Chắc bạn sẽ không bao giờ hét vào mặt sếp hay nhân viên siêu thị, vậy sao lại làm thế với người bạn yêu nhất?
Bài viết dưới đây của Troy Stoneking, một nhà văn, nhà diễn thuyết, chuyên gia đào tạo doanh nhân và phát triển nghề nghiệp tại Mỹ, chia sẻ về lý do và những cách giúp ông không bao giờ cãi nhau với vợ suốt 25 năm chung sống.
Tôi chưa bao giờ cãi nhau với vợ. Không bao giờ. Và bạn cũng nên như vậy.
Với những gì từng đọc trong sách vở, nghe từ chuyên gia tư vấn hay nhìn các đôi ứng xử, nhiều người tin rằng cãi nhau là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân. Thực ra không phải vậy. Bạn có thể có một cuộc sống vợ chồng tươi đẹp, lành mạnh và hạnh phúc mà không có trận cãi vã nào.
Bố mẹ tôi từng tranh cãi kịch liệt suốt phần lớn tuổi thơ tôi. Trước ngày sinh nhật lần thứ 12 của tôi, mẹ bỏ đi và họ ly dị nhau. Tôi không trách ai cả – cũng như tất cả chúng ta, mỗi người họ đều có vấn đề riêng của mình. Nhưng dù như vậy, đó vẫn là nỗi đau lớn nhất tôi phải chịu đựng. Tôi đã thề rằng mình sẽ không bao giờ khiến vợ, con phải trải qua những điều như thế.
Tôi biết nhiều người cảm thấy hầu như đôi vợ chồng nào cũng từng có lần cãi nhau. Hầu hết là vậy nhưng không phải tất cả. Dù con số này rất nhỏ nhưng chúng tôi mong bạn sẽ nằm trong số đó, cùng tôi. Khi ấy, bạn sẽ tận hưởng nhiều niềm vui và tránh được nhiều chuyện đau đầu.
Cần nhấn mạnh rằng tôi và vợ không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau về mọi việc. Chúng tôi thống nhất với nhau khoảng trên 90% thời gian nhưng vẫn có ngoại lệ. Trong các trường hợp đó, chúng tôi trò chuyện (không la hét hay tức giận) về sự việc và đưa ra quyết định. Việc đó thực sự khá đơn giản. Hãy để tôi nói cho bạn nghe tại sao (và bằng cách nào) tôi không bao giờ cãi nhau với vợ mình.
Ảnh minh họa: Huffingtonpost. |
Cãi nhau cho thấy sự thiếu chín chắn
Bạn thử nhớ xem, khi trẻ con không có được thứ mình muốn, chúng thường kêu gào, khóc và nói những điều tệ hại. Để tôi hỏi bạn mấy câu này: Bạn có hét vào mặt sếp mình không? Bạn có gào lên với nhân viên thu ngân ở siêu thị khi thanh toán chậm không? Chắc là không. Bạn đối xử với họ bằng sự tôn trọng.
Vậy người bạn yêu nhất thì cũng nên là người đáng được bạn tôn trọng nhất chứ? Đừng bỏ lại tất cả những sự tử tế với xã hội của mình khi bước về nhà. Tôi vẫn nói “giúp anh nhé” và “cảm ơn em” với vợ khi nàng làm bất cứ điều gì cho tôi. Bạn là một người đàn ông chứ không phải một đứa trẻ. Bạn hãy chọn thể hiện sự tử tế với vợ chứ không phải sự ích kỷ của bản thân.
Cãi nhau không giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo thêm rắc rối
Các bạn cãi nhau về điều gì? Tiền, cách nuôi dạy con, việc ai thay giấy trong nhà vệ sinh? Tranh cãi không khiến những vấn đề khá hơn, nó chỉ xoay quanh các chủ đề này với cảm giác tổn thương, sự bực bội. Khi cơn giận bùng lên, nó không giúp ích gì mà chỉ khiến vấn đề tệ hơn nhiều.
Đây là điều mà một số nhà tư vấn có thể nghĩ khi đọc bài viết của tôi: “Hôn nhân của anh này có vấn đề. Tất cả những cảm xúc bị dồn nén sẽ có lúc bùng nổ ở cấp độ mạnh hơn”. Điều này không đúng. Tôi và vợ đã kết hôn 25 năm và hầu như chưa từng cãi nhau bao giờ. Chúng tôi luôn hạnh phúc và không ấm ức gì.
Nhưng gia đình bạn khác nhà tôi? Tất nhiên. Cách bạn đối xử với bạn đời thể hiện việc liệu bạn quan tâm nhiều hơn đến bản thân hay tới cô ấy. Trò chuyện với nhau thật nhiều, luôn tử tế và sẵn sàng cho đi, một cách dịu dàng – đó chính là chìa khóa.
Tôi yêu vợ
Tôi không hoàn hảo. Cũng có lúc tôi cảm thấy bực bội. Nhưng tôi biết cách để gạt cảm xúc đó đi. Tôi là một người đàn ông theo đạo. Cầu nguyện giúp tôi buông bỏ những cảm xúc tiêu cực.
Hơn nữa, tôi không thể để bản thân đối xử tệ hại với vợ. Đây là người phụ nữ quý giá nhất với tôi trên trái đất này. Tôi sẽ lớn tiếng với cô ấy ư? Tôi sẽ truyền sự sợ hãi của mình vào trái tim cô ấy bằng cách bùng nổ cơn giận dữ? Không. Tôi thể hiện tình yêu với cô ấy bằng cách làm bất cứ điều gì tôi có thể để đáp ứng mong đợi của vợ về người chồng. Vợ bạn nhìn thấy cả những điều tốt nhất và tệ nhất của bạn. Nếu bạn luôn khiến vợ nhớ mình yêu cô ấy nhiều thế nào, những điều xấu của bạn sẽ mờ đi còn điều tốt sẽ rõ nét hơn.
Tôi là một tấm gương
Chúng tôi có hai con, đều là trai. Hiện các con đều lớn và cậu út đã có vợ. Suốt thời thơ ấu, các con sống trong mái nhà mà bố mẹ luôn yêu thương nhau. Chúng biết có những thời điểm kinh tế khó khăn, vợ chồng tôi chẳng có được mọi thứ mình muốn nhưng các con không bao giờ phải lo lắng về mối quan hệ của bố mẹ mình. Các con không bao giờ phải sống với nỗi sợ hãi rằng có ngày bố mẹ sẽ bỏ nhau. Tôi và vợ là tấm gương cho các con noi theo và đó không phải là một điều tình cờ. Chúng tôi đã cố gắng làm vậy.
Nếu bạn là một người đàn ông có vợ, bạn cũng là một tấm gương, cho con cái nếu bạn đã có con, cho những đôi khác và cho cả xã hội nữa. Hãy là một người mà những người đàn ông khác đều muốn học tập theo. Hãy luôn dành những lời khen ngợi cho vợ, cả về vẻ bề ngoài lẫn nét đẹp nội tâm của cô ấy. Hãy nói cho những người khác biết bạn yêu vợ nhiều thế nào. Hãy để những người sắp cưới nhìn thấy hôn nhân không phải là địa ngục của tình yêu.
Tôi quá hoàn thiện? Không. Hôn nhân của chúng tôi quá hoàn hảo? Không nốt. Chúng tôi thi thoảng vẫn bất đồng? Chắc chắn. Nhưng chúng tôi không cãi nhau. Bạn thì sao? Có thể đã đến lúc để thay đổi, từ việc cãi vã thành tình yêu thương. Nếu chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, không cãi vã, thì bạn cũng có thể. Hãy bắt đầu bằng việc yêu thương bạn đời nhiều hơn.
Vương Linh (Theo Huffingtonpost)
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.