Không ham muốn, nhưng chị Hà lại lấy phải người chồng có nhu cầu cao. Đêm đêm với chị là cực hình.
Sau cuộc ly hôn cách đây 3 năm, chị Hà – giám đốc kinh doanh của một công ty quảng cáo lớn tại Nam Định – đang sống những tháng ngày hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chị dành 70% thời gian mỗi ngày cho niềm đam mê kinh doanh, 10% cho con gái nhỏ 8 tuổi, 10% để ngủ, còn lại dành cho các việc khác, ví như thú vui âm nhạc, nấu nướng. Đàn ông không có trong thế giới của chị và tình dục – một nhu cầu quan trọng như ăn, như ngủ với đa số mọi người – càng không bao giờ chị muốn xuất hiện trong thế giới của mình lần nữa. “Tôi là một người vô tính”, chị bộc bạch.
Nữ doanh nhân có vẻ ngoài dễ nhìn, năng động kể, như mọi cô gái, năm 22 tuổi chị tốt nghiệp đại học, gia đình thúc giục có người yêu và chị cũng nhận lời yêu một người chị có tình cảm. “Thường phụ nữ nhìn đàn ông thì thấy hấp dẫn, đẹp trai nhưng khi tôi nhìn đàn ông chỉ chú ý một điểm, họ có thông minh không. Tôi có thể nằm cạnh họ nhưng không bao giờ có ý niệm về chuyện ấy”, chị nói.
Năm 2006, chị Hà tổ chức đám cưới với người yêu một năm của mình và dâng hiến đời con gái cho chồng. “Sách vở, báo chí cứ nói về ‘chuyện ấy’ hay lắm, nhưng lần đầu tiên của tôi không có cảm giác gì khác ngoài đau đớn và thất vọng”, chị nói.
Sau lần đầu tiên, chị Hà cứ nghĩ do mình chưa quen, chưa có cảm xúc. Những lần tiếp theo, chị vẫn rất hợp tác với chồng, đáp ứng mọi cách thức mà chồng muốn, nhưng cảm giác lưu lại trong chị vẫn như “nước đổ lá khoai”. Chị đã cố gắng ép buộc bản thân nhiều lắm. Thậm chí còn đọc các cách làm thế nào để có cảm hứng nhưng vẫn chẳng thấy gì. Thời đó chị Hà vẫn yêu chồng, thích được ôm anh ấy, hôn anh ấy nhưng chỉ thế là đủ và không hề muốn thêm gì nữa.
Vì không có hứng thú gì, cũng không để tâm đến “chuyện ấy” nên giờ đây sau vài năm không có sex trong cuộc sống, trí nhớ của chị Hà về nó chỉ là những mảnh ghép vỡ vụn. “Tôi cứ làm theo những cái mọi người làm, có bạn trai, kết hôn, sinh con. Ngay cả việc mình không thích nhưng chồng bảo nhà nào cũng đều làm nó ngày ngày, tôi cũng tin và gồng mình lên đáp ứng. Chỉ khi không chịu được nữa tôi mới tìm cách thoái thác, trốn chạy”, chị bộc bạch.
|
Không thích sex, chị Hà lại lấy phải một người chồng nghiện khoản này. Chồng chị còn có hàng trăm bộ phim nóng đủ thể loại. Đã có vài lần, anh ép chị cùng xem, nhưng chị không hề muốn và quay mặt đi. Về sau chị buộc phải khuất mắt làm ngơ trước việc chồng dán mắt vào nó hàng ngày, thậm chí cặp bồ và giải quyết bên ngoài.
“Tôi không thích nên phải viện đủ lý do để từ chối. Hôm mệt, ốm đau, hôm về quê, đi công tác, hay đến ngày phụ nữ. Thế nhưng anh ấy cũng không tha, không đòi hỏi đêm thì ban ngày. Vì không có cảm giác gì, nên tôi cũng không đáp ứng. Chồng cũng chẳng kiêng dè nữa, anh ta cứ làm, còn tôi cứ ngủ”, chị kể lại 6 năm trải qua như thế. Không ít lần chị đã thẳng thắn nói với chồng rằng mình không có cảm giác nhưng anh gạt phắt và bỏ đi ngay.
Thắc mắc về bản thân, chị Hà từng gọi đến vài trung tâm tư vấn để hỏi. Có những người đưa ra lý do chị lãnh cảm, chấn thương tâm lý, trầm cảm sau sinh… nhưng chị đều thấy mình không rơi vào trường hợp nào trong đó. “Một bác sĩ bảo, đáng lý cái tuổi 28, 29 của tôi thời đó phải là tuổi phụ nữ đang sung mãn nhất trong chuyện ấy, nhưng tôi lại không mảy may có một tí ham muốn nào”.
Chục năm trước, các kiến thức về người đồng tính đã ít, người vô tính càng ít hơn. Hầu hết người vô tính đều loay hoay nhận diện mình và không thấy mình giống so với các xu hướng tính dục còn lại như người dị tính, đồng tính, song tính. Với chị Hà, băn khoăn về bản thân luôn là dấu hỏi hiện hữu trong đầu. Sau nhiều lần lên Internet tìm hiểu, chị lần ra được những bài viết đầu tiên về vô tính. Càng tìm hiểu chị Hà càng thấy điểm sáng cho đời mình.
Năm 2010, chị Hà lập một topic về “giới tính thứ thư” trên một diễn đàn, làm nơi kết nối cho chị và khoảng chục người chị quen biết cũng là người vô tính. Chị chia sẻ các kiến thức về giới của mình và đưa ra lời khuyên cho những người vô tính trẻ, nếu muốn kết hôn thì hãy tìm đến đối tác cũng giống mình.
Tuy nhiên, nhận diện được bản thân không phải lý do khiến người phụ nữ này đưa ra quyết định ly hôn chồng. Sau 6 năm cố gắng dung hòa mà không thay đổi được vì anh mải chơi, ham mê sex, chị mới quyết định đường ai nấy đi.
Từ ngày ly hôn, chị Hà dành nhiều thời gian cho công việc. Sự nghiệp cũng có chút thành quả. Với chị, cuộc sống còn nhiều niềm vui, không cứ gì phải có đàn ông và “chuyện ấy”. “Nếu tôi sớm biết đến người vô tính thì đã không phí phạm mất 6 năm cuộc đời. Tuổi 30 bắt đầu sự nghiệp đã là muộn. Tuổi 40 đang tới gần. Giờ tôi phải sống hết mình cho niềm đam mê kinh doanh và con gái nhỏ”, chị cho hay.
Dù vậy, theo chị Hà, cuộc sống với một người bên trong là vô tính, bên ngoài là một phụ nữ đơn thân thành đạt không dễ dàng. Dù không hề muốn, thỉnh thoảng chị vẫn bị bao quanh bởi những người đàn ông. Họ không biết, chị không bao giờ bị cám dỗ bởi chuyện này.
Nhà xã hội học Edward Laumann thuộc Đại học Chicago, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về giới tính, cho biết: “Mọi người phải chuẩn bị chấp nhận vô tính đúng như họ chấp nhận một đứa trẻ sơ sinh”. Điều này có nghĩa, với những người vô tính (asexual) hấp dẫn tình dục đối với họ là xa lạ và không cần thiết trong cuộc sống. Một số ít trong số họ biết yêu và có thể sex nhưng không thích, còn lại đại đa số hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện này. Trong quan hệ nam nữ, họ chỉ muốn gần gũi thuần túy như bạn bè, anh em ruột chứ không hề muốn quan hệ xác thịt. Ước tính có 1% dân số thuộc giới tính thứ 4. Những người vô tính không muốn nhắc nhiều đến tình dục và tình yêu vì đa phần họ đều không có, không cần và họ không thích khi nhắc tới nó. Nhiều người trong giới asexual thích cuộc sống gần thiên nhiên, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống. Họ sống thuần túy là hướng tới cái thiện. |
Phan Dương
* Tên nhân vật đã thay đổi
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.