ThS.BS. Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết: trong lĩnh vực giám định tâm thần, quá trình theo dõi, giám định phải tuân thủ quy trình theo đúng tiêu chuẩn phân loại bệnh quốc tế đã được Bộ Y tế ban hành.
Quan trọng nhất là việc theo dõi lâm sàng các đối tượng, bao gồm nghiên cứu hồ sơ về đối tượng từ trước đến nay; kết hợp các yếu tố cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ (MRI), đo điện não đồ… Nếu các bác sĩ theo dõi và giám định chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức, đạo đức cũng như bản lĩnh sẽ dẫn đến những hậu quả về chẩn đoán, kết luận giám định và những hệ lụy kèm theo.
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Quang
Nhiều người đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án theo luật. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp ngược lại, cũng không ít bệnh nhân bị tâm thần nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã không có kết quả giám định chính xác, dẫn đến việc tước đi cơ hội cho bệnh nhân nhanh chóng được điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, không chỉ vậy, còn ảnh hưởng đến nghĩa vụ và quyền lợi của họ liên quan đến trợ cấp xã hội, nghĩa vụ quân sự và những quyền lợi khác như tranh chấp tài sản.
Theo số liệu của Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM (Bộ Y tế), mỗi tháng trung tâm giám định hơn 200 trường hợp về sức khỏe tâm thần bao gồm giám định tư pháp và các lĩnh vực dân sự khác. Trưng cầu giám định trong lĩnh vực tâm thần như “tuyên bố mất năng lực” liên quan đến tư pháp, dân sự ngày càng tăng.
Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết các bệnh tâm thần thường gặp trong đời sống hiện đại ngày nay?
Chúng ta đều biết rằng, bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 có hơn 300 loại bệnh tâm thần. Trong đó có hơn 10 bệnh tâm thần phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam, chẳng hạn như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh rối loạn tâm thần do nghiện rượu, ma túy hay các chất kích thích, chậm phát triển tâm thần, rối loạn nhân cách, sa sút tuổi già…
Bất cứ cơ sở nào có chuyên khoa tâm thần đều có thể cấp giấy chứng nhận về tâm thần?
Mọi quy định chứng nhận về tâm thần đã được Bộ Y tế ban hành. Hiện nay, theo một thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh Xã hội về vấn đề chứng nhận cho người bị bệnh tâm thần để hưởng trợ cấp xã hội. Một người bệnh đến một cơ sở khám chữa bệnh như bệnh viện tâm thần, các bác sĩ khám, cho làm các xét nghiệm đưa đến chẩn đoán, ra hướng điều trị, kê toa, theo dõi, tiên lượng, phòng ngừa. Ở đó, người dân đến khám được chẩn đoán “có bệnh” hay “không có bệnh”, mắc bệnh tâm thần gì, theo các tiêu chuẩn đánh giá nào.Toàn bộ nội dung đó được trao đổi giữa bác sĩ và người cần điều trị nhằm tuân thủ điều trị sau một cuộc khám.
Còn ở các trung tâm pháp y tâm thần tuân thủ 2 tiêu chí trong phần kết luận đó là: 1. Phải xác định có bệnh tâm thần hay không? Theo tiêu chuẩn chẩn đoán trong bảng phân loại bệnh quốc tế.
2. Rồi tiếp theo, chúng ta mới đánh giá về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, theo quy định: đủ, hạn chế hoặc mất khả năng điều khiển hành vi.
Như vậy, sự khác nhau, đến bệnh viện là chỉ khám đưa ra chẩn đoán và tiếp theo đưa ra các phương pháp điều trị chứ không có việc đánh giá về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như bên giám định.
Điều đó, đôi khi dẫn đến các ngộ nhận giữa “bệnh án tâm thần” và “kết luận giám định pháp y tâm thần”. Trong thực tế, việc giám định để khi được xác định có bệnh tâm thần (1 số ca) nhằm hưởng xét trợ cấp xã hội theo thông tư của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, nhưng đôi khi người đi xác định đem giấy trên kèm kết hợp thực hiện mục đích khác và dễ bị kẻ xấu lợi dụng trong việc vay mượn tài sản, lừa đảo, mang hàng cấm, gây rối loạn trật tự xã hội thậm trí bị lôi kéo vào hoạt động biểu tình chống phá nhà nước. Một số còn là nạn nhân của việc bị người khác chiếm đoạt tài sản nhà cửa rồi xô đẩy hắt hủi người bệnh, thậm chí đưa họ vào trại tâm thần để che dấu hành vi của người thân thực hiện theo ý đồ riêng của cá nhân.
Vậy chúng ta dựa trên những tiêu chí nào để giám định tâm thần?
Đánh giá xác định bệnh nhân tâm thần, trước hết chúng ta phải tuân thủ theo một quy trình giám định căn cứ Thông tư 18, ban hành ngày 14/7/2015 của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y tâm thần đối với các trung tâm giám định pháp y tâm thần trên cả nước. Trong đó, người giám định pháp y tâm thần phải là bác sĩ chuyên ngành tâm thần, đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên pháp y tâm thần hoặc là người giám định pháp y tâm thần theo vụ việc (gọi chung là giám định viên). Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên tham gia. Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh cũng như đánh giá năng lực hành vi thì có thể có 05 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai, có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 9 người/1 ca giám định.
Một thủ tục bắt buộc của việc giám định là tùy theo đối tượng đó liên quan đến vấn đề hình sự hay dân sự. Cơ quan trưng cầu sẽ thuộc về các cơ quan tố tụng, tư pháp như công an, tòa án, viện kiểm sát; hoặc từ chính cá nhân yêu cầu:
– Tên người được trưng cầu giám định
– Một quyết định trưng cầu, nội dung yêu cầu trưng cầu (có bệnh tâm thần hay không, bệnh gì, theo quy định nào, đánh giá khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, cũng như đánh giá có hay không mất năng lực hành vi…).
Cơ quan trưng cầu như chúng tôi còn yêu cầu các hồ sơ bệnh án, toa thuốc kèm theo nếu có, các xác minh từ địa phương, từ công an khu vực, thân nhân của người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những người được trưng cầu giám định nếu từng có tiền sử tâm thần phải đưa ra được các bằng chứng, chứng cứ như toa thuốc, sổ khám bệnh, hồ sơ bệnh án, rồi các kết quả cận lâm sàng nếu có ở các bệnh viện.
Tùy theo cơ quan yêu cầu trưng cầu như pháp luật và công an, chúng tôi phải làm thủ tục theo dõi những đối tượng bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần trong thời gian từ 2 – 4 tuần nhằm nghiên cứu các biểu hiện, hành vi có liên quan đến rối loạn tâm thần nếu có. Các công cụ hỗ trợ kèm theo ngoài giám định viên, kíp trực còn có camera, công an…
Đây là những yếu tố đảm bảo quy trình chuẩn bị giám định pháp y tâm thần sao cho chặt chẽ, khách quan và tuân thủ theo các quy định.
Trường hợp nào áp dụng “Chữa bệnh bắt buộc?”
Theo Bộ Tư pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Điều luật trên quy định có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: Người thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm… Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Trường hợp này người phạm tội không đủ năng lực TNHS nên không có lỗi. Năng lực TNHS là điều kiện cần thiết để xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đánh giá được hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm
Trường hợp thứ hai: Người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự. Vì khi phạm tội người phạm tội vẫn có năng lực TNHS, có khả năng điều khiển hành vi. Chỉ sau khi gây án người phạm tội mới bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, mất năng lực điều khiển hành vi. Do đó, người phạm tội bắt buộc phải chữa bệnh và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội do mình gây ra.
Những tổ chức cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
– Viện Pháp y Tâm thần Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Bắc.
AN QUÝ (ghi)
AN QUÝ (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.