Chủ Nhật, 08/11/2015 | 09:30

Mấy ông chồng hay cằn nhằn vợ lắm lời nhưng chưa hẳn người vợ kiệm lời sẽ tốt hơn đâu nhé!

Có một câu chuyện cười chảy nước mắt mấy ông hay truyền tai nhau thế này. Người đàn ông nọ bị đi tù 6 tháng vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng, tuy ở trong tù chẳng sung sướng gì nhưng còn hơn ở nhà, vì không bị vợ đay nghiến suốt ngày đêm!.

Khi vợ lắm lời

Các ông chồng rất hay phàn nàn, khó chịu khi vợ nói nhiều. (Ảnh minh họa)

Nói thế để biết, tính “nói dai, nói dài” của các bà vợ xưa nay đã trở thành nỗi ám ảnh của các đức lang quân. Tôi có thằng bạn học chung thời phổ thông, mãi 40 tuổi mới bắt đầu xây dựng tổ ấm. Được một tháng, buổi hẹn ở quán cà phê thành ra nơi để nó ca cẩm. Nó bảo, vợ nó cái gì cũng tốt chỉ mỗi tội nói nhiều. Ở nhà cũng dặn dò, mỗi khi bước ra khỏi nhà cũng kéo lại kể hết chiêu lừa nay đến trò bùa mê thuốc lú khác. Lắm khi muốn vợ “tắt tiếng” một ngày cũng không xong.

Tôi xua tay: “Vợ quan tâm như vậy là nhất ông rồi. Cứ thử hình dung trường hợp ngược lại, nếu cô ấy ít nói thì cả ngàn tai hại khác xảy ra chứ không phải đùa đâu”.

Thật ra, hồi còn yêu nhau, tính ít nói của bà xã tôi bây giờ đã hấp dẫn tôi. Ngày đó, khi tới kí túc xá trường Đại học thăm em gái, trong khi các cô gái khác thay nhau thao thao bất tuyệt chuyện trên trời dưới đất thì cô ấy chỉ lặng lẽ một góc, không nói câu nào. Ngay cả khi yêu nhau, tôi cũng là người nói nhiều hơn, cô ấy cứ chống cằm say sưa lắng nghe, tôi đã mừng vì yêu được một cô chín chắn, nhu mì.

Sau khi cưới nhau, dù chu toàn trong nhà ngoài ngõ nhưng hiếm hoi lắm nàng cũng mới cất lời. Trong bữa ăn, đôi khi nhớ không khí ấm cúng ở nhà mẹ với cô em gái líu lo suốt ngày nên tôi cũng cố gắng gợi chuyện. Vậy nhưng, hoặc nàng trả lời một hai từ, hoặc nàng gật và lắc. Để có không khí gia đình, tôi tiếp tục độc thoại. Thấy nàng cứ im lặng, tôi hỏi lớn: “Em có nghe anh nói không?”, nàng ngẩng đầu bảo: “em đâu có điếc!”. Ngày cứ qua ngày như vậy, riết tôi cũng không còn hứng nói chuyện với nàng.

Ăn sáng xong, chúng tôi chia tay đi làm. Tôi dắt xe ra cổng cho nàng, đợi một tiếng chào hay hẹn gặp lại nhưng nàng chỉ lặng lẽ leo lên xe. Chiều về, khi nghe tôi hỏi chuyện công việc, nàng thờ ơ: “Bình thường cả”. Những câu chuyện, câu hỏi của tôi cứ rơi tõm vào không gian lặng thinh, vô duyên hết cỡ.

Nhưng có hai vợ chồng còn đỡ. Khi có bạn bè đến nhà chơi, nàng pha nước, đặt lên bàn rồi bỏ đi, không một lời chào hỏi khiến cả chủ và khách đều thấy ngượng ngùng. Thấy chưa, vợ ít nói còn tệ hơn vợ lắm lời.

Nói sao cho vừa?

Nhưng các ông chồng hay bị cằn nhằn cũng thử nhìn lại mình một cách nghiêm khắc xem, liệu những lời nhắc nhở muôn thủa như thế có thừa không?Hay bản thân họ cũng đầy những lỗi lầm cần phải để các bà vợ liên tục rót vào tai những lời răn bảo?Các nhà tâm lí sau khi kiên nhẫn ngồi nghe hàng ngàn cuộc than phiền của các bà đã kết luận: không có ông chồng nào, dù giàu sang hay nghèo hèn, đẹp trai hay xấu trai, uy quyền hay bình thường thoát khỏi sự chê trách của vợ. Ngày nay, dù thời đại bình đẳng nhưng hầu hết việc nhà vẫn rơi vào tay chị em, mà việc đó thì làm hoài cũng không hết. Chồng bày rồi đến con quăng, lăng xăng cả ngày còn chưa xong việc. Công bằng mà nói, gia đình nào có vợ đi vắng lâu ngày, giao ông chồng đảm đương nội trợ thì anh ta cũng nói nhiều không kém.

Còn đàn ông thì sao, theo tôi một là họ sinh ra đã nói ít rồi, hai là ngay từ bé họ đã bị ám ảnh bởi lời răn dạy, trách mắng của mẹ. Khi lớn lên thì từ bạn gái, rồi đến vợ, cả mẹ nữa. Sao lúc nào cũng bị bảo phải làm cái này phải làm cái kia, thật là mệt mỏi. Vậy nên nếu bạn bị gọi là bà vợ lắm điều thì cũng đừng lo vì bà nào cũng thế, và đàn ông cũng đừng nghĩ lấy bà khác thì đỡ hơn cái khoản nói nhiều này.

Thực ra, cằn nhằn là một cách biểu lộ tình cảm đặc biệt của người vợ. Vợ có yêu bạn, quan tâm đến bạn và biết lo toan cho gia đình thì mới nói nhiều như vậy. Điều này thì ít ông chồng nào chịu hiểu. Cho nên, thay vì ca than, hãy lắng nghe chia sẻ những cảm nghĩ của nàng, những lo toan đời thường cùng nàng. Trong khi vợ nấu cơm, nếu không phụ bếp thì xắn tay thu dọn nhà cửa, vợ cho con ăn thì chịu khó phơi đồ. Đừng để nàng độc xướng, nếu bạn không đáp lời, người ta chỉ còn cách lặp lại.

Tuy nhiên, chị em hãy cẩn thận nếu nói nhiều quá thì hậu quả khó lường, một là lời nói của mình càng ngày càng không có trọng lượng, hai là chồng ngày càng trơ ra “khó bảo” lầm lì, cục tính. Rồi đến lúc các ông lại có nhu cầu rangoài tìm một em ngọt ngào chăm sócthì cũng mệt mỏi lắm.

Các nhà tâm lý học gia đình đưa ra giải pháp là, những người phụ nữ khôn ngoan nói cái gì chỉ nên nói một lần thôi. Nếu người chồng đã chấp nhận là được, còn xử lý việc đó như thế nào hãy cho anh ta một “khoảng trời riêng” muốn làm lúc nào hay cách nào tuỳ ý. Nếu điều đó không theo ý mình thì người vợ khôn ngoan cũng không nói đi nói lại và cũng không làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ dùng lời nói mà một người phụ nữ có thể cải tạo được chồng mình thành một người khác.

Ngọc Ân

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook