Giờ đây khi nằm chịu bệnh một mình tôi mới nhận ra những sai lầm của bản thân khi đã đánh mất đi những gì chân thành và quý giá nhất để chạy theo những thứ mơ hồ, ảo tưởng. Nhưng phải chăng mọi thứ giờ đây đã quá muộn.
“Không ăn thì nhịn, tôi không phải con hầu đâu nhé!”. Nhung để lại cho tôi bát cháo rồi quay phắt đi, không cần để ý tôi ăn uống ra sao, ốm đau thế nào. Cổ họng tôi nghẹn lại không chỉ vì ốm mà còn vì đau đớn và tủi nhục.
Tôi đến với Nhung với sự can ngăn của gia đình và bè bạn, bằng sự níu kéo, khóc lóc, cầu xin của vợ và các con, bằng cơn bạo bệnh quật ngã cô ấy – người đã từng là vợ tôi suốt 16 năm trời.
Cái giọng chua ngoa, đanh đá và sự vô tình của Nhung đã khiến tôi nhận ra đây là cái giá mình đáng phải nhận lấy khi bất chấp tất cả chà đạp lên tình cảm vợ chồng gần hai chục năm chung sống, tôi nhẫn tâm bỏ mặc sự van xin của cô ấy, bỏ mặc những đứa con mà tôi sinh ra để đến với cái mà tôi cứ nghĩ đó là duyên phận, là ý trời, là tình yêu đích thực.
Giờ chỉ còn tôi một mình với căn phòng lạnh lẽo, tôi thấm cả cơn sốt trong người thấm cả tình người trong đời.
Ảnh minh họa |
Ngày tôi quyết định ly hôn, vợ tôi lau nước mắt, giọng nghẹn ngào: “Em và tụi nhỏ làm gì nên tội mà anh nỡ đối xử như vậy? Em vẫn muốn con mình có cha, có mẹ đầy đủ. Nếu anh ghét em thì anh cứ đến với cô ta nhưng em xin anh đừng ly hôn. Tài sản của hai vợ chồng mình, anh muốn lấy bao nhiêu cũng được…”.
Tôi biết Loan – vợ cũ của tôi yêu tôi, thương tôi, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi nhưng làm sao người yêu của tôi có thể chấp nhận chia sẻ người đàn ông của mình? Tôi biết tính Nhung. Nàng rất quyết liệt. Nếu tôi không dứt khoát thì Nhung sẽ bỏ tôi mà tôi thì chỉ cần nghĩ đến cuộc sống này không có nàng, tôi đã thấy không muốn sống nữa.
Tôi không cố ý ngoại tình mà tình cảm tự nhiên nó đến. Nhung trẻ đẹp, giỏi chiều chuộng; lúc nào cũng thơm tho, ngọt ngào. Nàng hoàn toàn trái ngược với người vợ lam lũ của tôi. Chúng tôi gặp nhau, hút nhau như hai thỏi nam châm và không thể rời nhau được nữa. Ban đầu tôi còn sợ sệt, giấu giếm, nhưng sau đó, khi đã quyết định chọn lựa người yêu bé nhỏ, tôi đã nói thẳng với vợ.
Tất nhiên là vợ tôi không thể nào chấp nhận. Thoạt đầu nàng làm dữ nhưng sau đó xuống nước van xin, năn nỉ. Nàng còn kéo hai con tôi vào cuộc, xúi chúng cũng khóc lóc thỉnh cầu. Nhưng lòng tôi đã quyết. Tôi bắt Loan phải ký đơn ly hôn. Nàng không chấp nhận, tôi năn nỉ. Năn nỉ không được, tôi chửi mắng. Chửi mắng không có kết quả, tôi dùng vũ lực. Thú thật là tôi rất ít khi đánh đập vợ con nhưng hôm đó, không kềm được trước sự lì lợm của nàng, tôi đã tức giận ra tay. Cuối cùng, tôi một tay nắm tóc Loan, một tay giữ chặt tay nàng bắt phải ký vào đơn.
Sau hôm đó Loan ngã bệnh. Tôi gọi cho mẹ vợ báo tin trước khi dọn sang nhà trọ với người tình. Tôi cũng đã kịp lấy hết tiền bạc, nữ trang vợ tôi cất giấu trong két sắt. Cảm giác được giải phóng khiến lòng tôi lâng lâng. Tôi đặc biệt vui thích khi thấy Nhung hớn hở đếm đi đếm lại xấp đôla và những món nữ trang mà vợ tôi đã tằn tiện, chắt chiu, không đám ăn, không dám mặc để sắm sửa. Đếm xong đến lần thứ n, nàng nhào vào lòng tôi nũng nịu: “Yêu anh quá đi…”. Tất nhiên là sau câu nói đó là tất cả những gì nàng có thể làm được khiến tôi đê mê, sung sướng…
Nhưng đó là chuyện của 1 năm trước. Tôi không hiểu số tài sản tôi mang đến được tiêu xài thế nào mà chỉ mấy tháng sau, Nhung đã thông báo: “Anh coi về bên kia còn gì thì lấy nốt chứ mình sắp hết tiền rồi đó cưng”. Tôi giật mình: “Em xài gì mà nhanh vậy?”. Nhung kể nào là tiền điện, tiền nhà, tiền nước, tiền ăn nhà hàng, tiền đi nghỉ mát, tiền sắm sửa áo quần… Kể xong nàng làm mặt giận: “Bộ nghi em xài bậy bạ hay sao mà hạch sách ghê vậy? Em có xài là xài cho hai đứa mình chớ có xài cho riêng em đâu mà làm dữ vậy?”.
Tôi không dám nghi nhưng thật sự tôi không hiểu sao Nhung xài tiền… nhanh như vậy. Trong khi trước kia, cũng với tiền lương ấy, vợ tôi chi xài còn dư dả để gởi tiết kiệm, mua vàng, mua đôla để dành. Từ ngày dọn ra ở riêng, mỗi tháng tôi gởi cho Loan 4 triệu để nuôi hai đứa nhỏ, số còn lại hơn 10 triệu, tôi đưa hết cho Nhung. Cộng với phần tôi mang theo trước kia, tôi cứ nghĩ mình sống thoải mái ít nhất cũng trong vòng 5-10 năm nữa. Vậy mà mới 6 tháng, Nhung đã xài hết là sao?
Nhưng bi kịch chưa phải ở đó. Tôi đột ngột bị mất việc. Công ty điều động tôi ra làm trưởng văn phòng ở miền Trung nhưng nghĩ đến việc phải xa Nhung, tôi không đành lòng nên chấp nhận nghỉ việc. Tôi cứ nghĩ với kinh nghiệm của mình, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, không ngờ, đã mấy tháng nay, tôi xin việc chỗ nào cũng bị từ chối. Đến nỗi tôi nghi ngờ Loan mượn tay người khác hại mình, thế nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy với bản tính của Loan như thế, chắc chắn nàng không hại tôi.
Thất nghiệp ở nhà, tôi mới thấy hết mặt trái của cuộc tình già nhân ngãi, non vợ chồng của mình. Nhung không còn chiều chuộng tôi như trước. Nàng đi sớm về khuya, cơm nước tôi phải tự lo. Có khi tôi nấu cơm, chờ đến nguội lạnh mà Nhung vẫn chưa về. Tôi có hỏi thì Nhung mặt nặng, mày nhẹ nói rằng phải đi kiếm tiền để nuôi cái thứ dài lưng tốn vải, ăn hại, vô tích sự là tôi.
Cho đến khi tôi ngã bệnh. Tôi bảo Nhung đưa tiền cho tôi đi khám bệnh, nàng chống nạnh xỉa xói: “Tiền ở đâu ra? Anh tưởng tôi là cái kho bạc hử? Ráng chịu đi, vài bữa sẽ khỏi”. Tôi bệnh nhưng Nhung cũng không ở nhà. Hôm nào vui, nàng nấu cho tôi nồi cháo trắng ăn từ sáng đến tối; hôm nào vội thì nàng bảo tôi tự lo…
Trong những ngày nằm bệnh, tôi thật sự thấm thía tình đời. Tôi nghĩ thật may mắn là mình chưa gởi đơn ra tòa. Nghĩa là mình vẫn có một gia đình, vẫn có vợ con. Đặc biệt, tôi vẫn còn một nửa ngôi nhà mà mẹ con Loan đang ở. Tôi như người ngủ mơ chợt tỉnh. Có lẽ là Nhung muốn điều đó. Chính vì vậy nàng cứ cằn nhằn, dằn vặt sao tôi không ly hôn để chia đôi căn nhà…
Tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá, tôi chưa ly hôn. Tôi vẫn còn một nửa ngôi nhà. Nhưng bây giờ, tôi nhớ đến điều đó không phải để nộp đơn ra tòa đòi chia đôi gia đình, chia đôi căn nhà. Tôi muốn trở về.
Theo Nld, nhưng khi một người đàn ông đã rũ áo ra đi thì có cơ hội nào để quay về hay không? Gần 1 năm qua, tôi không liên lạc với Loan nhưng tôi vẫn gặp hai đứa nhỏ để hỏi thăm mẹ nó. Vợ tôi không bao giờ nhắc ba với các con. Điều đó khiến tôi sợ. Đã mấy lần tôi bấm điện thoại nhưng sau đó vội vàng tắt ngay. Tôi rất muốn gặp Loan nhưng cũng rất sợ. Tôi không biết nàng có tha thứ cho tôi không? Ngày trước nàng sẵn sàng làm điều đó; còn bây giờ, sau 1 năm xa cách, tôi không biết vợ tôi nghĩ gì, muốn gì…
Chưa có bình luận.