỉ nhìn thấy điểm xấu của đối phương.

Ly hôn xanh ngày nay thậm chí còn diễn ra khá phổ biến ở những người đã có thừa độ tuổi được phép kết hôn và trưởng thành một cách đúng nghĩa về kinh nghiệm sống. Và trên những nẻo đường rạn nứt của hôn nhân, đôi khi còn có cả bi kịch của sự hoàn hảo, khi sự hoàn hảo sẽ có lúc khiến người ta cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng phải sống gồng lên vì ánh mắt ngưỡng mộ của người khác.

Ly hôn là một cách giải thoát khi cuộc hôn nhân lâm vào bế tắc, tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều cuộc hôn nhân đáng lẽ ra có thể được cứu vãn vì mâu thuẫn chưa tới mức cực điểm, nếu không muốn nói là quá bình thường. Hơn nữa, khi đã chia tay, nhưng phương pháp chung sống không thay đổi và không có kỹ năng hàn gắn khi xảy ra xung đột, thì có gì đảm bảo bạn sẽ không đi vào vết xe đổ?

Vậy nên, nếu có thể, hãy cố gắng hết mức để hàn gắn. Hãy để cho đối phương và cả bản thân mình có thời gian suy nghĩ, chiêm nghiệm lại. Hãy tập tha thứ. Khi con người biết ân hận và cảm động trước sự rộng lượng, họ có thể làm tất cả để đáp lại. Còn nếu đã nỗ lực đến cạn sức mà tình hình vẫn không thay đổi, lúc đó hãy tính đến chuyện đường ai nấy đi.

Để tránh bi kịch ly hôn xanh, đối với người trẻ, một trong những điều kiện tiên quyết để đi đến hôn nhân là hai bạn trẻ phải độc lập về tài chính, có công ăn việc làm ổn định. Lao động không chỉ để kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống chung mà còn là môi trường rèn luyện để mỗi người lớn lên, có nhân cách, đạo đức, biết cư xử.

Tình yêu thường làm “mù” phương hướng, thường xoa dịu mâu thuẫn nên bạn trẻ hay ảo tưởng mâu thuẫn đã được giải quyết khi làm lành bằng hoa tươi, nến thơm. Nhưng sự thực, các rắc rối nhỏ sẽ tích tụ thành mâu thuẫn lớn và bùng nổ, tàn phá tình yêu và cuộc sống của mỗi người nếu như chúng ta không có kỹ năng giải quyết.

Việc sống độc lập, đồng cam cộng khổ trong cuộc sống cả về tinh thần cũng như vật chất sẽ giúp bạn trẻ hiểu được hôn nhân là gì. Nếu không vươn lên, không tự lập, không đoàn kết nhất trí, quá ỷ lại vào bố mẹ… họ sẽ thất bại.

Hiểu Đan

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook