Làm sao bắt chuyện với bạn gái, làm thế nào để hấp dẫn người khác phái… là nội dung nhiều sinh viên Trung Quốc phải học để “chống ế”.
Môn học chính mà giảng viên Trung Quốc Xie Shu dạy tại trường là ý thức hệ cộng sản nhưng anh lại mới kiêm thêm một môn mới: nghệ thuật quyến rũ. Khóa học “Lý thuyết và thực hành yêu đương” của anh tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) bao gồm các bài giảng về những kỹ thuật làm quen, tự giới thiệu và làm thế nào để hấp dẫn người khác phái.
“Nên phản ứng thế nào khi bị từ chối”, giảng viên Xie hỏi các học viên trẻ của mình trong một buổi giảng bài tại một quán cà phê gần trường. “Rõ ràng, đừng vội ném những bông hồng bạn đã mua vào cô ấy, cứ bình tĩnh”, anh nói. Thiên Tân là trường đại học đầu tiên ở Trung Quốc tích hợp khóa học kiểu này vào thời khóa biểu cho sinh viên.
Nó cũng cho thấy mối lo ngại gia tăng của xã hội về lớp trẻ khi nhiều thanh niên lớn lên được bao bọc quá mức như “những ông hoàng bà chúa nhỏ” vì là con một. “Thế hệ con một thường thiếu kỹ năng xây dựng mối quan hệ với người cùng lứa. Nếu một cậu bé có chị gái, khi lớn lên cậu ta sẽ có kỹ năng tương tác tốt hơn với người khác phái”, nhà tình dục học nổi tiếng của Trung Quốc Li Yinhe nói với AFP.
Tại quán cà phê, giảng viên Xie trình bày các nội dung mà nam sinh cần, như “nâng cấp vẻ ngoài” bằng cách tránh mặc áo ba lỗ và quần soóc dài và không nên hỏi các cô gái những câu như thể cảnh sát đang điều tra tội phạm.
“Hãy lịch thiệp, cư xử ga lăng với bạn gái nhưng đừng quá hạ mình”, thầy Xie khuyên sinh viên.
Với các học viên nữ, anh khuyên nên dịu dàng vuốt tóc và nhìn vào mắt các chàng trai dù có cảm thấy ngại ngùng thế nào. Zijun Qian, 23 tuổi, chưa từng có mối tình vắt vai, chăm chỉ gõ những lời khuyên của thầy vào máy tính xách tay.
Tuy nhiên giảng viên Xie thừa nhận anh vẫn chưa có vợ hay bạn gái. “Điều này thật xấu hổ”, anh nói.Thái độ bảo thủ của bố mẹ cộng với việc không có thời gian hẹn hò khi ở trung học vì phải “cày” cật lực để vượt qua kỳ thi đại học là lý do khiến nhiều sinh viên chưa biết yêu là gì. Các phụ huynh thường sợ chuyện yêu khiến con sao nhãng học hành nên cố ngăn cản. Tuy nhiên, ngay khi tốt nghiệp đại học, các thanh niên lại bị gia đình hối thúc kết hôn. Các cô gái tới 27 tuổi hay chàng trai tới 30 tuổi mà vẫn còn độc thân chịu nhiều áp lực và sự chế nhạo.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh từ năm 2000 đến năm 2015, nhưng lứa tuổi quan hệ tình dục lần đầu giảm rất ít, từ 22,7 tuổi xuống 22 tuổi, theo nghiên cứu từ viện tình dục học tại Đại học Renmin (Bắc Kinh, Trung Quốc).
“Người Trung Quốc rất dè dặt. Điều này giải thích cho việc các sinh viên thường khá nhiệt tình khi bắt đầu một mối quan hệ, nhưng sau đó lại chẳng biết tiếp tục thế nào”, Cang Jingnuan, một tác giả viết về các mối quan hệ giới tính cho biết.
“Thường, bố mẹ họ kết hôn vì áp lực xã hội hơn là vì tình yêu nên chẳng thể đưa ra lời khuyên gì về tình cảm cho con cái”, bà nói thêm.
Với nhiều phụ huynh, một anh con rể lý tưởng là người có khả năng đem lại cuộc sống sung túc cho con gái mình, đặc biệt là có sẵn một căn hộ. “Do sự phát triển với tốc độ cao trong 30 năm qua, Trung Quốc không chỉ chuyển đổi về kinh tế mà còn cả về quan hệ tình cảm. Đặc biệt là các cô gái thường không biết làm thế nào để cân bằng giữa cảm xúc của họ với những mong đợi của người khác”, Pan Xingzhi, một chuyên gia tư vấn cao cấp về tình yêu hôn nhân cho biết.
Khóa học yêu ở Đại học Thiên Tân bao gồm 7 phần với các chủ đề từ tâm lý tới ứng dụng, với những tựa đề như “Trước khi yêu ai đó, bạn phải biết yêu chính mình” và “Những vấn đề pháp lý của các mối quan hệ tình cảm”. Nhưng sex không nằm trong chương trình học.
Một sinh viên tham gia lớp học của thầy Xie, Wang Huan, 22 tuổi, cho biết: “Trước khi vào đại học, bố mẹ còn cấm tôi có bạn trai. Và khi bạn chẳng có trải nghiệm thực tế nào thì nguồn thông tin chính về tình yêu là các bộ phim sướt mướt Hàn Quốc”.
Vương Linh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.