Thứ Hai, 25/01/2016 | 18:30

Cũng như các bà mẹ, những ông bố tương lai cũng có nhiều cảm xúc quý giá, bao nhiêu hy vọng, sợ hãi về việc mang thai, sinh nở và nuôi nấng con cái họ. Vậy làm sao để vượt qua được quãng thời gian 280 ngày thú vị nhưng đầy lo lắng này khi chờ đợi bé yêu chào đời, bố hãy tham khảo vài lời khuyên dưới đây nhé!

1/ Những lo lắng trong suốt quá trình vợ mang thai

Thông thường những người sắp làm bố đều lo lắng về sức khỏe của người bạn đời và sự phát triển của đứa bé trong bụng. Bởi bản năng của những người cha là bảo vệ những người yêu thương của họ tránh khỏi mọi tổn hại. Nhưng sự thật là bạn có thể thở phào nhẹ nhõm vì hầu hết phụ nữ đều có quá trình mang thai và sinh nở an toàn. Việc mang thai và sinh con là điều tự nhiên trong cuộc sống mà nó sẽ không đe dọa tới sức khỏe của vợ bạn, đặc biệt là nếu cô ấy được chăm sóc y tế chu đáo.

Làm gì để vượt qua nỗi lo lắng khi sắp làm bố?

Những ông bố tương lai cũng có nhiều cảm xúc quý giá, bao nhiêu hy vọng, sợ hãi về việc mang thai, sinh nở và nuôi nấng con cái họ.

Thay vì quá lo lắng, việc bạn nên làm là giúp người bạn đời của mình có một quá trình mang thai an toàn và thoải mái, đảm bảo cô ấy nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể. Việc cùng vợ tham gia các buổi khám thai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình mang thai. Lắng nghe nhịp tim của bé lần đầu tiên hay nhìn bé chuyển động trên màn hình siêu âm sẽ khiến toàn bộ việc có con này trở nên “thật” hơn bao giờ hết. Vợ bạn cũng sẽ rất coi trọng việc bạn đi cùng với cô ấy khi cô ấy phải thực hiện các xét nghiệm y tế, đặc biệt nếu như sức khỏe của bé không thật sự tốt.

Bên cạnh việc khuyến khích vợ ăn uống lành mạnh, tập luyện vừa đủ và tránh xa rượu chè, thuốc lá, những người sắp làm bố cũng nên thực hiện cho mình một lối sống tương tự. Cách tốt nhất để làm như vậy là bạn cùng ăn những thứ như vợ bạn ăn, cùng tập luyện với cô ấy, ngừng uống rượu và hút thuốc lá luôn. Đừng có nghĩ những sự thay đổi này là một sự hy sinh lớn lao nào hết, đây chỉ là một cách để bạn có thể trải nghiệm quá trình mang thai với người bạn đời của mình thôi. Một điều nữa bạn có thể làm là tránh căng thẳng cho cô ấy. Đảm nhận nhiều công việc nhà để cô ấy có thể nghỉ ngơi. Ở bên cạnh khi cô ấy cần bạn động viên về tinh thần.

2/ Cảm thấy bị “bỏ rơi”

Trong khi vợ có bầu, cô ấy nhận được rất nhiều sự chú ý và bạn có thể cảm thấy bị làm lơ. Nếu cảm giác này cứ lớn dần, nó sẽ sớm trở thành sự giận dữ và ghen tỵ. Cách tốt nhất để giải tỏa cảm xúc tiêu cực này là tham gia vào quá trình mang thai của vợ. Nó bao gồm tham gia vào những buổi khám thai, ăn uống điều độ, tập luyện với cô ấy như đã đề cập ở trên. Thêm vào đó, bạn cũng có thể tự tìm hiểu thêm bằng việc đọc những quyển sách về quá trình mang thai hoặc tham gia những lớp học tiền sản. Đọc mọi thứ vợ bạn đọc. Cuối cùng, nói với cô ấy về cảm xúc của bạn và luôn để cho vợ chồng bạn thoải mái nói chuyện với nhau về mọi thứ.

3/ Đối phó với tính khí thất thường của các bà bầu

Các ông bố tương lai thỉnh thoảng nhận thấy tính khí của mấy bà vợ trở nên rất thất thường đến mức khó mà hiểu được. Việc nồng độ hormone tăng mạnh trong ba tháng đầu của quá trình mang thai có thể là nguyên nhân khiến tính khí của các bà bầu thất thường như vậy. Những cảm xúc thay đổi, việc mang thai rất vất vả cùng những trách nhiệm nặng nề của việc làm cha làm mẹ cũng góp phần làm cô ấy trở nên khó chịu hơn. Điều này bạn cũng hiểu mà, đôi lúc bạn cũng thấy khó chịu với lý do giống y như của vợ mình vậy và bạn cần ai đó để tâm sự với mình. Cố gắng đừng tức giận hay thất vọng với người bạn đời của mình nếu như cô ấy đột nhiên mít ướt. Thay vào đó, hãy thấu hiểu và cảm thông với cô ấy, hãy là một bờ vai cho cô ấy dựa vào và khóc nếu cô ấy cần. Lắng nghe những tình cảm và cả những lo âu của cô ấy nữa. Nhưng cũng nên cẩn thận, nếu bạn thấy có bất cứ dấu hiệu nào của chứng trầm cảm, từ vợ hoặc từ chính bạn, hãy tìm ngay sự giúp đỡ. Những dấu hiệu đó là:

– Không kiềm chế được cảm xúc
– Khóc thất thường và khóc liên tục
– Chán nản nói chung
– Khó ngủ
– Hoàn toàn không có hứng thú nào về chuyện tình dục.

 4/ Những lo lắng về chuyện vợ chồng

Các ông bố tương lai thường lo ngại về việc làm “chuyện ấy” với vợ khi cô ấy đang mang bầu. Miễn là vợ bạn khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái, tình dục không phải là một vấn đề đáng lo trong suốt quá trình mang thai. Phụ nữ thường cảm thấy mệt mỏi vào ba tháng đầu của thai kỳ, vậy nên họ thường chẳng hứng thú gì tới chuyện vợ chồng hết. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường giảm dần vào ba tháng tiếp theo và họ sẽ có ham muốn nhiều hơn bình thường bởi dịch tiết âm đạo tăng lên. Và cũng đừng lo: Chuyện ấy không ảnh hưởng đến em bé đâu.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook