Bé trai 5 tuổi rơi từ lan can tầng 15 chung cư dấy lên cảnh báo về hiểm nguy rình rập khi trẻ ở nhà cao tầng một mình. Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi tự ở nhà.
Mới đây, người bố sống tại căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh (TP HCM) đã khóa cửa nhà cho con trai 5 tuổi ở một mình để đi đón cậu con lớn đang học ở trường. Một lúc sau, khi trở về người bố tìm khắp căn hộ không thấy con đâu. Đứng ở lan can nhìn xuống đất, người bố phát hiện con mình nằm bất động trên thảm cỏ. Được đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.
Trước đó, từng có nhiều vụ tai nạn thương tâm khi trẻ ở nhà cao tầng một mình cũng đã xảy ra. Khoảng 2 tháng trước, một bé trai hơn 2 tuổi tại Thái Nguyên bị chấn thương sọ não, hôn mê do ngã từ ban công cao khoảng 5m xuống đất.
Tháng 6/2013, bé 4 tuổi tử vong khi ngã từ tầng 11 tòa nhà khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Hà Nội). Lúc bé ngủ trưa, bà nội đi ra ngoài. Khi về không thấy cháu, bà hoảng hốt đi tìm mới phát hiện sự việc. Sự việc tương tự từng xảy ra năm 2008 với một bé trai, ngã từ tầng 9 của tòa nhà xuống bãi cỏ phía trước.
Tháng 12/2003, một bé trai rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11, TP HCM khi đi ra phía ngoài lan can và rơi xuống đất, tử vong. Khi đó nhà vắng người lớn.
Trước đó, một bé gái tại Nhà Bè, TP HCM, đang ngồi chơi với chiếc iPad bên cửa sổ thì máy tính bảng rơi ra ngoài nên nhoài người với lại và bị ngã khỏi tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận, tử vong. Hôm ấy thứ bảy, bé nghỉ học ở nhà cùng em gái và được bà ngoại trông. Cửa sổ căn hộ bé gái bị rơi có thiết kế cửa lùa – kính kéo ngang.
Cửa sổ căn hộ bé gái tại Nhà Bè rơi là cửa kính lùa, trong khi nhiều căn hộ khác các cư dân đã làm thêm song sắt bảo vệ. Ảnh: An Nhơn |
Năm 2011, trong lúc mẹ đưa chị gái đi học, bé trai 4 tuổi (Hà Nội) ra ban công chơi và bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2, tử vong tại chỗ. Người mẹ cho biết khi đưa cô con gái học lớp 4 đến trường, thấy con trai vẫn nằm ngủ nên chị chỉ đóng cửa sau (lối ra ban công) mà không khóa lại. Ban công của tòa nhà cao hơn một mét, dùng làm nơi giặt giũ, phơi quần áo và rửa bát.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567 (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), tốt nhất không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi ở nhà một mình. “Trẻ mẫu giáo ở nhà một mình là quá nguy hiểm. Các em còn nhỏ, hay quên, ham nghịch, chưa có kinh nghiệm sống, các mối nguy rình rập xung quanh, từ lan can nhà cao tầng, ổ điện, vật dụng sắc nhọn…”, nhà tâm lý nói.
Bà cho biết nhiều nước phát triển còn không cho phép cha mẹ để con tuổi tiểu học ở nhà một mình. Ở Anh, bà từng chứng kiến một trường hợp, sau khi một bé gái lớp 3 kể với cô giáo chuyện bố mẹ cho tự chơi ở nhà một buổi thì lập tức hôm sau phụ huynh của em bị đội công tác xã hội, cảnh sát đến nhà tìm hiểu sự việc. Nhà chức trách cảnh báo nếu bố mẹ làm vậy lần nữa sẽ bị cách ly không được nuôi con trong 6 tháng.
Hiện tại, Việt Nam chưa có điều luật nào quy định như vậy nhưng để đảm bảo an toàn cho con, bố mẹ không bao giờ nên để trẻ nhỏ ở một mình, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo tiến sĩ Quý, với trẻ em, an toàn là nhu cầu số một cần được quan tâm (bên cạnh 4 nhu cầu khác là được yêu thương, hiểu, tôn trọng, có giá trị). Nhiều người lớn đôi khi không hiểu hết điều này và còn chủ quan. Các trường hợp tai nạn khi trẻ ở một mình dẫn tới những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra khá nhiều.
Bà Kim Quý cho rằng, trong trường hợp bố mẹ vắng mặt ở nhà cả buổi, với trẻ tiểu học trở lên, vẫn cần thường xuyên gọi điện về để biết con đang làm gì, tình trạng ra sao… Ngoài ra, ngay khi trẻ còn nhỏ, bên cạnh việc luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy trong nhà như: Không đụng vào các ổ cắm, không mở cửa cho người lạ, nhận biết các thứ có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
Năm 2011, trong chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã giới thiệu những chỉ số xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em, với 15 điều bắt buộc phải đạt, gồm: – Xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn đảm bảo an toàn cho trẻ em. – Giếng, bể nước (chum vại nước ăn) có nắp đậy chắc chắn, an toàn. – Những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn. – Cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được. – Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. – Khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga. – Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài. – Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong nhà. – Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/ áp-tô-mát và ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. – Cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn. Bậc cầu thang có chiều cao, bề mặt rộng phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ em. – Khoảng cách giữa các thanh dọc của lan can cầu thang đảm bảo trẻ dưới 6 tuổi không chui lọt và không có các thanh ngang để trẻ em sử dụng trèo qua. – Phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn, ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. – Các loại thuốc được để trong tủ đựng thuốc và ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. – Dao, kéo và các vật sắc nhọn dùng để cắt để ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. – Không cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi nhỏ hoặc các vật nhỏ dễ nuốt, đề phòng hóc nghẹn đường thở. |
Minh Thùy – Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.