Không phải tội lỗi, nhưng đôi khi chỉ vì thích làm đẹp cho chồng mà các bà vợ đã vô tình trở thành “bà mối” dẫn đường cho thiên hạ “rủ rê” chồng mình.
“Nếu thằng nào xấu thì không được yêu”, câu nói chắc như đinh đóng cột của mẹ đã ám ảnh chị Thương hơn 20 năm trời kể từ khi chị còn là học sinh phổ thông. Mẹ chị lý giải “Đi bên người đàn ông xấu, người vợ sẽ bị mất hết sỹ diện. Mà người đã búi xùi thế thì cũng chẳng làm nên trò trống gì cho vợ con nhờ…”.
Ảnh minh họa |
Đẹp chồng mát lòng vợ
Thời thiếu nữ, chị Thương tuy không “sắc nước hương trời” nhưng duyên ngầm mặn mà, vì thế việc mẹ chị luôn kỳ vọng có được chàng rể cao to đẹp trai để con gái bà được nhờ, gia đình bà được hãnh diện cũng là lẽ thường tình. Nhưng sự kỳ vọng một cách quá mức của mẹ đã phần nào tác động đến cách chị chọn người bạn đời. Vì thế, chị đã để vài mối tình đằm thắm trôi tuột khỏi tay mình cũng chỉ vì không chịu nổi việc ai đó chê bai hay trêu ghẹo một khuyết điểm nào của người yêu…
Cho mãi đến năm 28 tuổi, chị (và cả mẹ chị) mới thật sự hài lòng khi chị gặp được Bình, một anh chàng cao to, đẹp trai đúng điệu đàn ông… Như thể không trông chờ gì hơn nữa, chị đã đồng ý cưới ngay sau lời cầu hôn của anh. Có được chồng đẹp như ước nguyện, chị Thương hạnh phúc lắm và luôn lấy đó làm hãnh diện và không ngừng phát huy tối đa “tiềm năng” ấy.
“Chồng Thương thì không thể xấu” là câu cửa miệng của chị. Bởi gương mặt chồng như đại diện cho gia đình, là thần sắc của cả nhà. Chăm chút từng li từng tý cho chồng mỗi lần anh ra khỏi nhà là việc chị ưa thích mỗi ngày. Nếu người phụ nữ khác mê shoping sắm sửa cho mình thì chị lại mê sắm cho chồng. Chị kéo anh đi shopping thường xuyên để sắm đồ mới. Chị đinh ninh cho rằng, việc chăm chồng, làm đẹp cho chồng luôn là cách thể hiện sự đảm đang, tình yêu của người vợ để chờ đợi cái hãnh diện “nhìn chồng mà đánh giá vợ”.
Sáng nào chị cũng dậy sớm, lựa chọn quần áo, là ủi sẵn để anh mặc. Đôi giày chưa sáng bóng thì chị lụi hụi ngồi đánh cho bóng lộn lên. Bộ đồ nào cũ thì chị tịch thu ngay gấp và cho đi từ thiện. Anh đi làm hôm nào cũng với bộ quần âu, áo sơ mi nhẵn nhụi, phẳng lì. Đồng nghiệp, cấp dưới luôn trầm trồ: “Quần phẳng không nếp gấp, bảnh bao nhẵn nhụi”. Trong tủ đồ, chị có mấy chai nước hoa thì cũng chọn cho anh từng ấy loại: cho ngày thường, cho mùa hè, cho ngày đông, cho lúc đi công tác xa, cho hội thảo…
Chị quan niệm vẻ ngoài toát lên con người, và đóng góp sự thành công của trí tuệ. Nhìn thấy anh, người ta đã liên tưởng tới một sự sáng sủa, đẹp đẽ. Bởi vậy công việc của anh cũng rất trôi chảy. Sau mỗi lần thành công của chồng, chị đều được nghe “Nhờ bà xã mà anh đường hoàng tự tin hẳn đấy!”.
Sau mỗi lời khen ngợi, anh lại hất hàm về phía vợ “Tất cả là nhờ bà xã anh đấy”! Có hạnh phúc nào của người vợ lớn hơn thế?! Đi đâu, nghe ai khen chồng đẹp chị vô cùng tự hào. Lại nghe họ nói thêm “Chắc vợ đảm đang, chăm sóc chu đáo lắm” thì chị lại càng thêm hãnh diện vì bản lĩnh người vợ. Vì thế chị càng bỏ công sức chăm chút, sang sửa, làm đẹp cho chồng.
Chiến với cạm bẫy thiên hạ
Dưới tài chăm sóc của vợ, khi đã bước qua tuổi tứ tuần, anh Bình chỉ càng thêm chững chạc và phong độ hơn chứ tuyệt không có biểu hiện của tuổi già. Trong khi đó, dù vẫn luôn ý thức được là để xây dựng được một gia đình “đẹp” đúng nghĩa thì ngoài chồng, vợ và những đứa con cũng phải “đẹp”. Nhưng tuổi mỗi ngày một hơn, xuân sắc của phụ nữ dần bước qua tuổi 40 cứ nhanh chóng nhạt dần theo quy luật tạo hóa khiến chị Thương dù cố cũng không có cách nào chống đỡ.
Vẫn luôn miệng tự tin đáp trả: “Ờ, mình cứ chăm cho chồng đẹp để thiên hạ thèm chơi” trước những cảnh báo hay trêu ghẹo của bạn bè về dấu hiệu “lệch pha sắc vóc” của mình và chồng, nhưng thật lòng, chị Thương cũng thấy lo lo dù vẫn tin rằng “Gái có công chồng không phụ”. Chị đã hết lòng vì anh thì thể nào anh cũng hiểu được giá trị và công lao của vợ mà không đi léng phéng bồ bịch. Nhưng, dù chị có tin chồng thì chị cũng không thể cấm được thiên hạ mê anh ấy! .
Ảnh minh họa |
Khi mới cưới nhau, anh Bình chỉ là nhân viên marketting bình thường. Nhưng nhờ có vợ làm hậu phương vững chắc, anh yên chí dốc toàn tâm toàn lực vào công việc nên chỉ 1 năm sau ngày cưới anh đã trở thành trưởng nhóm, rồi sau đó là trưởng phòng và giờ đã là phó giám đốc công ty. Và một khi đàn ông đã có tài có tiền mà lại đẹp mã thì khó tránh được sự ngưỡng mộ vì nhiều lý do từ các em trẻ đẹp.
Do tính chất công việc, anh cũng hay đi sớm về muộn, nhưng nếu ngày xưa chị Thương thấy đó là việc bình thường thì bây giờ đó là dấu hiệu bất thường đối với chị. Hễ thấy chồng có nhiều tin nhắn, nhất là vào buổi tối chị luôn tỏ vẻ không hài lòng. Một hôm vì chịu hết nổi, chị quyết định xem trộm tin nhắn trong máy chồng. Bất ngờ chị bắt gặp những lời lẽ tỏ vẻ ngưỡng mộ lại đến tin cò cưa… khiến Thương nóng như lửa đốt.
Mặc chồng giải thích “kệ họ, anh không hề có ý gì”, chị một mực “Anh không có ý gì thì sao họ dám nhắn tin thế?!”. Đêm mất ngủ, Thương càng tưởng tượng nhiều thứ “Đúng là mình làm đẹp cho chồng để thiên hạ hưởng. Đúng là vợ tiếp tay chồng đi với gái. Đúng là đàn ông tham lam, không biết ơn…”. Không khí gia đình như dây đàn.
Tâm sự với bạn bè thì họ nói “Tại mày dại, cứ ham chồng đẹp. Mà đàn ông khi bị phụ nữ chủ động tấn công thì khó thoát lắm, nhất là gái trẻ”. Nghe nói thế, chị càng rối loạn, cuống cuồng. Và từ đó, chị trở nên lơ là, hời hợt trong việc chăm sóc chồng nhưng lại sát sao trong việc săm soi cử chỉ, thái độ của anh.
Phần anh Bình, vì đã thành thói quen nên giờ dù vợ không chăm lo quần áo cho mình nữa anh vẫn kệ và tự tay làm lấy. Thấy vậy, Thương càng khó chịu. Bây giờ nhìn cử chỉ nào của anh, chị cũng thấy hoang mang nghi ngờ, soi đâu cũng thấy mình xấu. Chị mở cuộc “chạy đua”, trú ngụ trong các spa làm đẹp. Thấy bất cứ quảng cáo làm đẹp nào dành cho phụ nữ tuổi 40 là chị tìm đến.
Còn bất cứ hôm nào chồng về muộn là chị tra vấn, hỏi han. Thấy những đồng nghiệp nào có vẻ thân với chồng là chị tìm cách tiếp cận, đánh tiếng. Bình thấy cứ ai nói chuyện với vợ xong thì lại có vẻ ngần ngại trong giao tiếp với mình, anh hiểu ngay tại vợ ghen. Chuyện này khiến anh thấy vô cùng khó chịu: “Em đang đi quá đà rồi, mất mặt quá…”. Dù thế Thương cũng không nghe, chỉ cần hở ra là chị cho rằng thiên hạ sẽ “cướp” mất ông chồng mà chị mất bao công chăm chút, nhào nặn.
Ngày trước, mọi hoạt động của cơ quan chồng, chị đều không quan tâm nhưng giờ chị luôn đòi đi cùng. Đi nghỉ với cơ quan chồng, thấy cô gái nào hay nói chuyện với chồng mình là chị lại mở to mắt nhìn, và hỏi han chi tiết hơn “Em có chồng chưa? Em thích mẫu đàn ông thế nào?”… Nhiều cô sợ quá, lánh xa và tụm lại xì xầm “Vợ sếp ghen vô đối!”. Anh Bình đã phải lôi vợ ra một góc để cảnh cáo: “Em cứ tiếp tục thế này thì cẩn thận chúng ta phải chia con đấy!”.
Trong cuộc chiến này, người đàn bà ấy đang vật lộn không chỉ với một tình địch mà có nhiều kẻ sẵn sàng lăn xả vào chồng mình!
Như Bình
Chưa có bình luận.