Thứ Bảy, 09/04/2016 | 17:32

Cứ tưởng tượng một ngày đẹp trời “sư tử nhà nuôi” bỗng dưng e thẹn ngoan hiền như chú mèo con, từ sáng đến tối không than vãn cằn nhằn một lời, hẳn mấy ông sung sướng điên lên được.

Nhưng lại… tưởng tượng, ngày nào cũng như ngày đó, dẫu chồng nhậu say xỉn, đi khuya về muộn, làm việc sai trái cũng không nghe vợ lằng nhằng bên tai, hỏi mấy ai còn hứng khởi? Thế mới biết giá trị của vợ “lắm lời”.

Có ai đó đã nói thật đúng, “phụ nữ không biết nổi giận chẳng khác gì một cốc nước lọc, ngoài tác dụng giải khát ra thì chẳng để lại dư vị gì. Ngược lại, một cô vợ ưa cằn nhằn lại giống loại rượu vang lâu năm, tuy mạnh nhưng lại có vị nồng đượm khó quên”.

Làm sao để vợ bớt “cằn nhằn”?

Ảnh minh họa

Cằn nhằn = lo lắng

Im lặng là vàng, nhưng im lặng đôi khi đồng nghĩa cùng vô cảm. Có bà vợ kể, khi yêu nhau, do chồng có nói ghét nhất là phải sống với người vợ lắm lời hay than thở, chính vì vậy khi cưới nhau rồi nhiều lúc gặp chuyện bực bội, không vừa ý với chồng chị cũng không dám cằn nhằn, than thở. Đến khi khoảng cách vợ chồng càng lúc càng xa cách, người trong cuộc nhận ra thì tất cả đã trở thành quá muộn.

Các ông chồng vẫn hay than van vợ lắm lời như cái “loa phường” nhưng phụ nữ cũng chẳng vui sướng gì với điều đó. Theo các cuộc nghiên cứu, phụ nữ sinh ra cằn nhằn lỗi chính là do người đàn ông. Họ cằn nhằn vì đồ đạc lộn xộn, vì con không ăn uống đúng giờ, vì chồng vứt đồ bừa bãi,…Nhưng, nguyên nhân chính dẫn đến thói quen cằn nhằn của phụ nữ là do các ông chồng.

Chồng bị vợ cằn nhằn nhiều nhất, vì anh là người quan trọng nhất với cô ấy, người cô ấy gửi gắm hy vọng và nhờ cậy sự hỗ trợ. Vì vậy, khi mọi việc không được như kỳ vọng, cô ấy chán nản, thất vọng và kết quả dẫn đến là sự cằn nhằn. Ở một số phụ nữ, việc căn nhằn trở nên thường xuyên hơn và ngày càng nhiều hơn đó là do thái độ bất hợp tác và sự thiếu quan tâm của chồng.

Lấy ví dụ, cô ấy đi làm về, tất bật làm cơm để chờ chồng về ăn cùng. Nhưng 1 giờ, 2 giờ trôi qua vẫn chưa thấy bóng dáng bạn đời đâu, điện thoại cũng ò í e, cô ấy không cằn nhằn mới lạ. Trong trường hợp này, cằn nhằn cũng chỉ vì lo lắng cho chồng. Bạn hút thuốc, nàng cằn nhằn, vì nàng quan tâm đến sức khỏe của bạn.

Bạn uống rượu, cô ấy tức bạn, đó là vì lo lắng sau khi uống say sẽ không có ai chăm sóc cho bạn, sợ bạn gặp chuyện không hay. Bạn không thích tắm cũng bị cằn nhằn, đó là vì cô ấy muốn tạo cho bạn thói quen sinh hoạt sạch sẽ, lành mạnh. Bạn không làm việc nhà, không giặt giũ nấu cơm, cô ấy tức giận, đó là vì cô ấy muốn bạn vận động nhiều hơn một chút, thay vì ngồi lỳ trước màn hình tivi hoặc máy tính, hoặc nằm ườn trên giường ngủ nướng.

Hãy cằn nhằn vừa đủ

Mới đây, câu chuyện một người đàn ông ở nước Anh vì quá chán những lời phàn nàn đã rao bán vợ nghe như là chuyện cười nhưng lại phản ánh một sự thật rằng: Đôi khi cuộc hôn nhân không tan vỡ vì bất cứ lý do nào bên ngoài mà xuất phát từ chính những lời cằn nhằn của các bà vợ.

Cho nên, dù là cằn nhằn để thể hiện tình yêu thương hay quan tâm đi nữa, một bà vợ thông minh cũng phải biết cách “tiết chế” trong giới hạn vừa đủ, đừng đụng cái gì cũng than vãn, “dạy đời” thì đến thánh cũng không chịu nổi chứ đừng nói các ông chồng.

Trong một nghiên cứu vừa được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học và Y tế Cộng đồng, các nhà khoa học Đan Mạch cảnh báo nếu bạn hay bị vợ (chồng), người thân, thậm chí cả người hàng xóm rầy la, cằn nhằn thì nên cẩn thận. Sự đòi hỏi quá mức từ những người sống xung quanh có thể khiến chúng ta tăng gấp đôi nguy cơ tử vong ở tuổi trung niên.

Theo đó, nguy cơ tử vong của nam giới cao gấp đôi nữ giới, trong số người chết vì sống cùng với người hay cằn nhằn, nữ giới chỉ chiếm 34%. Các nhà khoa học ước lượng rằng mỗi năm, cứ 100.000 người thì có 315 người chết do stress vì lo lắng và những đòi hỏi thái quá của người bạn đời.

Bên cạnh việc cằn nhằn vừa đủ, các bà vợ cũng phải chú ý nhiều đến thời điểm. Đừng bắt đầu phàn nàn ngay khi chồng đi làm về bởi hầu hết những người đàn ông chỉ muốn nghỉ ngơi và có tâm trí yên bình khi họ ở nhà. Khi những người vợ đón chồng đi làm về với những lời kêu ca, đàn ông bắt đầu cảm thấy nhà là một nơi căng thẳng, họ sẽ có xu hướng tránh về nhà sớm và có thể sẽ đi chơi ở ngoài thường xuyên hơn.

Một trong những lí do tại sao đàn ông không chung thủy là vì họ cảm thấy vợ mình không còn là người vợ biết cảm thông. Cũng nên nhớ đừng ca cẩm lúc chồng mình đang ở nơi làm việc bởi ngoài việc khiến anh ấy phân tâm, có thể bạn sẽ đặt anh ấy vào tình thế xấu hổ khi nghe bạn gào lên trong điện thoại trong khi các bạn đồng nghiệp của anh ấy đang ngồi cạnh.

Hãy luôn cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, điềm đạm khi nói chuyện với chồng. Hãy coi chồng là một đối tác cần được chăm sóc. Xây dựng mối quan hệ thân thiết với chồng để tạo sự tôn trọng lẫn nhau. Nói chuyện với chồng về những việc bạn cần anh ấy giúp đỡ và giải thích tại sao.

Bạn nên nói chuyện với chồng khi anh ấy đang ở tâm trạng thoải mái. Cố gắng hiểu quan điểm của anh ấy và cái khó của anh ấy. Một lời đề nghị sẽ tốt hơn rất nhiều so với một mệnh lệnh, vì vậy hãy nhẹ nhàng nhờ chồng giúp.

Các bà vợ cùng cần phải nhận thực được rằng, mỗi người đều sẽ có những điểm mạnh điểm yếu riêng, vì vậy đừng so sánh chồng với người khác.

Bạn nên biết rằng, bạn sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc thay đổi chồng nếu vẫn giữ thói quen cằn nhằn. Sự thay đổi của chồng chỉ có thể đến, nếu bạn dùng tình yêu và sự kiên nhẫn để “thuần phục” chồng.

Với những trường hợp có vợ mắc bệnh cằn nhằn, phần lớn các chuyên gia đều khuyên họ nên tâm sự với vợ nhiều hơn để tìm được sự cảm thông chia sẻ từ vợ. Chính các ông chồng hãy là người trong cuộc để giúp các bà vợ của mình bớt được bệnh cằn nhằn.

Phương pháp giúp các bà vợ “chữa bệnh” cằn nhằn

– Tự nguyện đề nghị chồng và người nhà nhắc nhở mình chữa bệnh cằn nhằn

– Tập thói quen chỉ nhắc chồng một lần

– Cần ngọt ngào khi muốn nhờ chồng việc gì

– Tập có tinh thần hài hước trong mọi nghịch cảnh

– Có khổ tâm lắm cũng phải bình tĩnh mà nói, hoặc đợi lúc nào mọi chuyện êm êm hãy nói

– Nên tâm đắc mỗi khi không cằn nhằn mà vẫn có kết quả tốt với chồng.

Hiểu Đan

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook