Thứ Hai, 19/10/2015 | 19:13

“Sinh con mới biết lòng cha mẹ”, câu nói trên thật đúng và thấm thía lòng người. Đặc biệt, người phụ nữ chịu bao vất vả, gian truân từ khi mang thai, chịu đựng cảnh đau ốm, khó ăn, mất ngủ, nôn mửa…đến sau sinh vừa nuôi con vừa đối diện với các nguy cơ nứt cổ gà, tắc tia sữa, áp xe vú…Trong đó hiện tượng tắc tia sữa xảy ra với số đông các sản phụ do phải sử dụng thuốc chống nhiễm trùng sau sinh hoặc do mệt mỏi, lơ đãng ít cho bé bú khiến cho tuyến sữa bị tắc…

Theo thống kê của một số bệnh viện phụ sản cho thấy, thời gian gần đây, số sản phụ bị tắc tia sữa tại các tỉnh thành trên cả nước đang có dấu hiệu gia tăng.

Giải pháp hiệu quả cho các bà mẹ bị tắc tia sữa

Đặc biệt các ca bị tắc tia sữa đến bệnh viện điều trị chủ yếu ở lứa tuổi dưới 23, do sinh con lần đầu nên chưa có kinh nghiệm chăm sóc ngực, bảo vệ bầu sữa.

Cấu tạo các tuyến sữa

Sữa được sản xuất từ các tuyến sữa, sữa ở các tuyến qua các ống nhỏ rồi đổ vào các ống lớn, đi qua đầu vú mỗi khi bé bú.

Tạo hóa khi sinh ra tuyến sữa có cấu trúc ngoằn ngoèo để tăng dung tích chứa. Vì vậy, nếu chẳng may có một chỗ bị gập lại thì đương nhiên nước ngừng chảy dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa.

Các nguyên nhân khiến tuyến sữa bị tắc

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa chủ yếu do các sản phụ không giữ gìn, vệ sinh đầu vú sạch sẽ để vi khuẩn xâm nhập.

Ngoài ra, do các bà mẹ sau khi cho trẻ bú vẫn chưa hết sữa mà lại không chịu khó nặn/hút cho hết sữa cũ khiến cho sữa còn thừa lần trước vón cục, chặn ở đầu ống sữa dẫn đến ống tuyến sữa bị tắc. Sau đó ống dẫn bị tắc căng phồng lên, chèn ép toàn bộ các ống dẫn khác dẫn đến hai bầu vú bị tắc và ứ sữa .

Đặc biệt, mỗi đầu vú có rất nhiều ống sữa, khoảng từ 5-8 ống, vì vậy, đây cũng chính là cửa ngỏ để vi khuẩn xâm nhập vào ống tuyến sữa.

Hậu quả từ tắc tia sữa

Tắc tia sữa nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tuyến sữa, viêm vú, áp xe vú khiến cho người mẹ mệt mỏi, đau đớn, thậm chí gây sốt.

Ngoài ra, sữa mẹ bị tắc còn gây ảnh hưởng đến các bé, đặc biệt là trong thời gian 6 tháng đầu, bé rất cần nâng cao hệ miễn dịch từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ.

Cách phòng chống tắc tia sữa

Đề để phòng tắc tia sữa, các bà mẹ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô.

Đặc biệt, khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia, thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông ống sữa khi cho con bú, như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.

Ngoài ra, khi thấy một phần của vú bị sưng đỏ, sờ thấy nóng thì nhất thiết phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Các nguyên tắc cần thiết để hạn chế tắc tia sữa

+ Cho bé bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh và bú liên tục theo nhu cầu.

+ Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo giờ giấc cho bé bú hay hút sữa.

+ Đảm bảo lượng nước uống từ 2,5 đến 3 lit nước/ngày và bổ sung các nước từ hoa quả, nước canh rau…

+ Cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thịt cá trứng sữa và các chất xơ từ rau quả

+ Hạn chế ăn chất béo bão hòa…

Hải Yến

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook