Thấy vợ hốt hoảng hỏi “anh vứt cái máy rửa mặt tiền triệu của em à”, anh Tùng đủng đỉnh “Ừ, cứ bày bừa ra, để anh dọn thì chỉ có vào thùng rác”.
“Lấy phải vợ đoảng, làm sao để ‘cải tạo’ đây?” là chủ đề do một thành viên diễn đàn mạng về xe cộ đăng lên cách đây không lâu, đã thu hút hàng trăm thành viên tham gia chia sẻ, bình luận. Đa số các ông chồng rơi vào hoàn cảnh này đều bày tỏ thái độ ngao ngán và cho rằng “vô phương cứu chữa”. Tuy vậy, cũng có không ít đấng mày râu chia sẻ những cách họ đã áp dụng thành công để giúp vợ bớt đoảng.
“Chỉ có cách thẳng tay vứt hết đồ bày bừa của vợ mới hạn chế được tính bạ đâu quăng đấy, để nhà như bãi chiến trường của cô ấy”, anh Tùng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) kể về trường hợp của mình. Vợ chồng anh Tùng cưới nhau được 6 năm, đã có một cậu con trai. Theo anh Tùng, vợ anh là giảng viên đại học, tính vô tư, tốt bụng nhưng lại rất vụng trong khoản nội trợ và giữ nhà cửa ngăn nắp. “Cô ấy chẳng bao giờ lau dọn toilet, quần áo thay ra thì vứt lung tung trên giường, vắt lên bàn học của con. Đồ đạc quăng khắp nơi, đến khi cần thì tìm loạn nhà. Sàn nhà chồng vừa lau xong có khi vợ lại huỳnh huỵch giẫm giày lên vì đã định đi đâu đấy mà quên đồ này, món kia trong nhà”, anh nói.
Góp ý với vợ nhiều lần nhưng chị chỉ ậm ừ rồi đâu lại vào đó, anh Tùng quyết định phải dùng hành động mạnh để “chấn chỉnh”. Anh cảnh báo rằng nếu các đồ dùng chị không cất gọn gàng, khi dọn anh sẽ thẳng tay vứt hết. “Son, máy rửa mặt, quần tất (loại đắt tiền), thậm chí cả áo khoác… mình đều hốt hết. Ban đầu cô ấy giận điên lên nhưng sau đó có vẻ cũng có ý thức cất đồ đúng vị trí hơn”, anh Tùng kể.
Tuy vậy, anh chia sẻ, riêng khoản nấu ăn, anh chưa biết làm cách nào để “đào tạo” vợ bởi chị ghét việc vào bếp. “Chỉ còn cách mình thích ăn ngon thì tự nấu hoặc ra hàng”, anh nói.
Ảnh minh họa: Thestir.cafemom. |
Anh Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) đã áp dụng chiêu “lấy độc trị độc” với người vợ đoảng. “Nói không ăn thua thì các bác cứ bày bừa nhiều hơn cả vợ. Nếu thấy nhà cửa có bẩn đến đâu cũng mặc kệ. Kể cả bếp có bốc mùi, sàn có nhớp nháp, cũng đừng mó tay vào. Sẽ đến lúc vợ cảm thấy không thể chịu được và muốn dọn. Khi đó, cùng dọn rồi tỉ tê nói, thể nào sau vài lần cũng có tác dụng”, anh Đức chia sẻ trên một diễn đàn mạng.
Có vợ không bao giờ gấp chăn, màn, chẳng muốn mó tay tới cây chổi lau nhà hay bếp núc, anh Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện chiêu “mưa dầm thấm lâu”. Theo anh, phụ nữ thích sống tình cảm, ưa nói ngọt nên chỉ cần nhẹ nhàng rồi làm gì cũng rủ vợ làm cùng thì sẽ ổn.
“Ngủ dậy là mình rủ vợ mỗi đứa cầm một đầu chăn gấp. Cuối tuần, mình mở nhạc tưng bừng, gọi vợ cùng dọn nhà. Tối đến hai vợ chồng đi đánh răng, mình nói nửa đùa nửa thật ‘muốn ‘yêu’ vợ trong này mà nhìn nhà tắm ghê quá’. Nấu ăn vợ chưa khéo thì để nàng nhặt rau, mình phụ trách món chính rồi chỉ dẫn cách làm”, anh Thành kể.
Anh cho biết, vợ anh bây giờ đã có thể làm được một số món ngon và không ngại dọn nhà dù không mấy thích công việc này. “Bí quyết có lẽ là cả hai vợ chồng cùng chơi, cùng làm và thực hiện ngay từ khi mới cưới, chứ để lâu khó chữa”, anh bày tỏ.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, xưa nay, nhiều người vẫn hay mặc định rằng các bà vợ thì phải đảm đang, quán xuyến gia đình nên thường cánh đàn ông vụng là chuyện nhỏ còn phụ nữ vụng lại là có vấn đề.
“Người xưa có câu ‘thế gian được vợ hỏng chồng’ nói về sự bù trừ giữa những người có duyên phu thê. Thực tế, nhiều chị em đoảng lại hay gặp được anh chàng chỉn chu việc nhà. Và rõ ràng, người phụ nữ đó dù vụng về chuyện bếp núc, thu vén nhà cửa nhưng hẳn cũng có các ưu điểm khiến anh yêu và cưới về làm vợ. Cho nên, cánh mày râu cũng chớ nên coi việc vợ vụng là bất hạnh lớn”, nhà tâm lý chia sẻ.
Theo bà, rõ ràng, để hạnh phúc gia đình trọn vẹn, người vợ vụng phải có thiện chí để điều chỉnh bản thân. Hay ít nhất, họ cũng nhận thức được rằng, người đàn ông biết chăm lo cho gia đình, chỉn chu việc nhà là rất đáng quý, từ đó có thái độ trân trọng với chồng và thể hiện điểm mạnh của mình, có thể ở lĩnh vực khác. Nếu người vợ vụng, được chồng chiều chuộng lại quá đáng, bắt nạt và ỉ lại hoàn toàn thì chẳng mấy chốc người đàn ông sẽ cảm thấy mệt mỏi và rạn vỡ là điều khó tránh.
Các ông chồng cũng cần có cách giúp vợ điều chỉnh. Thường lời nói sẽ không có tác dụng nhiều bằng hành động. Nhưng dù làm gì, bạn cũng đừng nghĩ là dùng cách đó để trừng trị vợ, kiểu “chiến đấu”, trả đũa nhau mà là thể hiện thiện chí giúp bạn đời khắc phục những điều chưa tốt. Nếu ứng xử kiểu “vợ lười chồng cũng chây ì” hay “cô không dọn tôi vứt hết đi” với thái độ hung dữ thì thường phản tác dụng.
“Bạn có thể hốt hết đồ đi nhưng thay vì quẳng vào thùng rác, có thể âm thầm cất kỹ chỗ khác, lâu lâu sau đưa lại cho vợ, thủ thỉ phân tích cho cô ấy nghe bạn mong vợ ngăn nắp thế nào, việc cô ấy bày bừa khiến bạn cảm thấy khó chịu ra sao”, nhà tâm lý gợi ý.
Theo bà Hà, tính cách một người khó thay đổi nhưng một người vợ yêu chồng, muốn vun đắp cho gia đình và cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của người bạn đời thì họ sẽ cố gắng hoàn thiện mình hơn.
Vương Linh
Các bà vợ cao tay ‘trị’ chồng hay dỗi vặt | Tôi đã ‘trị’ thói tiêu hoang của vợ như thế nào |
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.