‘Có thể thai nhi được cứu, nhưng có thể sẽ ra đi chỉ sau 15 phút. Vợ chồng tôi run run ký vào tờ đơn sinh tử ấy’, anh Tuấn kể.
Hơn 6 tháng trôi qua, vợ chồng anh Anh Tuấn – chị Thảo Phương, ở Mỹ Đình, Hà Nội, vẫn nhớ như in khoảnh khắc lần đầu được bế cậu con trai Thanh Bình. Bởi lẽ để có được niềm hạnh phúc ấy, anh và vợ đã trải qua 2 tháng phập phồng sống trong sợ hãi.
Chị Thảo Phương, 23 tuổi, mang thai bé Bình khi đứa con gái đầu mới 6 tháng tuổi. Quá trình siêu âm con trong bụng đến tháng thứ 6 vẫn bình thường. Thế nhưng vào tuần thai thứ 28, bác sĩ cho biết thai nhi có vấn đề, bị dị tật và khuyên chị nên bỏ.
“Khi nghe đến đây, trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Trời đất quay cuồng, nghẹn lời không biết nói sao. Con vẫn đang đạp trong bụng tôi cơ mà. Tôi gọi điện cho chồng trong tiếng nấc rồi lê bước về nhà, chỉ biết khóc tới khi lả đi”, chị Phương nhớ lại.
Bé Bình lúc chào đời và khi được 3 tháng tuổi.
Hà Nội những ngày hè tháng 8/2017, trời nắng như đổ lửa, hai vợ chồng chị đèo nhau đi siêu âm lại tại nhiều địa chỉ uy tín khác với niềm hy vọng mong manh là có sự nhầm lẫn nào đó, nhiều hôm 12 giờ đêm mới về tới nhà. Nhưng đi đến đâu, anh chị cũng đều nhận được kết quả tương tự, thai có dấu hiệu bất thường, tràn dịch ổ bụng, phù thai, phù nhau thai và tim to.
“Đến bất cứ nơi nào chúng tôi cũng nhận được những lời tư vấn ‘bỏ, bỏ và bỏ’. ‘đình chỉ thai’, ‘không nên giữ’… Thời gian đó cả gia đình tôi như chuẩn bị có tang, bầu không khí ngột ngạt, không ai nói với ai một lời, một sự im lặng đến đáng sợ”, anh Tuấn chia sẻ.
Để khiến vợ yên lòng, người chồng sinh năm 1979 tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn, an ủi sẽ tìm được bác sĩ giỏi cứu con, nhưng thực tâm anh lo sợ tột độ. Ban đêm, anh Tuấn giấu vợ, xuống tầng dưới ngồi khóc một mình. Nỗi đau sắp mất con đánh gục người đàn ông mạnh mẽ, tháo vát thường ngày.
Rất may sau đó, anh chị được giới thiệu gặp một bác sĩ chuyên khoa sản có tiếng và một bác sĩ người Pháp đang giảng dạy tại Việt Nam thời điểm đó. Hai bác sĩ đều nói thai bị thiếu máu dẫn đến các biểu hiện kia. Nếu không phải bị bệnh tan máu bẩm sinh thì có thể cứu bằng cách truyền máu cho em bé. Máu sẽ được truyền trực tiếp vào cuống rốn của bé qua thành bụng của mẹ. Nhưng cách này cũng chỉ đảm bảo được cơ hội thành công 60%.
“Đó thực sự là những giây phút cân não nhất trong cuộc đời tôi. Có thể con sẽ được cứu chữa và phải theo dõi. Nhưng có thể sẽ mất con sau 15 phút ban đầu. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng tôi run run đặt bút ký vào bản án cuộc đời con”, anh Tuấn nói.
May mắn là ca phẫu thuật đã thành công. Như một điều kỳ diệu, sức khỏe thai nhi càng ngày càng được cải thiện, con giảm dần dịch và đáp ứng máu rất tốt. Chị Phương sau đó thường xuyên phải theo dõi và thăm khám tại bệnh viện 2-3 lần/tuần. Người mẹ ấy chỉ hy vọng con có thể ở trong bụng càng lâu càng tốt.
Chị Phương, anh Tuấn thường xuyên lo lắng, theo dõi con qua cánh cửa bệnh viện.
Thế nhưng đến chiều ngày 16/10, khi đến viện siêu âm như thường lệ, chị Phương lo lắng khi các bác sĩ phát hiện em bé có nguy cơ suy thai và đề nghị mổ cấp cứu. Khi đó, thai nhi 36 tuần 4 ngày.
Bé chào đời bị nhiễm trùng sơ sinh nên phải chuyển ngay vào phòng chăm sóc đặc biệt. 3 giờ sau, em bé tiếp tục được truyền máu, vì khi đó bé chỉ được có 50% lượng máu trung bình trong cơ thể. 50 xét nghiệm các loại được thực hiện.
“Mọi người khi đó chỉ có thể nhìn con qua ảnh bác sĩ gửi. 68 giờ sau sinh, tôi mới được bế con trên tay lần đầu. Tự dưng lúc đó con òa khóc khiến hai vợ chồng không kìm được xúc động”, chị Phương kể lại.
Nhưng lo lắng vẫn chưa dứt. Những vết thâm tím trên người rõ lên, bé vẫn thiếu máu, sức đề kháng yếu. 3 ngày sau đó, vợ chồng anh Tuấn tiếp tục ký giấy cam kết về việc gây mê cho con. Các bác sĩ cần phải kiểm tra và xử lý phần tim bị phù.
Hai vợ chồng lại như ngồi trên đống lửa, vì lo lắng những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình gây mê bởi con còn quá bé. Ngồi bên ngoài phòng chờ, nhìn con qua cửa kính, thấy rất đông bác sĩ vây quanh con, anh Tuấn, chị Phương phập phồng theo dõi từng cử chỉ của họ. Chỉ một cái nhíu mày, hay suy tư của một ai đó trong phòng cũng khiến họ đứng ngồi không yên. Hai vợ chồng chỉ thở phào, nắm chặt tay nhau khi các bác sĩ thông báo kết quả đều ổn.
Vợ chồng anh Tuấn chụp ảnh với bác sĩ người Pháp, một trong hai bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cứu em bé ngay trong bụng mẹ.
Cuối cùng sau hơn 10 ngày, em bé được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình. Bé sau đó phải vào viện thăm khám thường xuyên nhưng sức khỏe dần ổn định. Anh Tuấn cho biết qua tháng thứ 4, mọi thứ gần như bình thường, tim con không to, không phù nữa. Bé hiện tại hơn 6 tháng tuổi, ăn uống, ngủ tốt, tăng cân đều.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn vừa qua, anh chị thầm cảm ơn những y bác sĩ, người đã mang con mình đến với cuộc sống này. Anh Tuấn cho hay, hai vợ chồng may mắn 2 lần gặp lại vị bác sĩ người Pháp đã tiến hành ca phẫu thuật cho con trai khi ông có dịp trở lại Việt Nam.
“Con được cứu sống ngay trong bụng mẹ và chào đời như chuyện cổ tích thời hiện đại. Con đã là em bé dũng cảm ngay khi còn nhỏ. Giờ đây con hãy dũng cảm và kiên cường lên con nhé”, anh Tuấn nhắn nhủ con trai khi cậu bé đang mở tròn mắt hóng chuyện cùng bố.
Mộc Miên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.