Thứ Hai, 07/09/2015 | 05:28

Bà Ba Anh, 73 tuổi, hào hứng khoe: “Tui trước đây thường ho hen, trời lạnh là “khọt khẹt” liên tục. Từ bữa ham vui ca hát tới giờ hổng thấy ho hen gì nữa”.

Gần 3 giờ chiều, nhà bà Ba Anh (khu phố 5, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn rộn ràng tiếng hát ca. Bà Ba Anh cười: “Coi già vầy chớ ca hát sung lắm à. Ở đây có Câu lạc bộ (CLB) Sống vui sống khỏe nhờ thường xuyên hát ca đó nghen”.

Hát hay không bằng hay hát

Bữa nay nhóm các cụ tập bài Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long cho tiết mục hợp ca. Các cụ tuổi trên dưới 70, tóc đã bạc trắng, ai cũng hát hay tuy có lúc còn trật nhịp, có khi “đâm hơi”; nhưng nét chung là mọi người đều say sưa, giọng hát rất có hồn.

Bà Dương Minh Mười, 67 tuổi, chia sẻ: “Tuổi già có ca hát người nó năng động, linh hoạt và nhanh nhẹn lắm”.

Bà Mười kể tiếp: “Ông xã tui vừa mất không lâu, lúc đó tui buồn bã không thiết làm gì, suốt ngày rầu rĩ riết người cũng rệu, sức khỏe dần suy giảm. Nhưng tui ráng gượng dậy và hát ca thì thầm một mình. Vậy mà người khỏe ra, rồi nhập vô CLB này, vừa tập dưỡng sinh vừa ca hát, lại còn ngâm thơ nữa chớ. Vui lắm!”.

Hát ca góp phần giúp người già khỏe mạnh. (Ảnh: Quang Định)

Ông Nguyễn Minh Quang, chủ nhiệm CLB Sống vui sống khỏe khu phố 5, cho biết từ lúc thành lập tới nay là hơn một năm, quy tụ được 45 người, các cụ hào hứng tham gia vì đem lại lợi ích thiết thực. Trước tiên là nhờ ca hát, tập dưỡng sinh, sức khỏe các cụ ổn định, ít sự cố nguy hiểm; kế đến là các cụ sống hữu ích, là tấm gương tốt, lại truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng sống cho con cháu.

Tiếng hát át tiếng than!

Từ hơn một năm trở lại đây, mỗi thứ sáu hằng tuần, lúc 6 giờ 30 phút chiều là các thành viên CLB Đờn ca tài tử (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ phường 6, quận Gò Vấp) lại tụ về điểm nhà bà Trần Thị Xuân Hoa ở khu phố 5.

Sau khi thầy đờn Minh Quý so dây đàng hoàng, rao lên vài điệu ngâm vọng cổ thì cuộc chơi bắt đầu. Bà Xuân Hoa vừa là chủ nhà, vừa là chủ nhiệm CLB, vừa làm “em xi” luôn. Bà đã ghi sẵn danh sách “ca sĩ” đăng ký bài từ lúc mới vô, giờ đem ra giới thiệu. Sân khấu là một khoảnh sân nhỏ trước nhà. Hàng ghế khán giả nối liền ngay sau sân khấu, chỉ cách một lối đi. Ca sĩ trình diễn xong thì xuống làm… khán giả. Cứ vậy mọi người xoay vòng ca hết bài này tới bài khác.

“Một đêm tụ họp chừng 20-30 người, mỗi người ca được một bản là vãn hát – bà Hoa cho biết – Vì ai cũng được ca, ai cũng được thưởng thức nên mọi người đều vui vẻ”.

Các thành viên đến từ nhiều khu phố trong phường, có cả các phường bạn từ Q.12, Bình Thạnh qua. Chị Ngọc Huyền cho biết từ khi CLB thành lập tới nay, chị mới có dịp phô diễn giọng ca của mình vì chị vốn đam mê ca cổ từ nhỏ. “Thời gian dài không được ca, trong người em bứt rứt nóng nảy lắm. Ca một bài xong người nó nhẹ hẫng rất khoan khoái, giống như mới tập yoga xong vậy”.

Trong CLB có ông Trương Văn Nghề (thường gọi Tư Nghề), 74 tuổi, hai mắt đã mù nhưng làn hơi còn khỏe. Ông thường ca những bài của bậc lão làng như Đài hoa dâng Bác, Tình anh bán chiếu do nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn ca lúc đương thời. Ông ca chắc nhịp, truyền cảm, kết hợp với tiếng đờn réo rắt của thầy đờn Minh Quý làm khán giả ngồi nghe ai cũng trào dâng cảm xúc.

Ông vốn là một thương binh, từng để lại chiến trường một mắt phải và cánh tay bị gãy hồi năm 1970. Hơn 10 năm trước, mắt trái còn lại cũng mù luôn, ông đã tuyệt vọng tới mức muốn tự tử. Nhưng với sự chăm sóc của vợ ông – bà Trần Thị Xuân Hoa – ông phục hồi giọng ca của mình.

“Hồi chiến tranh anh em mình có câu “tiếng hát át tiếng bom”. Bây giờ tui già thương tật lại bị mù, cứ ngồi đó than thở ích gì. Thôi thì sửa lại thành “tiếng hát át tiếng than” để sống vui, sống khỏe, sống có ích chớ” – ông nói.

Hát để yêu đời hơn

Mô hình kết nối và ảnh hưởng của âm nhạc đến chất lượng cuộc sống của tuổi già (Dữ liệu: BS Nguyễn Tất Bình – Nguồn: Florian Ecki)

Trong công việc giao lưu hằng ngày, do quỹ thời gian trong ngày khá nhiều vì không phải làm việc nên những người lớn tuổi cần đa dạng hóa hoạt động thể chất như tập thể dục, luyện yoga và hoạt động tinh thần: ca hát, diễn văn nghệ, làm thơ, thưởng thức âm nhạc… là rất cần thiết.

Khi tham gia những hoạt động này người lớn tuổi thấy yêu đời hơn, các nội tiết tố quan trọng của cơ thể gia tăng gần như thời trai trẻ và hệ tim mạch do có những cảm xúc tốt, dương tính sẽ hoạt động tốt hơn, nhịp tim trở nên đều đặn, huyết áp được cải thiện… tiêu hóa tốt hơn, họ ăn uống ngon miệng hơn, giấc ngủ cũng đến dễ dàng.

Điều này đã được chứng minh từ lâu, ở các nước phát triển người ta rất chú trọng các loại hình giao lưu giữa những người lớn tuổi với nhau, nhất là trong các nhà dưỡng lão.

Ở đây mọi người luôn có sự giao lưu, trong đó dễ nhất là giao lưu văn nghệ, ca hát với nhau và có những bằng chứng rất hiển nhiên là những người sống trong các nhà dưỡng lão thọ hơn những người khác vì ngoài lý do luôn giao lưu với nhau, họ còn được chăm sóc sức khỏe về mặt y học thường xuyên và tốt hơn.

Hãy giao lưu với nhau, hãy ca hát với nhau cho đời thêm tươi đẹp và hãy quên đi gánh nặng tuổi tác – đó là thông điệp mà những người thầy thuốc chúng tôi muốn truyền đạt cho những người lớn tuổi.

GS-TSKH Nguyễn Khánh Dư

 

Theo Tuổi Trẻ

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook