Thứ Sáu, 25/03/2016 | 17:30

Là một loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, thế nhưng, thực tế đã ghi nhận không ít người đã gặp phải các biến chứng nặng nề về thận, dây chằng, hệ thần kinh, tiêu hóa… khi sử dụng Ciprofloxacin.

“Anh chàng” lắm chiêu…

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh bán tổng hợp, có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn, thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn: hô hấp, tiết niệu, sinh dục… Hiện nay, Ciprofloxacin được bào chế dưới rất nhiều dạng biệt dược, trong đó, phổ biến nhất là thuốc uống hay tiêm bắp.

Nhờ vào khả năng tiêu dệt nhanh, gọn cả các loại vi khuẩn kháng thuốc nên trong 20 năm trở lại đây, Ciprofloxacin là một trong những loại thuốc bán chạy nhất tại Việt Nam. Không chỉ được nể phục bởi khả năng “độc lập tác chiến” vô cùng lợi hại, Ciprofloxacin còn có thể “song kiếm hợp bích” với các nhóm khác sinh khác, tạo nên hiệu quả vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Kháng sinh Ciprofloxacin: Lợi ít, hại nhiều

… nhưng nhiều tật

Mặc dù các lợi ích của Ciprofloxacin đã được khẳng định, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người ta đã ghi nhận nhiều tác dụng phụ không mong muốn của nó. Chị Nguyễn Hoài Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), người đã từng sử dụng Ciprofloxacin để điều trị viêm họng cho con chia sẻ: “Chỉ sau một, hai ngày sử dụng Ciprofloxacin, các triệu chứng ho, khò khè của con tôi bắt đầu suy giảm rõ rệt.

Thế nhưng, kèm với đó là cháu lại bị tiêu chảy do loạn khuẩn đường ruột. Cứ ngừng thuốc là hết tiêu chảy, uống thuốc vào là lại đi như tháo dạ. Lúc đầu, tôi cứ tưởng do chế độ dinh dưỡng, thế nhưng, khi đưa cháu đi thăm khám, bác sĩ giải thích đây là một trong những tác dụng phụ của loại kháng sinh này. Từ đó, tôi chả bao giờ dám dùng nữa. Không khéo, chưa chết vì ho thì đã chết vì tiêu chảy, mất nước”.

Cũng là người thường xuyên sử dụng Ciprofloxacin để chữa các viêm nhiễm về đường tiết niệu, chị Phạm Anh Thơ (Q.9, TP.HCM) cho biết: “Tôi hay bị ngứa ngáy “vùng kín” nên thường dùng Ciprofloxacin để điều trị. Hiệu quả thì có thể nhận thấy ngay, tuy nhiên, rắc rối là khi sử dụng thuốc, tôi thường bị nhức đầu, mệt mỏi. Khi chia sẻ vấn đề này với bác sĩ, họ giải thích đấy là phản ứng phụ của thuốc và khuyên: nếu không thể chịu đựng được cảm giác này thì chuyển qua thuốc khác. Tôi cũng đã thử làm như vậy nhưng thấy hiệu quả không bằng nên đành “cắn răng” chịu đựng mấy ngày để dùng hết đợt thuốc. Đau đầu thì có thể chịu được chứ ngứa “vùng kín” thì khổ lắm”.

Theo các chuyên gia, Ciprofloxacin là một anh chàng lắm tài, nhiều tật của làng dược. Năm 2008, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã đưa loại thuốc trên vào danh sách “đen” ở tất cả các bệnh viện và trung tâm chữa bệnh. Tại quốc gia này, việc sử dụng Ciprofloxacin cho trẻ em gần như bị cấm.

Nguyên nhân là bởi: kết quả khảo sát lâm sàng cho thấy, Ciprofloxacin là nguyên nhân làm tổn thương sự phát triển sụn và khớp; gây đau cơ, viêm dây thần kinh, đặc biệt là các dây chằng.

Với trẻ em hoặc những người có tiền sử bệnh về đường ruột, khi sử dụng Ciprofloxacin, vi khuẩn có lợi ở đường ruột sẽ bị tiêu diệt hết, gây mất cân bằng sinh thái vi khuẩn trong cơ thể. Một số người khác còn những phản ứng quá mẫn nghiêm trọng như phù mặt, phù thanh quản, khó thở…

Bên cạnh đó, nó cũng ảnh hưởng không tốt đến thần kinh, gây nhức đầu, mất ngủ, kích động. Những người có tiền sử bệnh tâm còn có thể bị co giật, lo âu, trầm cảm, ác mộng… Đặc biệt, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Ciprofloxacin còn gây hại cho cả thận và gan của người sử dụng.

Tại Việt Nam, Ciprofloxacin được bày bán rộng rãi tại các quầy thuốc. Điều này gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi lẽ, khi người dân tự ý mua dùng với liều lượng không đúng với khuyến cáo của bác sĩ, nó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt, khi các tác dụng phụ không được phát hiện và xử lý kịp thời, người dùng không những phải đối mặt với các biểu hiện khó chịu ngay tức thời mà lâu ngày, sức khỏe sẽ bị suy giảm rõ rệt.

Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng loại kháng sinh này cũng làm xuất hiện các cơ chế kháng thuốc mới. Thực tế ghi nhận có nhiều trường hợp vi khuẩn đã kháng lại Ciprofloxacin, khiến các bác sĩ buộc lòng phải thay thế bằng loại kháng sinh nặng hơn, đắt tiền hơn.

Vởi đủ loại tài và tật, Ciprofloxacin được các chuyên gia khuyến cáo cần thật cẩn trọng khi sử dụng. Những người có tiền sử động kinh, suy giảm chức năng gan, thận hay bị nhược cơ nên hạn chế dùng loại thuốc này hoặc cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ em hay trẻ đang lớn cũng không nên dùng bởi nó có thể gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Cuối cùng, bạn không nên tự ý kê đơn mà cần có sự tư vấn cụ thể, rõ ràng của người có chuyên môn.

An Châu

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook